Trên Facebook Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, một số thành viên đã chia sẻ về việc bị hủy chuyến bay đến Nam Kinh hôm 25-26/1. (Nam Kinh là thủ phủ tỉnh Giang Tô; hầu hết mọi người thường lựa chọn bay hoặc đi tàu cao tốc đến đây, sau đó bắt tiếp xe đi 110 km nữa tới Thường Châu - địa điểm thi đấu).
Tuyết rơi dày ở Trung Quốc mấy ngày nay khiến cổ động viên lo ngại. Ảnh: Chinanews. |
Nguy cơ lỡ hẹn U23 vì thời tiết
Thành viên Phó Mạnh Tuấn cho biết anh đang tìm phương án di chuyển khác sau khi bị hủy chuyến bay đi từ Nam Ninh (thủ phủ khu tự trị Quảng Tây) đi Nam Kinh hôm 25/1. Anh kể anh phải đợi ở sân bay 7 tiếng, lên máy bay và ăn uống rồi thì có thông báo hủy chuyến.
"Mình được sắp xếp ăn ngủ ở khách sạn gần sân bay và đổi vé sang ngày 26. Nhưng khả năng cao là rất khó có thể lên được, mà lên được thì khả năng đi về rất khó khăn vì nhiệt độ liên tục giảm", anh viết. Trong bình luận, anh cũng cho biết "toàn bộ chuyến bay lên Nam Kinh đều ở trạng thái báo động" kèm theo ảnh chụp màn hình thông báo trạng thái chuyến bay ngày 26/1.
Giấy xác nhận chuyến bay bị hủy được anh Phó Mạnh Tuấn chụp lại. Ảnh: Facebook/Phó Mạnh Tuấn. |
"Mình từng trải qua trận lạnh lịch sử năm 2008 ở Hồ Nam, Trung Quốc, nên mình rất sợ lịch sử lặp lại. Nhớ cái cảnh tranh nhau bát mỳ, nước nóng không nóng nổi quá 45 độ ở sân bay, ga tàu vì dân họ quá đông", anh chia sẻ thêm.
Theo dự báo thời tiết, từ nay đến cuối tuần, các tỉnh miền Trung và miền Đông Trung Quốc vẫn tiếp tục có tuyết rơi, nhiều nơi dày đến 20 cm, kết hợp gió lạnh khiến nhiệt độ giảm sâu xuống dưới mức 0 độ C. Các địa phương ở khu vực trung tâm và phía nam tỉnh Giang Tô, bao gồm thành phố Thường Châu và thành phố Nam Kinh, nằm trong vùng tuyết rơi nhiều nhất.
Nhà chức trách đã cảnh báo người dân lưu ý lịch trình đi lại và an toàn giao thông trong thời gian này. Các tuyến đường cao tốc có thể bị phong tỏa và sân bay có thể đóng cửa vì tuyết rơi, đặc biệt là đường bộ qua các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, An Huy và Giang Tô, cũng như sân bay tại Hợp Phì (thủ phủ An Huy), Vũ Hán (thủ phủ Hồ Bắc) và Nam Kinh.
Trên Facebook Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, thành viên khác là Huyền Thanh Trần cho biết chuyến bay của cô từ thành phố Trường Sa (thủ phủ tỉnh Hồ Nam) đi Nam Kinh hôm 26/1 cũng bị hủy vì tình hình thời tiết.
Tài khoản Huyền Thanh Trần chia sẻ ảnh chụp thông báo chuyến bay bị hủy. /Facebook. |
Nguyễn Lan Nhi, sinh viên Việt Nam tại Nam Ninh, chia sẻ với Zing.vn rằng cô đang lo lắng chuyến bay đi Hàng Châu (thủ phủ Chiết Giang) ngày 27/1 có thể bị hủy. Nhi dự định sau khi đến Hàng Châu sẽ đi tàu cao tốc đến Thường Châu (cách nhau khoảng 2 giờ đi tàu).
Anh Tuấn cho biết lựa chọn thay thế là đi tàu hoặc đi ôtô đến Nam Kinh hiện tại chưa chắc đảm bảo vì có nguy cơ đường bộ và đường sắt ngừng hoạt động. Phương án của anh hiện tại là tìm cách đi đến Thượng Hải, sau đó đến Thường Châu.
"Chúng tôi chỉ lo cho các cầu thủ"
Những ngày này Thượng Hải cũng có tuyết rơi, điều hiếm khi xảy ra tại thành phố này, khiến không ít người co ro vì lạnh và ngại ra đường. Thế nhưng với anh Phạm Như Sang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Đồng Tế, không khí lúc này đang nóng hơn bao giờ hết.
Chỉ cách đây ít ngày, anh gần như lạc giọng tại sân vận động Thường Châu khi chứng kiến đội tuyển U23 Việt Nam đánh bại đối thủ Qatar để giành quyền vào chung kết giải vô địch châu Á. Cảm giác hạnh phúc không thể diễn tả thành lời vẫn khiến anh như đi trên mây cho đến hôm nay, khi làm các công việc chuẩn bị để đưa đoàn lưu học sinh Việt Nam đến Thường Châu một lần nữa vào thứ 7 này.
