Những kỳ tích làm nên huyền thoại
Cho đến ngày nay, tên gọi Đặc công khá phổ biến và chủ yếu chỉ lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của QĐND Việt Nam không phân biệt quân binh chủng cũng như nhiệm vụ tham dự. Trên thực tế cơ cấu tổ chức của bộ đội Đặc công cũng phức tạp hơn nhiều theo Học thuyết quân sự Việt Nam. Ngày nay ngoài các đơn vị đặc công đã quen thuộc như Đoàn 1, Đoàn 5, lữ đoàn 113, lữ đoàn 198, lữ đoàn 429, các quân khu quân đoàn còn có các tiểu đoàn đặc công và các tiểu đoàn trinh sát đặc công. Các lữ đoàn đều là các đơn vị có biên chế các lực lượng đổ bộ đường không, tác chiến trên sông biển và trên bộ, thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố bạo loạn và bảo vệ các mục tiêu có ý nghĩa kinh tế, quân sự và chính trị quan trọng.
Là lực lượng đặc biệt, các quân nhân Đặc công cũng được tuyển chọn đặc biệt và hoàn toàn không ồn ào như các lực lượng như Hải Cẩu Mỹ. Đó là những người có vóc dáng trung bình nhưng ý chí, có thể lực rất tốt và sức chịu đựng rất cao. Ngay từ thời kỳ chống Mỹ, lực lượng đặc công trên cạn và dưới nước đều được rèn luyện và thử thách ngoài sức tưởng tượng. Các chiến sĩ đặc công được trang bị khá mỏng khi vào chiến trường (quần cộc, đi chân không, ngoài vũ khí trang bị, chiến sĩ chỉ có thêm những khí cụ thô sơ như thuốc bôi ngụy trang. Các chiến sĩ đặc công nước có thêm ống thở (ống nhựa y tế).
Vượt hàng rào bùng nhùng. |
Khi tiềm nhập, họ có thể phải nằm im như chết hàng giờ dưới chân một lính canh hoặc đứng khom trong tư thế rất khó để giả làm một mô đất, một lùm cây, một hòn đá trong ánh sáng đèn pha của địch. Kỹ năng đột nhập của Đặc công Việt Nam đã đạt trình độ cao đến mức họ có thể bò qua một bãi đất trống giữa hai ngọn đèn pha công suất lớn mà không hề bị phát hiện do lợi dụng rất tốt giao thoa ánh sáng để cơ động.
Lực lượng Đặc công nước của Việt Nam cũng tương tự như Đặc công đánh bộ, ngay từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng được huấn luyện rất kỹ và đặc biệt dựa vào sức chịu đựng của con người, được tuyển chọn từ các làng chài lưới trên biển. Họ có kỹ năng bơi lội rất tốt, bài tập thể dục buổi sáng của đặc công nước thông thường là bơi hàng chục cây số. Do yếu tố bí mật và tác chiến trong điều kiện đất nước khó khăn, do đó các phương tiện bơi lặn của họ khá thô sơ, nhưng kỹ năng rất hoàn hảo.
Với các công cụ tự chế, các đặc công nước có thể cơ động rất xa và rất lâu dưới nước chỉ với một cái ống thở dạng ống y tế, kính bơi thông thường. Dụng cụ bảo vệ cũng không nhiều, dao sử dụng dưới nước, thuốc ngụy trang và khi tác chiến ở vùng biển nguy hiểm, họ được trang bị thuốc đuổi cá mập. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt, họ không có các phương tiện bơi lặn phổ thông như quần áo thủy lực bảo vệ, kính lặn. Nhưng chính những điều đó đã tăng khả năng chiến đấu của họ lên nhiều lần. Các chiến sĩ đặc công nước có thể lặn rất lâu và bơi ngầm với tốc độ cao, có khả năng vượt qua mọi cạm bẫy dưới nước, từ lưới chống đặc công đến thiết bị trinh sát sonar, thủy âm, mìn và lựu đạn...
Đặc công rừng Sác chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ. |
Trước những chiến công vang dội của lực lượng đặc công, ít ai nghĩ vũ khí, trang bị thực tế của đặc công Việt Nam thời kỳ chống Mỹ khá đơn giản. Theo biên chế, họ được trang chỉ chủ yếu là súng tiểu liên AK -47 báng gấp, lựu đạn cầm tay F1, súng bắn tỉa SVD Glagunov, súng chống tăng RPG-2 B-40. Hỏa khí đi cùng thông thường là súng liên thanh RPD cùng với một số phương tiện như kìm cắt dây thép gai. Vũ khí tấn công hiệu quả nhất của đặc công Việt Nam là khối nổ (bộc phá) các loại, bao gồm từ thuốc nổ TNT đến C4 của Mỹ. Các khối nổ thường được gói buộc tùy theo loại mục tiêu tấn công, được phân chia thành bộc phá khối (từ vài trăm gam TNT đến hàng chục kg) bộc phá ống, dùng để đánh hàng rào vật cản…
Các chiến sĩ đặc công biệt động miền Nam được trang bị vũ khí Mỹ như súng các bin M4, tiểu liên AR15, súng phóng lựu M79, chống tăng M72 và các loại lựu đạn khác nhau của Mỹ, trung thành với truyền thống, họ cũng sử dụng rất thành thạo các loại thuốc nổ khác nhau.
