So sánh khả năng nâng độ phân giải của mẫu TV sử dụng chip NQ8 AI Gen3 (phải) và thế hệ trước, có thể thấy sự khác biệt, rõ nhất là khi hình ảnh gốc ở độ phân giải HD hoặc Full HD. Ảnh: TP. |
Tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm công nghệ đang là trào lưu. Sau smartphone và laptop, những đồ công nghệ cũng đang được trang bị tính năng AI là TV, máy giặt, tủ lạnh.
Đầu năm nay, Samsung ra mắt điện thoại Galaxy S24 với Galaxy AI, mang nhiều tính năng trí tuệ nhân tạo tạo nội dung, hỗ trợ người dùng hay chỉnh sửa ảnh, video. Mới đây, hãng tiếp tục giới thiệu tại thị trường Việt Nam dòng TV 2024 với các tính năng AI.
Nếu theo dõi các tính năng liên quan đến xử lý ảnh, tối ưu chất lượng được Samsung giới thiệu, người dùng có thể cảm thấy “quen quen”, bởi những công nghệ tương tự từng xuất hiện trên các dòng sản phẩm của hãng trước đây. Tuy nhiên, việc tích hợp con chip mới với hiệu năng cao hơn hứa hẹn giúp các dòng TV 2024 chạy các tính năng hiệu quả hơn.
Nâng độ phân giải, tăng chất lượng hiển thị
Yếu tố quan trọng nhất của TV vẫn là hiển thị hình ảnh. Trên các dòng TV độ phân giải cao (4K hoặc 8K), các hãng luôn giới thiệu kèm tính năng tăng độ phân giải hiển thị (upscale). Đây là công nghệ rất quan trọng với TV, bởi phần lớn nội dung thông thường như các ứng dụng xem TV, xem phim qua mạng không đáp ứng được độ phân giải cao.
Nhiều chi tiết được TV thêm vào từ mô hình AI, nhằm nâng độ nét khi nội dung gốc ở độ phân giải thấp. Ảnh: TP. |
Trước đây, các công nghệ “bù” điểm ảnh để nâng độ phân giải sử dụng kỹ thuật nội suy, trong đó mỗi điểm ảnh tạo ra sẽ được tính toán dựa trên điểm ảnh ở cạnh, hoặc dựa vào các khung hình đã diễn ra trước. Tuy nhiên, các nội dung trên TV đa dạng, và không phải lúc nào một thuật toán duy nhất cũng phù hợp cho cả phim ảnh, thể thao hay thời sự.
AI cho phép các nội dung được tạo ra phù hợp với những gì sẵn có. Theo giải thích của kỹ sư Samsung tại một sự kiện diễn ra cuối tháng 4, hãng đã tạo ra một mô hình AI tạo sinh với lượng lớn dữ liệu hình ảnh từ rất nhiều nội dung khác nhau, cũng như độ phân giải khác nhau. Dựa trên những gì đã học, khi thực hiện nâng độ phân giải, mô hình AI sẽ tự dự đoán thứ gì đang được hiển thị trên màn hình, và tạo ra điểm ảnh tự nhiên hơn.
Để thực hiện được quá trình này mượt mà, vi xử lý trên TV phải có bộ phận xử lý chuyên biệt. Dòng TV Samsung Neo QLED 8K 2024 được tích hợp chip NQ8 AI Gen3, theo Samsung có tốc độ tính toán gấp đôi thế hệ trước. Hiệu năng của chip giúp quá trình nâng độ phân giải được thực hiện hiệu quả hơn theo thời gian thực.
Trải nghiệm thực tế giữa TV đời mới nhất, dùng chip NQ8 AI Gen3 và thế hệ trước, sự khác biệt có thể nhìn thấy được khi nâng độ phân giải từ nội dung gốc, ở độ phân giải HD hoặc Full HD.
AI cũng có thể làm giảm độ mờ, nhòe của chuyển động nhanh, như chữ chạy ở dưới bản tin. Ảnh: TP. |
Một tính năng ứng dụng AI khác được Samsung trình diễn là giảm mờ nhòe của các cảnh chuyển động. Khi xem các môn thể thao trên TV, những chuyển động nhanh như quả bóng vừa được đá thường để lại các “bóng mờ” phía sau, thường được gọi là Motion Blur.
Cũng với thuật toán bù nội dung, các TV Samsung mới có thể chèn thêm khung hình, giúp đối tượng chuyển động bớt nhòe. Bên cạnh các môn thể thao, hiệu ứng này cũng thể hiện khá rõ khi xem thời sự, với các dòng chữ chạy ở phần dưới màn hình.
Thay đổi tùy theo nội dung game, phim
Ngoài phim và thể thao, các nội dung như game cũng được đào tạo trên mô hình AI để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Game là loại nội dung khá phức tạp, bởi mỗi thể loại game sẽ có những đặc trưng khác nhau về hình ảnh. Samsung cho biết đã nâng cấp chế độ game (Game mode) trên những mẫu TV mới nhất để tự nhận biết thể loại game, từ đó đưa ra điều chỉnh phù hợp.
Đối với các game bắn súng (FPS) yêu cầu chuyển động mượt, hiển thị rõ mục tiêu, TV sẽ tự động tăng độ sáng ở các khu vực tối để người dùng nhìn rõ hơn đối phương. Trong khi đó, với game thể thao, màu sắc được điều chỉnh để thể hiện giống với sân cỏ ngoài đời.
Ngoài tích hợp AI, Samsung cũng tập trung cải thiện chất lượng hiển thị các dòng TV của hãng. Ảnh: TP. |
Đôi khi những can thiệp của AI ở mức sâu. Trong một số bối cảnh, TV có thể tự động điều chỉnh các thông số hiển thị, khiến cho các cảnh bị lóa ánh mặt trời trở nên sáng đều hơn, hoặc cảnh sương mù, tối tăm trở nên sáng rõ hơn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc can thiệp sâu cũng là tối ưu. Đôi khi đạo diễn cố tình làm cho những hình ảnh trong phim khó nhìn, với ý đồ nghệ thuật riêng, và việc TV điều chỉnh hình ảnh có thể làm sai lệch ý đồ này.
Theo chia sẻ của đại diện Samsung, nếu không muốn TV can thiệp vào màu sắc hoặc độ phân giải, người dùng có thể chọn các chế độ riêng như Phim ảnh. Ở chế độ Sống động hoặc Tiêu chuẩn, các tính năng sẽ tự động chạy.
Ngoài ra, Samsung cũng cho biết mô hình AI có thể được cải thiện qua các bản cập nhật phần mềm cho TV. Nếu hãng duy trì được cam kết này, chiếc TV có thể hoạt động hiệu quả hơn sau vài năm mà người dùng không cần phải nâng cấp phần cứng.