Theo Guardian, báo cáo năm 2021 của Mỹ cho thấy số ca mắc giang mai mới tăng 26% - con số cao nhất trong vòng 3 thập niên. Cùng đó, số ca mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng tăng mạnh tại nước này, khiến giới chức y tế kêu gọi nỗ lực phòng ngừa và điều trị.
Đây là lời cảnh báo mà ông Leandro Mena, chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đưa ra trong bài phát biểu hôm 20/9 tại một hội nghị y tế về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
"Ngoài tầm kiểm soát"
Tỷ lệ nhiễm một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), gồm cả lậu và giang mai, đã tăng lên trong nhiều năm. Năm 2021, tỷ lệ mắc bệnh giang mai đạt mức cao nhất kể từ năm 1991 và tổng số ca bệnh đạt mức cao nhất kể từ năm 1948. Các trường hợp nhiễm HIV cũng đang tăng, 16% vào năm 2021.
Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đa quốc gia đã nhấn mạnh thêm vấn đề tồi tệ này.
Ông David Harvey, Giám đốc điều hành của Liên minh Quốc gia về các vấn đề STD, gọi tình hình hiện nay là “ngoài tầm kiểm soát”.
Các quan chức đang nghiên cứu những phương pháp tiếp cận mới, ví dụ bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nó sẽ giúp người dân dễ dàng xác định họ có mắc bệnh hay không và thực hiện các bước ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác.
Một chuyên gia khác cho biết yếu tố then chốt trong bất kỳ nỗ lực nào được đưa ra đó là tăng cường sử dụng bao cao su.
“Cách này khá đơn giản", ông Mike Saag, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Alabama, Birmingham, Mỹ, nói.
Giang mai trở thành vấn đề nhức nhối
Giang mai là bệnh do vi khuẩn gây ra, có bề mặt như vết loét ở bộ phận sinh dục. Bệnh có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong nếu không được điều trị.
Các ca nhiễm bệnh giang mai mới đã giảm mạnh ở Mỹ bắt đầu từ những năm 1940 khi thuốc kháng sinh được phổ biến rộng rãi. Tỷ lệ này giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 1998, với dưới 7.000 ca mới được báo cáo trên toàn quốc. CDC đã đưa ra kế hoạch để loại bỏ bệnh giang mai tại Mỹ.
Song, đến năm 2022, các ca mắc bắt đầu tăng trở lại. Cuối năm 2013, CDC kết thúc chiến dịch loại bỏ căn bệnh này vì nguồn kinh phí hạn hẹp, số ca mắc tăng quá nhanh. Thời điểm đó, ca mắc đã vượt mốc 17.000.
Đến năm 2020, con số này đã lên đến gần 41.700 và còn tăng hơn nữa vào năm 2021, lên hơn 52.000.
Tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng cao, đạt khoảng 16/100.000 người vào năm 2021. Đây là mức cao kỷ lục trong suốt 3 thập kỷ qua.
Tỷ lệ này cao nhất ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, người da đen, người Latin và người Mỹ bản địa. Tỷ lệ mắc bệnh của nữ giới thấp hơn nam giới. Song, các giới chức lưu ý con số này đã tăng lên đáng kể, thêm khoảng 50% vào năm 2021.
Sự gia tăng của bệnh giang mai một phần do số trẻ mắc giang mai bẩm sinh tăng vọt. Ảnh: Romper. |
Nguyên nhân
Theo các chuyên gia, hiện tượng liên quan sự gia tăng của bệnh giang mai bẩm sinh. Đây là bệnh mà người mẹ bị nhiễm virus sau đó truyền sang con, khiến trẻ tử vong sớm hoặc gặp vấn đề về sức khỏe như điếc, mù. Các trường hợp giang mai bẩm sinh chỉ ở mức 300 ca/năm trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, đến năm 2021, con số này vọt lên 2.700 ca/năm. Theo báo cáo năm ngoái, 211 trường hợp thai chết lưu hoặc trẻ sơ sinh tử vong vì bệnh giang mai bẩm sinh.
Ngoài ra, sự gia tăng bệnh giang mai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Các nỗ lực kiểm tra và phòng ngừa gặp khó khăn trong nhiều năm do không đủ kinh phí. Sự lây lan có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong đại dịch, do chậm chẩn đoán và điều trị. Sử dụng ma túy và rượu cũng góp một phần nào đó vào hành vi tình dục nguy cơ. Việc sử dụng bao cao su ngày càng giảm.
Ngoài ra, các hoạt động tình dục có thể tăng nhanh khi Covid-19 xuất hiện. Theo ông Saag, "mọi người cảm thấy được giải phóng" và quan hệ nhiều hơn.
Sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ gây thêm gánh nặng lớn. Gần đây, CDC cũng gửi thư tới các sở y tế tiểu bang, địa phương và cho biết nguồn lực về HIV, STD hiện phải sử dụng để chống lại sự bùng phát của đậu mùa khỉ. Một số chuyên gia cho rằng chính phủ cần cấp thêm kinh phí cho phòng ngừa STD thay vì luân chuyển như hiện tại.
Nhóm của ông David Harvey và một số tổ chức y tế công cộng khác đang thúc đẩy phê duyệt đề xuất về tài trợ liên bang nhiều hơn, trong đó có ít nhất 500 triệu USD cho các phòng khám STD.
Bên cạnh đó, ông Mena, tân Giám đốc Bộ phận phòng chống STD của CDC từ năm 2021, kêu gọi giảm kỳ thị, mở rộng các dịch vụ sàng lọc và điều trị, đồng thời hỗ trợ sự phát triển và khả năng tiếp cận của xét nghiệm tại nhà.
“Tôi hình dung một ngày nào đó việc xét nghiệm STDs có thể đơn giản và chi phí hợp lý như thử thai tại nhà”, vị chuyên gia nói thêm.
Dịch Đậu mùa khỉ
WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban bố đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong 2 năm.
Hàn Quốc xác nhận 3 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ
Đến nay, tổng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại Hàn Quốc 16 trường hợp, đa số không có lịch sử du lịch nước ngoài.
Người nhiễm HIV có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc đậu mùa khỉ
Nghiên cứu cho biết nếu mắc bệnh đậu mùa khỉ, người nhiễm HIV sẽ hình thành các vết loét lớn khắp cơ thể và có nguy cơ tử vong lên đến 15%.
Bệnh lây qua đường tình dục bùng phát mạnh trên toàn cầu
Mặc cho tương tác xã hội bị giảm đi nhiều trong 3 năm đại dịch, các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn gia tăng trên toàn thế giới.
WHO cảnh báo đậu mùa khỉ vẫn là căn bệnh gây nguy hiểm trên toàn cầu
Theo The Siasat Daily, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đợt bùng phát mạnh mẽ của bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC).