Buổi trò chuyện theo lịch sẽ diễn ra từ 11h15 đến 12h15, tuy nhiên từ 10h30, Jack Ma đã xuất hiện tại hội trường. Sự xuất hiện của ông khiến tất cả mọi người cùng hào hứng, đứng lên vỗ tay chào mừng. Ngay khi được giới thiệu, ông chủ Alibaba quay lại, mỉm cười chào mọi người.
Gần 700 đại diện cộng đồng doanh nhân, phần nhiều là giới ngân hàng, tài chính, và các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng như cộng đồng startup đã có mặt, chờ đợi phiên đối thoại này.
Đến thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây hơn 10 tháng, tỷ phú Trung Quốc Jack Ma sẽ có những ngày bận rộn tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Sáng 6/11, ông chủ Alibaba hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần thứ 2 trong một năm. Trước đó, bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) ngày 19/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tỷ phú Jack Ma, đề nghị ông đến Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với cộng đồng doanh nghiệp.
Tỷ phú Jack Ma đã xuất hiện tại Hà Nội, trò chuyện về vấn đề thanh toán điện tử. Ảnh: Việt Hùng. |
Sau cuộc gặp với Thủ tướng, ông Jack Ma có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng trước khi tới đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Chiều nay, vị tỷ phú cũng sẽ có buổi nói chuyện với 3.000 sinh viên tại Hà Nội nhằm khơi gợi tinh thần, hoài bão cho các bạn trẻ Việt Nam.
Jack Ma, vị tỷ phú tự thân sinh năm 1964, là người đã đưa nền kinh tế Trung Quốc bước vào kỷ nguyên thương mại điện tử.
Ông hiện là người đứng đầu danh sách các tỷ phú giàu nhất châu Á trong danh sách của Forbes với khối tài sản 37,4 tỷ USD.
Hiện nay, ông sở hữu 7,8% cổ phần của Alibaba và 37,9% cổ phần của Ant Financial. Ông cũng sở hữu gần 50% cổ phần tại Alipa, công ty cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến trực thuộc tập đoàn Alibaba. Hiện nay, Alipay chiếm 70% thị phần tại Trung Quốc và có đến 400 triệu người dùng với 70 triệu thanh toán được thực hiện mỗi ngày.
-
Tỷ phú Jack Ma và 10 phút trao đổi với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
10h30 tỷ phú Jack Ma có mặt tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 trong tiếng vỗ tay của quan khách và cộng đồng doanh nhân.
Trước đó, ông đã có 10 phút gặp gỡ trò chuyện với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.
Ảnh: Việt Hùng Phó thủ tướng cho biết trong 10 phút trao đổi, ông rất chia sẻ góc nhìn của tỷ phú Jack Ma, rằng thanh toán không tiền mặt còn mang sự minh bạch cho nền kinh tế.
Ông Huệ giao các bộ ngành nghiên cứu thêm để áp dụng quản lý các khu vực kinh tế phi chính thức. Chính phủ muốn học tập các nước, để minh bạch hóa và quản lý được khu vực kinh tế phi chính thức, chống xói mòn thuế.
Phó thủ tướng cũng nêu thực trạng các ngân hàng Việt hiện sống dựa chủ yếu vào tăng trưởng tín dụng, còn phi tín dụng rất ít. Thực tế còn xung đột giữa ngân hàng và các doanh nghiệp fin-tech.
Ông dẫn lại lời bà Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng Đại học Fulbirght Việt Nam: Một khi các chủ thể còn nghĩ đến cái tôi thì khó có thể bùng nổ, mang lợi ích cho các bên.
Phó thủ tướng cũng thông tin Chính phủ Việt Nam và cá nhân ông ủng hộ và cam kết mạnh mẽ cho việc thanh toán di động bùng bổ, phổ cập tại Việt Nam. "Bùng nổ để chúng ta đi nhanh, không tụt lại phía sau, phổ cập để mang lợi ích cho mọi người, không ai bị để lại phía sau", Phó thủ tướng nói.
