Tại họp báo chiều 6/12, trả lời câu hỏi về tình trạng người lao động nhận bảo hiểm xã hội 1 lần trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội - cho biết theo thống kê số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tại TP.HCM đang có xu hướng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, bảo hiểm xã hội TP đã giải quyết khoảng hơn 95% hồ sơ với hơn 6.000 tỷ đồng trên tổng số 2,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội.
"Do người lao động phải ngừng việc, thiếu việc làm ảnh hưởng đến thu nhập nên họ quyết định chuyển từ lao động chính thức sang lao động tự do không tham gia bảo hiểm xã hội", ông Lâm nhìn nhận.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở này, do một số bộ phận lao động từ tỉnh khác đến TP.HCM làm việc vì nhiều nguyên nhân nên họ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống, giải quyết khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, bảo hiểm xã hội TP.HCM đã giải quyết khoảng hơn 95% hồ sơ với hơn 6.000 tỷ đồng trên tổng số 2,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: Chí Hùng. |
"Đồng thời do thói quen người lao động nghĩ rằng nhận bảo hiểm xã hội một lần là một khoản trợ cấp thất nghiệp để giải quyết khó khăn trong cuộc sống, sau đó họ sẽ tính đến tiếp tục tham gia khi có điều kiện", ông lý giải.
Về giải pháp, ông Lâm cho rằng cần tăng cường truyền thông để người lao động hiểu rõ lợi ích giữa hưởng lương hưu so với hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động khi họ hưởng bảo hiểm xã hội thấp nghiệp để họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động.
Ở cấp vĩ mô, ông Lâm đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét lại Nghị quyết 60 về luật bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 93 về thực hiện chính sách BHXH 1 lần đối với người lao động, đánh giá tác động không chỉ đối với người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu của chính sách hưu trí lâu dài của họ.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều và có xu hướng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội.