Sáng 6/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm áp dụng trong ngày là 22.120 đồng, tăng 2 đồng so với hôm qua. Cùng lúc đó, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng niêm yết giá bán ra tăng 2 đồng, ở mức 22.734 đồng/USD.
Giá USD tăng
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng là 22.784 đồng và tỷ giá sàn là 22.456 đồng/USD.
Mở cửa phiên giao dịch sáng 6/12, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh sau khi đã tăng từ chiều hôm trước.
Hiện giá giao dịch tại ngân hàng Vietcombank và BIDV cùng ở mức 22.680-22.760 đồng (mua vào – bán ra), tăng 15 đồng cả hai chiều mua bán so với chốt phiên hôm qua và đã tăng 25 đồng so với sáng qua. VietinBank niêm yết mức mua bán USD ở mức 22.695-22.765 đồng, tăng 20 đồng.
Tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn nhà nước chi phối như ACB, Eximbank và Sacombank, tỷ giá đều cao hơn. Cụ thể, ACB và Eximbank cùng niêm yết ở mức 22.700-22.770 đồng, trong đó ACB đã giảm 10 đồng giá bán còn Eximbank tăng 10 đồng mỗi chiều giao dịch.
Sacombank đang dẫn đầu về mức giá USD, khi bán ra là 22.780 đồng/USD, chỉ cách mức trần cho phép 0,4 đồng.
Đồng đô la tăng giá mạnh trong vài ngày qua. Ảnh minh họa. |
USD tại thị trường tự do cũng nhanh chóng tăng sau khi có tỷ giá chính thức từ các ngân hàng.
Theo khảo sát của phóng viên Zing.vn tại phố Hà Trung, Hà Nội, giá USD đang được giao dịch ở mức 23.150 – 23.250 đồng/USD và 23.170 – 23.270 đồng/USD.
Như vậy, giá USD tự do đã tăng 150 đồng đến 170 đồng so với ngày 5/12. Đây là mức tăng mạnh trong 1 ngày. So với phiên cuối tuần trước, giá USD đã tăng 200 đồng vào hôm qua.
'Không thể neo tỷ giá theo ý thức chủ quan'
Ông Nguyễn Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết yếu tố nội tại không phải là nguyên nhân tạo nên biến động tỷ giá mà yếu tố khách quan mới là nguyên nhân chính.
Sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ thì một số chính sách kinh tế của Mỹ có những biến động, nhất là chính sách về USD được tăng giá. Chỉ trong vòng 25 ngày của tháng 11, USD đã tăng giá 3,4%, buộc đồng tiền của các nước, kể cả những đồng tiền chủ chốt trên thế giới cũng phải có những chính sách thay đổi phù hợp với việc tăng giá của USD.
Ngay cả Trung Quốc, một nền kinh tế lớn và các nước trong khu vực ASEAN cũng đều phải điều chỉnh giảm giá đồng tiền của mình để phù hợp với sự lên giá của USD.
"Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Việt Nam không thể “neo” tỷ giá theo ý thức chủ quan, mà phải chủ động điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, phù hợp", ông Tú cho biết.
Ông Tú cũng cho rằng “dịp cuối năm, tâm lý kỳ vọng điều chỉnh mạnh tỷ giá do nhu cầu ngoại tệ tăng là có. Tâm lý này cũng "đẩy" tỷ giá, nhất là tỷ giá ngoài thị trường tự do”.
Tuy nhiên, theo phó thống đốc, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm để đạt được một tỷ giá hợp lý, vừa đảm bảo cung cầu ngoại tệ trong nước, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các nhà nhập khẩu và xuất khẩu, đảm bảo quan hệ tỷ giá của đồng Việt Nam với đồng tiền các nước. Đó là lý do, dù tỷ giá giữa VND với USD thời gian qua có sự biến động nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát, nằm trong sự chủ động điều hành, điều chỉnh của NHNN.
Phân tích về việc đồng USD tăng giá, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng đồng USD tăng giá và nhu cầu cao hơn cho ngoại tệ trên thị trường trong nước là 2 nguyên nhân chính khiến đồng VND trượt giá
Đồng USD mạnh hơn, được thúc đẩy từ số liệu kinh tế tích cực tại Mỹ và kế hoạch kích thích tài khóa của ông Trump, dẫn đến khả năng lớn Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.
Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ cũng mất giá trên 2% trong thời gian vừa qua đã tạo ra áp lực giảm giá lớn đối với VND do đây là 2 loại tiền tệ có tỷ trọng lớn nhất trong giỏ ngoại hối của Việt Nam. Đồng VND đã được kiểm soát ở mức ổn định trong thời gian dài trong khi đồng CNY liên tục trượt giá trong năm nay.