-
Jack Ma: Đi bộ trên các con phố Hà Nội, thấy người trẻ Việt suy nghĩ rất lý thú
Trước khi tới cuộc đối thoại, Chủ tịch Alibaba Jack Ma hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông cho biết đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam sau APEC 2006. Sau 10 năm, ấn tượng của vị tỷ phú Trung Quốc này là Việt Nam phát triển rất nhanh.
Jack Ma chia sẻ từ khi đến Hà Nội ngày 4/11, ngày nào ông cũng đi bộ trên các con phố ở Hà Nội. Ông thấy thanh niên Việt Nam tràn đầy sức sống tuổi trẻ, có suy nghĩ rất lý thú.
Tỷ phú Jack Ma nhắc lại cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Davos (Thụy Sĩ) vào đầu năm nay. Khi đó, Thủ tướng có đề nghị ông chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với thanh niên Việt Nam, và lần này ông sẽ trao đổi về khởi nghiệp với sinh viên.
Sau cuộc gặp với Thủ tướng, ông Jack Ma có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Lê Minh Hưng trước khi tới đối thoại với cộng đồng doanh n
-
11h35, Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma chính thức bắt đầu đối thoại với doanh nhân với sự tham gia của ông Trương Gia Bình và ông Eric Jing, Chủ tịch Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant, đơn vị sở hữu Alipay.
-
Tỷ phú Alibaba bắt đầu câu chuyện với việc khẳng định khi ông bắt đầu mọi thứ, ông không có quan hệ với ngân hàng, Chính phủ. Rất khó khăn khi phải cạnh tranh. "Sau 10 năm nữa chúng ta không cạnh tranh được đâu, bắt đầu ngay từ giờ, thì cơ hội trong tương lai rất tốt. Chúng tôi tin tưởng sau 10 năm chúng tôi sẽ chiến thắng, Alibaba làm như thế", ông nói.
-
Jack Ma: Cần đảm bảo người trẻ được trao cơ hội
Ông đặt vấn đề có nên duy trì tiếp tỷ trọng không và khẳng định nên chuyển lại thành 80:20 dành cho những doanh nghiệp nhỏ chủ yếu, tập trung vào doanh nghiệp nhỏ, người trẻ, cần bao quát mọi người.
Cần đảm bảo tất cả người trẻ đều được trao cơ hội. Hệ thống tài chính thế giới nay vẫn là tàn dư cái cũ. Nước lớn xây lên nền tảng, chiếm 80% lợi nhuận thì chúng ta làm gì để cải thiện được lợi ích, càng nhiều người hưởng lợi hơn, đó là nội hàm của tài chính bao trùm.
"Thế kỷ trước, chúng ta chỉ tập trung 20%, thế kỷ này phải tập trung 80%. Đó là lợi ích của thanh toán điện tử", ông nói.
-
'Xã hội phi tiền mặt đang tới gần rồi'
Tôi đến hà Nội, đến thăm đường phố, có nhiều người trẻ, thanh niên. Họ có trong tay nhiều tiền, hơn tôi ngày xưa. Tôi thấy có bạn Việt Nam nào cầm ví đâu. Dùng quá nhiều tiền mặt không tốt.
Ông nói 54% dân số Việt Nam dùng điện thoại di động nhưng vừa dùng di động vừa dùng tiền mặt không tốt. Tỷ phú Alibaba khẳng đinh: "Xã hội phi tiền mặt đang tới gần rồi".
-
Nếu phải đi tù về làm thương mại điện tử, tôi sẽ là người đầu tiên!
Theo Jack Ma, khi Alibaba bắt đầu, mọi người cũng nghĩ rằng không làm được vì thói quen dùng tiền mặt của người Trung Quốc. "Nhưng tôi bảo nếu phải đi tù về làm thương mại điện tử, tôi sẽ là người đầu tiên", ông nói về quyết tâm làm thương mại điện tử, khi nhận được những ý kiến.
Theo ông, vấn đề không phải là hệ sinh thái bởi chẳng có hệ sinh thái nào 15 năm trước. Vấn đề là bạn muốn đưa ra giải pháp cho cộng đồng. Nếu bạn muốn làm, bạn sẽ tìm ra cách. Còn ko muốn, có cả nghìn lý do để bạn viện dẫn.