Bậc thầy sáng tạo và "tuyệt đỉnh công phu"
Đặc công Việt Nam là bậc thầy trong việc sử dụng lượng nổ, không giống như các phim ảnh của Holywood. Trong khi đặc nhiệm hải cẩu Mỹ sử dụng các lượng nổ có gắn kíp điện an toàn, đặc công Việt Nam sử dụng các kíp nổ thông thường như nụ xòe, kíp nổ cổ điển, hoặc các kíp nổ mìn và lựu đạn. Nhưng kỹ năng tác chiến với khối nổ của họ rất đáng sợ. Các chiến sĩ đặc công có thể vừa cơ động vừa tấn công các mục tiêu bằng khối nố, hoặc cài đặt các khối nổ để vô hiệu hóa xe tăng, xe bọp thép, xe quân sự. Họ cũng là chuyên gia của các loại mìn tự chế để tiêu diệt các phương tiện cơ giới của đối phương, từ máy bay trực thăng tầm thấp đến xe cơ giới, xuồng máy và tàu thuyền.
Không có các loại kíp hẹn giờ hiện đại, họ từ chế tạo từ kíp lựu đạn Mỹ và đồng hồ thông thường. Đôi khi, trong trường hợp khẩn cấp, họ có thể biến một cái ống bơ, một thùng xăng, một cuộn dây chun và mảnh vụn kim loại thành những thứ vũ khí sát thương vô cùng nguy hiểm. Họ có thể lấy dây chun quấn vào mỏ vịt của một quả lựu đạn cầu nhỏ, sau đó thả vào bình xăng 20 lít quân dụng, đã có một quả mìn nổ chậm vô cùng nguy hiểm.
Tác chiến trên chiến trường rừng núi, các chiến sĩ đặc công có kỹ năng sử dụng rất tốt các loại vũ khí thô sơ. Chúng ta thường gặp các anh hùng Holywood có khả năng làm bẫy sập, chông và các loại vũ khí tự chế khác, tất cả đều học ở Việt Nam. Từ bắn nỏ, phóng lao đến các loại bẫy nóng và nguội khác nhau, gây một tâm lý vô cùng nặng nề cho các lực lượng quân đội Mỹ.
Với lính đặc công, những màn khổ luyện như này là chuyện bình thường. |
Các đặc công nằm lên mảnh thủy tinh cho xe nghiến qua người luyện mình đồng da sắt. |
Tất nhiên, kỹ năng quan trọng nhất của mọi lực lượng đặc nhiệm là xạ kích. Các chiến sĩ đặc công Việt Nam chiến đấu chủ yếu trong hậu phương đối phương, nên họ có kỹ năng xạ kích và đánh gần rất tốt. Chiến sĩ đặc công có khả năng sử dụng thành thạo bất kỳ loại vũ khí nào của cả hai bên và họ bắn rất nhanh chính xác, dường như không lấy đường ngắm. Đặc biệt, kỹ năng cận chiến được coi là xuất sắc nhất của đặc công Việt Nam, chiến sĩ đặc công có thể chiến đấu cận chiến trong một không gian hẹp (nhà, hầm, nhà nhiều tầng, rừng nhiệt đới rậm rạp, địa hình phức tạp, hoặc thậm chí trong vòng vây kẻ thù với hoàn cảnh hoàn toàn bất lợi – bị phát hiện trong hầm bí mật) nhưng họ vẫn có khả năng tấn công đối phương nhanh, quyết liệt và thoát hiểm.
Đã có những trường hợp, một số nhóm nhỏ chiến sĩ đặc công, khi lọt vào trận địa của cả một đại đội lính Mỹ, vẫn đủ khả năng tấn công gây thiệt hại nặng cho đối phương và rút lui an toàn. Kỹ năng cận chiến còn được thể hiện ở khả năng chiến đấu với vũ khí lạnh (dao găm) tay không (võ thuật), với các kỹ thuật chiến đấu cổ truyền võ dân tộc, khả năng sử dụng vũ khí lạnh (dao găm, các vật có thể sát thương), tiêu diệt đối phương rất cao. Thông thường, các kỹ năng sử dụng vũ khí và tay không được rèn luyện theo xu hướng dứt điểm nhanh, chính xác và không gây tiếng động. Vì vậy, các chiến sĩ đặc công có thể nhanh chóng tiêu diệt hoặc bắt sống các mục tiêu (lính canh, sĩ quan…) mà không gây tiếng động hoặc sự chú ý.