Anh Phạm Như Sang tại sân vận động Côn Sơn (Tô Châu, Giang Tô) xem Việt Nam đá trận vòng bảng với Hàn Quốc hôm 11/1. Ảnh: Facebook/Đam Sang. |
"Để chuẩn bị cho trận chung kết vào ngày 27/1, chúng tôi đã thuê 3 xe ôtô, mỗi xe 50 chỗ. Đoàn chủ yếu là sinh viên các trường đại học và một số người đi làm tại Thượng Hải", anh Sang nói với Zing.vn. Hiện 150 chỗ này đã được "đặt gạch" hết và anh cho biết nếu số người đăng ký tăng thêm thì có thể thuê thêm xe.
Vì quãng đường di chuyển khá xa (khoảng 200 km) nên xe sẽ xuất phát vào sáng 27/1 và dự kiến quay về Thượng Hải vào khoảng nửa đêm. Nhóm của anh Sang đã chuẩn bị sẵn cờ, áo, băng rôn, miếng dán má, tay và nhiều dụng cụ khác, giữa lúc tuyết rơi dày có thể làm việc di chuyển khó khăn, thậm chí đường cao tốc có nguy cơ bị phong tỏa.
"Tuy nhiên, người hâm mộ ở Thượng Hải chỉ lo các cầu thủ bị lạnh và không thuận lợi cho thi đấu", anh khẳng định. "Không một ai trong chúng tôi vì lo ngại tuyết rơi mà ở nhà cả. Ai cũng mong sớm đến ngày để được truyền lửa cho các cầu thủ U23 Việt Nam và chúng ta sẽ giành chiến thắng".
Anh cho biết ngoài Thượng Hải thì cộng đồng người Việt ở rất nhiều nơi khác như Bắc Kinh, Vũ Hán, Nam Kinh, Tây An… cũng đã lập nhóm để đến cổ vũ cho U23 Việt Nam trong trận chung kết với đội tuyển Uzbekistan. "Những anh em ở xa hơn thì vất vả hơn nhiều và phải đến sớm rồi ở lại mấy hôm", anh nói.
Tuyết rơi tại Nam Kinh, Giang Tô, hôm 25/1. Ảnh: China News. |
Cũng giống anh Sang, cả gia đình chị Nguyễn Thu Hằng, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải, cũng đang rất nóng lòng chờ đến ngày gặp các chàng trai đã tạo nên cơn địa chấn trong những ngày qua. Trận bán kết hôm 23/1 chị không đi xem được vì phải ở nhà trông con, nên lần này càng quyết tâm đi.
"Chỉ lo tuyết rơi sẽ ảnh hưởng đến các cầu thủ chúng ta vì ở Việt Nam không lạnh như vậy, và nếu so với đội bạn ở Trung Á thì Việt Nam bất lợi. Còn cổ động viên thì không phải lo. Thời tiết có thế nào đi nữa thì anh chị em cũng hừng hực khí thế, bất chấp thời tiết", chị trả lời Zing.vn.
"Vé chắc chắn không hết"
Trên mạng xã hội, nhóm của các hội lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc cũng rất sôi động những ngày qua. Cứ cách vài tiếng lại có người đăng bài hỏi về cách mua vé xem trận đấu, cách đi đến Thường Châu... Một trong những vấn đề gây hoang mang là tin đồn vé khan hiếm và đắt đỏ.
"Vé thì chắc chắn không hết", anh Sang khẳng định. "Số lượng cổ động viên chỉ có Việt Nam là đông. Người Trung Quốc nếu mà mất vé thì cũng không mấy người đi".
Nhóm cổ động viên Việt Nam trong trận Việt Nam - Qatar tại sân Thường Châu hôm 23/1. Ảnh: Facebook/Đam Sang. |
Anh cho biết giá vé ban tổ chức bán ra cho khu vực khán đài A là 2 triệu đồng, khán đài B 1,5 triệu, khán đài C 1 triệu còn khán đài D là 700.000 đồng. Tuy nhiên theo lời anh, tình trạng phe vé cũng đã xuất hiện và giá vé chợ đen hiện tại đã tăng khá nhiều so với giá gốc.
"Do sẽ không có nhiều khán giả đến sân nên khả năng giá sẽ giảm và khá mềm cho cổ động viên. Hiện tại thực sự là khó để đánh giá thời điểm nào tốt để mua. Nếu không mua được giá mềm thì tốt nhất cứ đến sân rồi mua vì sân sẽ trống rất nhiều".
Theo lời chị Hằng, trong trận bán kết ba hôm trước, đội cổ động viên Việt Nam chỉ khoảng 500 người trong khi khán đài có sức chứa tới 38.000 người. Tuy vậy, tinh thần và khí thế của các cổ động viên không vì thế mà suy giảm.
"Mẹ tôi bảo đội cổ vũ của Việt Nam hô rất to, rất nhiệt tình, tưng bừng cả sân. Nhiều người Trung Quốc xem tivi còn bình luận là như có lồng tiếng vì tiếng cổ động viên to quá", chị nói.