Ông chủ Alibaba cho rằng Việt Nam hiện có cơ hội rất lớn, có thể tạo nên cuộc cách mạng.
-
-
Jack Ma nói về thanh toán điện tử: Mọi người đều vui, tội gì chúng ta không làm!
Theo Jack Ma, chúng ta cần ngân hàng, nhưng thậm chí ngân hàng cần chúng ta hơn. Với công nghệ mới, đa phần ngân hàng phải được xây dựng dựa trên công nghệ dữ liệu. Thanh toán di động dựa trên công nghệ dữ liệu. CNTT làm bản thân bạn mạnh hơn, CN dữ liệu làm cho người khác mạnh hơn. CNDL cộng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây, thì hiệu quả như thế nào.
“Các bạn ngân hàng ơi, các bạn có thích hay không thì thế giới đang tiến đến phi tiền mặt. Để có tương lai xán lạn, cần có cả công nghệ dữ liệu. Xã hội vui. Mọi người đều vui, tội gì chúng ta không làm!”, Jack Ma nói.
-
“Không ai dùng ví nữa thì kẻ móc túi thất nghiệp hết”
Tỷ phú Jack Ma nói người Việt Nam dùng tiền mặt nhiều quá. Để tiền mặt trong túi rất dễ gặp lừa đảo, gian lận. Nếu không ai dùng ví thì móc túi thất nghiệp hết.
Tính bảo mật khi chúng ta có điện thoại di động sẽ có thể dò tìm ra những người lừa đảo dễ hơn nhiều, an toàn hơn. Xã hội phi tiền mặt thì mọi thứ đều số hoá cả. Mọi thứ được ghi lại, kể cả điều tốt, chưa tốt, giảm thiểu, có thể chống tham nhũng.
-
-
"Quên câu nói nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ thành công đi"
“Quên câu nói nếu tôi có nhiều tiền, tôi sẽ thành công đi. Vấn đề đầu tiên là ý tưởng, tôi có thể làm điều người khác không làm được. Nếu có ý tưởng tốt, tuyệt vời, tiền mới phát huy. Nếu có bằng hữu, đồng đội tốt, ý tưởng tốt, sẽ có tiền”, phát biểu này của Jack Ma nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả.
“Chúng ta có thể phải đi vay tiền, nếu không vay được có thể cũng là vấn đề vì họ không tin ta. Ngân hàng cũng vậy, họ phải thăm dò. Các bạn là doanh nhân mà chưa có ai giúp, cũng là bình thường thôi. Nếu họ giúp ngay mới là không bình thường”, Jack Ma nói.
“Không cần làm gì to ngay đâu, bắt đầu bằng cái nho nhỏ, thú vị, có tình yêu trong đó. Dần dần, mọi thứ sẽ lớn”, ông đưa lời khuyên cho giới trẻ khởi nghiệp.
-
Doanh nhân đừng nghĩ kiếm được bao nhiêu tiền trước tiên
“Doanh nhân phải nghĩ chúng ta sẽ làm gì, hy sinh gì. Chứ đừng nghĩ tôi kiếm được bao nhiêu tiền’, Jack đưa lời khuyên cho giới doanh nhân.
-
Thành viên trong Tổ tư vấn của Chính phủ Vũ Viết Ngoạn có câu hỏi dành cho Jack Ma. Câu hỏi đầu tiên là với sự thống trị của những công ty công nghệ hàng đầu, liệu có còn dư địa, đất sống cho DN nhỏ và vừa, startup hay không?
Jack Ma cho biết khi còn trẻ, ông cũng hay kêu ca mấy ông này, ông kia lấy hết cơ hội của tôi rồi. Đừng nghĩ vậy, các bạn cần học từ những người xung quanh. Chúng ta sẽ thấy cơ hội lớn lao vẫn còn cho rất nhiều người.
