Tỷ phú sáng lập Amazon là người mất nhiều tiền nhất năm qua. Ảnh: Reuters. |
Theo Business Insider, 2022 là một năm khó khăn đối với ngành công nghệ. Giá cổ phiếu lao dốc khiến giá trị tài sản ròng của các tỷ phú sáng lập bay hơi.
Forbes vừa công bố bảng xếp hạng tỷ phú thế giới hôm 4/4. Trong số đó, tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong năm qua là ông Jeff Bezos - nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.
Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Bezos đã giảm 57 tỷ USD so với tháng 3/2022, nhưng vẫn ở mức 114 tỷ USD. Ông vẫn đứng thứ 3 trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
57 tỷ USD bốc hơi
Cổ phiếu của Amazon đã mất 50% giá trị vào năm 2022. Gã khổng lồ thương mại điện tử này cũng là công ty niêm yết đầu tiên mất 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.
Theo danh sách của Forbes, Elon Musk - tỷ phú sáng lập Tesla - là người giàu thứ 2 với giá trị tài sản ròng 180 tỷ USD. Còn ông Bernard Arnault - CEO đế chế đồ xa xỉ LVMH - đứng đầu bảng xếp hạng với 211 tỷ USD.
Danh sách của Forbes bao gồm 313 tỷ phú công nghệ với tổng giá trị tài sản đạt 1.900 tỷ USD. Năm ngoái, con số này là 332 người với 2.100 tỷ USD.
Còn trong năm 2021, 365 tỷ phú công nghệ nằm trong danh sách của Forbes với giá trị tài sản kỷ lục 2.500 tỷ USD.
Đến nay, 2023 vẫn là một khởi đầu khó khăn với Amazon. Hồi tháng 1, CEO Andy Jassy - người kế nhiệm ông Bezos - đã tiết lộ về kế hoạch cắt giảm 18.000 việc làm. Đây là đợt sa thải lớn nhất trong lịch sử tập đoàn.
Đến tháng 3, ông Andy Jassy cho biết sẽ cắt giảm thêm 9.000 vị trí, để tập đoàn trở thành một công ty tinh gọn hơn.
Thắt lưng buộc bụng
Trong thời kỳ đại dịch, các lệnh phong tỏa khiến người tiêu dùng mắc kẹt ở nhà. Họ dành nhiều thời gian mua hàng trực tuyến, sử dụng mạng xã hội và chơi game hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, các công ty công nghệ đã tuyển dụng ồ ạt. Riêng Amazon thuê thêm hàng trăm nghìn lao động để xử lý lượng công việc tăng vọt. Công ty thậm chí còn tặng tiền cho những người lao động mới.
Nhưng khi dịch Covid-19 qua đi, mọi người trở lại văn phòng và dành nhiều thời gian ở ngoài hơn, mức độ tương tác trên các nền tảng công nghệ giảm đi và kéo tụt doanh thu. Những đế chế công nghệ - vốn đã mở rộng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch - giờ cần ít nhân viên hơn để quản lý các nền tảng.
Các công ty công nghệ từng cho rằng đại dịch sẽ làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng vĩnh viễn, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi. Nhưng họ đã nhầm.
Amazon buộc phải thắt lưng buộc bụng vì tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến giảm tốc. Ảnh: Reuters. |
Tồi tệ hơn, nền kinh tế toàn cầu đang phát đi những tín hiệu về một cuộc suy thoái. Nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu đã đi xuống.
Triển vọng kinh tế xấu đi và sức mua giảm xuống khiến người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu.
Khi doanh thu tăng trưởng mạnh, đế chế của ông Bezos còn đổ tiền vào bất động sản. Năm ngoái, Bloomberg đưa tin Amazon đang âm thầm mua đất trên khắp nước Mỹ.
Tập đoàn đẩy mạnh mua các tòa nhà có sẵn và đất trống để xây dựng hệ thống trung tâm xử lý đơn hàng của riêng mình.
Nhưng cũng trong năm ngoái, chiến lược đầu tư bất động sản của Amazon bị đình trệ vì tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến giảm tốc.
Tập đoàn buộc phải thắt lưng buộc bụng, rao bán khu phức hợp văn phòng ở khu vực vịnh San Francisco chỉ vừa mới mua cách đây không lâu. Với việc bán đất, ban lãnh đạo tập đoàn đã chuẩn bị trước cho một sự sụt giảm kéo dài.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.