Biết tin có tuyết rơi, rất nhiều du khách tại thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai đã di chuyển về khu vực Ô Quý Hồ, Trạm Tôn để ngắm tuyết khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng.
Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, về cơn mưa tuyết này cũng như các diễn biến thời tiết dịp Noel, tết sắp tới.
- Vì đâu mà đột nhiên tuyết phủ trắng xóa đường phố, nhà cửa, cây cối ở khu vực Ô Quý Hồ, Trạm Tôn, quốc lộ 4D từ Sa Pa đi Lai Châu thưa ông?
- Thông thường, vào mùa đông một năm có khoảng 1 lần có những đợt không khí lạnh tràn về ở tầng thấp kèm theo dòng tuyết ở trên cao tạo thành mưa tuyết giống như những gì chúng ta đang được chứng kiến từ hôm qua tới hôm nay (16/12).
- Tuyết sẽ rơi ở Sa Pa tới khi nào?
- Qua theo dõi các hệ thống, chúng tôi nhận thấy hiện tượng thời tiết trên đang có khuynh hướng giảm dần. Nói cách khác, tuyết chỉ còn rơi trong ngày hôm nay thôi. Vậy nên mọi người kéo nhau lên Sa Pa cũng không kịp.
- Sau đó thời tiết ở đây sẽ ra sao?
- Ở Sa Pa cả tháng giêng, tháng hai tới sẽ đều rét đậm.
- Dịp lễ Giáng sinh năm nay ở Sa Pa có tuyết không thưa ông?
- Chắc không có.
- Ở Việt Nam, nơi nào sẽ có tuyết vào dịp lễ Giáng sinh?
- Tuyết hiếm khi xuất hiện tại Việt Nam bởi để có tuyết phải có sự phối hợp của cả 2 yếu tố như tôi đã nói ở trên: tầng thấp phải có không khí lạnh tràn về, tầng cao phải có những dòng tuyết như hôm qua. Nếu chỉ có 1 trong 2 thứ trên thì tuyết không xuất hiện.
Theo dự báo của chúng tôi, để có những trận mưa tuyết như thế ở Việt Nam, một mùa đông chỉ có 1 – 2 lần. Năm nay đang có một lần tuyết rơi rồi thì khả năng lặp lại trong tháng 12 là rất ít. Nếu có thì cũng chỉ xảy ra vào tháng giêng, tháng hai tới.
Noel năm nay chỉ có khả năng rét vào ban đêm thôi, chứ không có tuyết. Ở Hà Nội vào đêm Noel, nhiệt độ ở khoảng 10 – 12 độ C, ban ngày thì nhiệt độ cao hơn.
- Ngoài Sa Pa, nơi nào ở Việt Nam cũng đang có tuyết?
- Ở Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang) cũng đang có tuyết. Nhiệt độ ở Sa Pa hiện đang ở khoảng 3 - 5 độ C, còn ở Đồng Văn, Mèo Vạc thì 6 - 8 độ.
- Mưa tuyết sẽ kéo dài bao lâu ở Mèo Vạc, Đồng Văn (Hà Giang)?
- Cơn mưa đang di chuyển theo hướng đông bắc bộ nên ở Sa Pa trong chiều nay là hết tuyết, chỉ có Hà Giang còn tuyết, nhưng cũng đang hết dần.
- Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, một cơn bão tuyết lớn hình thành từ Jerusalem - Israel đang chậm chạp quét qua lãnh thổ của Ai Cập, tạo nên một trận tuyết rơi chưa từng có trong vòng 130 năm trở lại đây ở Cairo. Ông lý giải sao về điều này?
- Có lẽ là lại do biến đổi khí hậu thôi. Toàn cầu đang có khuynh hướng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng cực đoan – những cái quá mức thông thường như nóng hơn, lạnh hơn sẽ xảy ra nhiều hơn chứ không tuân theo quy luật nào cả.
Các hiện tượng cực đoan trước đây hiếm khi gặp, giờ do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ gặp nhiều hơn. Tuyết rơi ở Cairo cũng là một biểu hiện của ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Giờ ngồi ở Việt Nam mà nói tới chuyện mưa tuyết ở Cairo (Ai Cập) thì tôi chưa thể trả lời ngay được bởi những việc như thế muốn đưa ra nhận xét phải có nghiên cứu, khảo cứu đầy đủ. Nhưng chắc chắn không có mối liên quan giữa trận bão tuyết ở Ai Cập với các cơn mưa tuyết ở Việt Nam.
- Nói như vậy có nghĩa là cơn mưa tuyết ở Sa Pa cũng là một biểu hiện của sự ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu?
Rất đông người dân, đặc biệt là các bạn trẻ đổ lên mạn Trạm Tôn, Bát Xát ngắm tuyết rơi. |
- Gần đây, có thể thấy ở Việt Nam gia tăng các hiện tượng cực đoan – những hiện tượng mà trước đây hiếm khi chúng ta thấy chẳng hạn mưa đá, tuyết. Vào nửa đầu tháng 3/2011, chúng ta cũng từng thấy tuyết rơi ở Sa Pa.
Nửa đầu tháng 12/2013 mà đã gặp tuyết, đây cũng là chuyện lần đầu tiên xảy ra. Rõ ràng là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sau này chúng ta sẽ gặp nhiều cơn bão cực kỳ mạnh, lớn nữa.
- Công tác dự báo về sự xuất hiện của các “vị khách bất ngờ” này ra sao thưa ông?
- Các đồng nghiệp của chúng tôi cũng như các nhà khí tượng trên thế giới đã đưa ra khuyến cáo với người dân toàn cầu, trong đó có Việt Nam rằng chúng ta phải có suy nghĩ, nhận thức khác về các hiện tượng khí hậu.
Những kinh nghiệm mà chúng ta tích góp trong nhiều năm qua là chưa đủ để ứng phó với các ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Như năm ngoái có chuyện bà con ở Thái Bình, Nam Định… cứ nói là nếu họ nhúng chân xuống nước mà thấy nước lạnh thì không thể có bão, áp thấp nhiệt đới.
Rõ ràng chuyện đó là không đúng. Bằng chứng là năm ngoái và năm nay đều có bão.
Do vậy, tôi khuyến cáo người dân nên chuẩn bị ứng phó với các hiện tượng trước đây chúng ta chưa từng gặp. Các quy luật sẽ thay đổi, không phải mùa nào cũng thế như trước đây nữa.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, việc đưa ra các dự báo, cảnh báo đang rất khó khăn. Chúng tôi luôn cố gắng đưa ra cảnh báo sớm và cảnh báo bổ sung kịp thời sao cho sát với diễn biến chứ không thể nào dự báo đúng 100% rằng hiện tượng nào sẽ xảy ra được.
- Tết năm nay chúng ta nghỉ tới 9 ngày, thời tiết sẽ ra sao thưa ông?
- Trong 9 ngày nghỉ tết, theo chúng tôi, quá nửa thời gian đó thời tiết sẽ rét, rét đậm với các tỉnh miền Bắc, còn với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, dịp đó thời tiết chỉ se lạnh. Đáng chú ý, Tây Nguyên, Nam Bộ sẽ có nhiều trận mưa trái mùa vào dịp nghỉ Tết này.