30 năm đầu của 50 năm qua là cách mạng công nghệ, 20 năm gần đây là hiệu quả của cách mạng đó. 30 năm tới những công ty dùng Internet chiến thắng! Chúng ta đừng cố gắng trở thành Alibaba, AliPay, vì sẽ rất đau đớn nếu chúng ta quả lớn. Lớn lên rồi chúng ta sẽ gặp vấn đề chưa bao giờ gặp phải.
Cơ hội cho 30 năm tới vẫn còn lớn. Thời đại Internet chỉ bắt đầu thôi. Chúng ta cần quan tâm những người dứoi 30 tuổi, doanh nghiệp dưới 30 nhân công. Đó là tương lai!
Độc tôn thì quá sớm. Chúng ta đang xây dựng nền tảng, giống chúng tôi xây cơ sở hạ tầng thôi, mục đích là quy tụ được năng lực sử dụng cơ hội. Những người khổng lồ còn sập cơ mà, mỗi năm. Alibaba ư, Google ư, Facebook ư, 5 năm nữa có khi cũng biến mất nếu không nỗ lực.
Chúng tôi là doanh nghiệp thị trường, Internet là miễn phí, là giá rẻ. Chúng tôi tính giá thấp thôi, mới là Internet chứ!
-
“Cái gì chúng tôi đem lại cho Việt Nam là thuộc về Việt Nam”
Jack Ma cho biết Alibaba cạnh tranh, may mắn, sống sót, và tăng trưởng là nhờ học được bài học đến quốc gia nào đó không phải là chiếm lĩnh, mà tạo cho các doanh nghiệp bản địa cơ hội.
Vì sao người ta ghét toàn cầu hoá. Ông cho biết đêm 5/11 có một cuộc họp khuya. “Chúng tôi không đến Việt Nam để làm ăn, chúng tôi giúp DN nhỏ làm ăn, giúp DN nội địa làm giàu ở Việt Nam, vươn ra nước ngoài”, ông bày tỏ.
Ông chủ Alibaba khẳng định: “Cái gì chúng tôi đem lại cho Việt Nam là thuộc về Việt Nam”.
Tầm nhìn của Alibaba là đảm bảo người trẻ ở doanh nghiệp nhỏ ở mỗi quốc gia đều dùng công nghệ để mua sắm, thanh toán, du lịch... toàn cầu. "Chúng tôi không chỉ cạnh tranh với các bạn mà còn tạo điều kiện nâng đỡ cho các bạn. Bằng việc này, chúng tôi cũng có lợi ích từ đó", ông nói.
-
2006, Việt Nam chưa sẵn sàng nhưng hiện tại có nhiều cơ hội
Trả lời câu hỏi về cơ hội cho doanh nhân trẻ ở Việt Nam, ông cho biết cách đây nhiều năm, 2006, khi sang Việt Nam, tôi hơi thất vọng và nghĩ chắc Việt Nam phải mất nhiều thời gian. Tôi nghĩ Việt Nam khi đó chưa sẵn sàng.
Còn lần này, khi sang Việt Nam, đêm đầu tiên xuống phố, Jack Ma cho biết ông có 2,5 tiếng trên phố, yêu nguồn năng lượng tại đây, nhìn thấy nhiều bạn trẻ dùng điện thoại di động. "Trước đó, tôi gặp Thủ tướng ở Davos, ông nói "Jack sang Việt Nam đi", tôi được ngài truyền cảm hứng", Jack nói.
Ông bảo, cách đây 100 năm, nếu một nước không được kết nối bằng điện năng là hết hy vọng. Ngày nay, một quốc gia không được kết nối bằng Internet thì tệ hơn 100 năm trước.
Còn hiện tại, Việt Nam là miền đất có nhiều cơ hội.
-
'Chúng ta phải biết ôm ấp tương lai, cho người trẻ cơ hội'
Jack Ma cho biết mọi thứ thay đổi nhanh, có lúc sẽ không còn điện thoại di động.
“Chúng ta phải biết ôm ấp tương lai, cho người trẻ cơ hội”, tỷ phú 40 tỷ USD đã kết thúc buổi trò chuyện như vậy!