- Theo thống kê, tỷ lệ gia đình văn hóa của TP Đà Nẵng thấp nhất nước. Ông có thể cho biết thực hư vấn đề này như thế nào?
- Từ năm 2011 đến nay, bình quân tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt 71,5%. Đầu năm 2015, có trên 98% hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa. Đến nay, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa đang được các địa phương tổng hợp. Số liệu chính thức sẽ được chúng tôi báo cáo vào đầu tháng 01/2016.
Ông Nguyễn Hữu Chiến. |
Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn là 76,1%. Năm nay, thành phố tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Vì vậy, tỷ lệ Gia đình văn hóa của Đà Nẵng ước đạt khoảng 78%, thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố lớn khác như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế...
Là địa phương có tỷ lệ gia đình văn hóa gần như là thấp nhất cả nước, chúng tôi cũng không vui vẻ gì. Nhưng Đà Nẵng coi kết quả trên là thắng lợi trong việc triển khai thực hiện phong trào đi vào thực chất.
- Chỉ có 78% hộ được công nhận là Gia đình văn hóa thì tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa cũng không cao?
- Năm 2015, TP Đà Nẵng tiếp tục có bước chuyển biến đột phá về việc chia tách tổ dân phố. Với quy mô tổ dân phố được thu nhỏ (từ 25 - 40 hộ/1 tổ) đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của thành phố về văn minh đô thị. Công tác triển khai, vận động thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được thuận lợi và sâu sát hơn.
Hoạt động nổi bật của các tổ dân phố, thôn đạt chuẩn văn hóa thể hiện ở việc xây dựng và thực hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí công nhận danh hiệu Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa.
Năm 2015, tỷ lệ tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu là 92,5%, tỷ lệ thôn đăng ký là 100%. Theo số liệu báo cáo ban đầu của các địa phương, năm nay tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa ước đạt 78%, tăng 1,1% so với năm 2014 (76,9%).
- Như vậy 2 năm qua, trung bình tỷ lệ gia đình, thôn/tổ dân phố văn hóa ở Đà Nẵng chỉ đạt hơn 75%. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?
- Tỷ lệ trên là con số chính xác mà Đà Nẵng đạt được. Điều đó phản ánh đúng thực trạng xã hội ở thành phố hiện nay. Đà Nẵng đạt chỉ tiêu thấp nhất nước vì ngoài tiêu chí của Trung ương, chính quyền bổ sung thêm một số tiêu chí riêng khi xét tặng và kiên quyết không vì thành tích mà nâng tỷ lệ, chạy theo số lượng.
Cụ thể, trên cơ sở bộ tiêu chí của Trung ương ban hành, UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở VH-TT-DL tham mưu ban hành bộ tiêu chí xét và công nhận các danh hiệu văn hóa của thành phố theo hướng tinh gọn hơn, bổ sung nội dung một số chỉ tiêu phong trào thi đua như: Chương trình 5 không 3 có, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đồng thời, chúng tôi cũng bổ sung các điểm liệt trong mỗi danh hiệu để việc xét và công nhận đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình thực hiện, Sở cũng đã rà soát, theo dõi tham mưu điều chỉnh theo thực tế để nâng cao chất lượng các danh hiệu. Như trong năm 2015, gắn với chủ đề Năm văn hóa, văn minh đô thị, lãnh đạo Sở đã tham mưu UBND TP đưa nội dung “xóa bỏ quảng cáo rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan” vào tiêu chí xét công nhận tổ dân phố, thôn, phường/xã đạt danh hiệu văn hóa năm 2015 và các năm tiếp theo.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân đăng ký xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: K. Dung. |
Danh hiệu Gia đình văn hóa theo tiêu chuẩn của Trung ương có 11 tiêu chí chung. Đà Nẵng không khuyến khích tỷ lệ gia đình văn hóa cao. Vì vậy, chúng tôi chọn lọc ra 10 tiêu chí và bổ sung thêm 6 điểm liệt. Chỉ cần mắc phải 6 điểm liệt trên, bất kể gia đình đó thế nào cũng bị loại ra khỏi danh sách xét tặng.
Cụ thể, đối với những gia đình sinh con thứ ba, có người mắc các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc; không thực hiện nghĩa vụ quân sự, vi phạm pháp luật phải chịu xử phạt hành chính trở lên… là không được xét Gia đình văn hóa.
Việc quy định chặt chẽ như trên theo tôi là hợp lý. Vì gia đình có người đi tù, mắc các tệ nạn xã hội mà được công nhận là văn hóa thì quá vô lý. Một nguyên nhân nữa để TP Đà Nẵng giữ ổn định tỷ lệ là việc đăng ký và xét danh hiệu theo hộ khẩu chứ không theo nóc nhà.
- Các địa phương căn cứ theo tiêu chí của Trung ương nên tỷ lệ gia đình, thôn xã và tổ văn hóa lên đến 90%. Còn Đà Nẵng lại tự bổ sung thêm tiêu chí để rồi trở thành địa phương có tỷ lệ Gia đình văn hóa gần như thấp nhất nhất nước. Tại sao Đà Nẵng lại tự làm khó mình như vậy?
- Mục đích của việc phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là để cho mọi gia đình, người dân phấn đấu vì một xã hội phát triển và tốt đẹp hơn.
Nhưng phong trào này sẽ trở nên hình thức nếu chúng ta không nhìn vào thực tế xã hội và trung thực với chính mình. Ví dụ, ông A có con nghiện ma túy, vi phạm pháp luật mà mình công nhận gia đình họ là văn hóa thì rất vô lý.
Chính cơ chế đã tự đưa họ vào và nâng họ lên để đạt được thành tích trong thi đua… Bản thân gia đình họ khi nhận được danh hiệu này cũng đâu có vui gì.
Thực tế những gia đình có ý thức văn hóa họ rất quý trọng danh hiệu. Tuy nhiên, cũng có những gia đình bàng quan và không hề quan tâm tới danh hiệu này, đây là điều rất đáng lo ngại. Không thể có chuyện xã hội văn hóa mà tình trạng ma túy, mại dâm vẫn tồn tại, thanh thiếu niên thì tụ tập ăn chơi đánh nhau...
Chúng tôi rất sợ căn bệnh thành tích như thế. Phải cố gắng làm thế nào để người dân thấy được việc công nhận Gia đình văn hóa là mục tiêu phấn đấu của cả xã hội. Khi nhận được danh hiệu, họ thấy xứng đáng và rất trân quý. Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP Đà Nẵng là tuyệt đối không tô hồng số liệu để chạy theo thành tích.
- Với quan điểm như vậy, Đà Nẵng có triển khai biện pháp cải thiện tỷ lệ Gia đình văn hóa trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND TP ban hành bộ tiêu chí xét, công nhận các danh hiệu Gia đình văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng tinh gọn và cụ thể, chất lượng hơn nữa, tránh tình trạng chung chung.
Tiếp tục phát triển phong trào trên rộng khắp, chú trọng đi vào chiều sâu, chống các biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích. Tăng cường công tác kiểm tra, triển khai thực hiện phong trào và hoạt động của các ngành, địa phương cơ sở. Sở sẽ kiểm tra, phúc tra, thẩm định các danh hiệu văn hóa đảm bảo đúng thủ tục, tiêu chuẩn.
Chúng tôi cũng mong các cơ quan báo chí kịp thời nêu gương điển hình tiên tiến, phê phán cái xấu, cái tiêu cực lạc hậu; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ công chức viên chức về ý thức tự giác thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.