Các chiến sĩ đặc công huấn luyện chiến đấu. |
Trong các kỹ năng chiến thuật, kỹ năng vượt vật cản, ngụy trang và tồn tại là những kỹ năng quan trọng nhất. Các chiến sĩ đặc công có khả năng vượt qua mọi vật cản với tốc độ cao và bền bỉ nhất. Họ có thể lên các tòa nhà cao tầng bằng các công cụ đơn giản như gậy đẩy, dây, móc mà không cần các phương tiện phóng, ném hiện đại không có trong trang bị. Họ vượt qua các hàng rào dây thép gai dày đặc, bãi mìn hỗn hợp bằng các loại phương tiện thô sơ hiệu quả và cả chính thân mình. Một chiến sĩ sẵn sàng nằm lên hàng rào bùng nhùng trong làn đạn cho những chiến sĩ khác vượt qua, hoặc dùng các tấm ván và thân người làm cầu đỡ trong một hào chướng ngại đầy chông, mìn và nước.
Kỹ năng ngụy trang của chiến sĩ đặc công là hòa nhập môi trường. Trong bất cứ môi trường đặc thù nào, họ cố gắng lẫn vào trong môi trường đó bằng chính các vật liệu và chất liệu có sẵn. Họ hóa thành các khối đá, thành thân cây gỗ cháy đen, thành ụ đất đỏ, thành bãi, bụi cỏ, đôi khi chiến sĩ đặc công nằm nhiều giờ ngay trong một đám bèo trên ao, hồ bên cạnh đường qua lại. Ở Việt Nam, đó là một việc vô cùng gian khổ. Chiến sĩ đặc công thông thường chiến đấu sâu trong lòng địch, yêu cầu quan trọng là khả năng tồn tại trong môi trường nguy hiểm thường trực. Các đơn vị đặc công chiến đấu ở vùng ven hoặc các khu vực dân cư thưa thớt, không gian ngụy trang trống trải còn phải tìm mọi cách tồn tại trong vùng hỏa lực, nhiễm chất độc hoặc ô nhiễm môi trường nặng nề.
Họ phải học cách tồn tại trong các hầm bí mật ngập nước nhiều ngày, tìm kiếm nước ngọt, thức ăn từ cây rừng, vùng khô cằn hoặc sử dụng thức ăn khô “lương khô” kết hợp với lọc nước tại chỗ để phục vụ nhu cầu bản thân. Không những thế, các phương pháp làm hầm bí mật trú quân, ẩn nấp ngay trong căn cứ của đối phương, sinh hoạt không có dấu vết, nấu thức ăn không có khói cũng là những giải pháp sống còn mà chỉ có những người trong cuộc mới có thể hiểu hết nghệ thuật sinh tồn của họ.
Nghệ thuật tiềm nhập của đặc công Việt Nam thuộc loại đỉnh cao. |
Tương tự như các lực lượng đặc nhiệm khác, chiến thuật tác chiến của đặc công Việt Nam là tác chiến tiến công, phương pháp chủ yếu là bí mật luồn sâu vào hậu phương địch, đánh nhanh, đồng loạt trên tất cả các mục tiêu quan trọng, nhanh chóng rút lui. Thông thường các hoạt động tác chiến của đặc công chỉ nhằm mục đích tiêu diệt, phá hoại, đánh thiệt hại nặng cơ sở vật chất tiến hành chiến tranh, tiêu diệt hoặc bắt sống các mục tiêu quan trọng. Các hình thức tác chiến thông thường như tấn công, phòng ngự theo thê đội cũng như các phương pháp không đặt ra.
Trong tác chiến đặc công, với điều kiện thuận lợi, các chiến sĩ đặc công cũng thường sử dụng các hình thức chiến đấu tấn công từ sau lưng địch, nhưng thường chia thành các nhóm nhỏ - các tổ hai, ba người đánh xuyên qua đội hình chiến đấu của đối phương, tấn công vào các điểm quan trọng với tốc độ cao, phá đội hình đối phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chiến đấu tấn công. Trong các trận đánh vào các đơn vị hành quân, cơ động của địch, phương án tác chiến của đặc công cũng có những đặc thù riêng, họ không nhằm mục đích tiêu diệt toàn bộ lực lượng đối phương mà chỉ tiêu diệt những mục tiêu quan trọng nhất như sở chỉ huy cơ động, các xe hậu cần kỹ thuật quan trọng, phương tiện chiến tranh quan trọng nhằm phá hủy ý đồ chiến đấu của đối phương. Họ tấn công rất gần, nhanh chóng tiếp cận tiêu diệt mục tiêu đã chọn và biến mất vào địa hình, phần còn lại họ để cho các lực lượng khác như bộ binh, pháo binh giải quyết chiến trường.
Trường hợp đặc biệt, lực lượng đặc công biệt động miền Nam Việt Nam năm 1975 đã thực hiện các trận đánh tiêu diệt các chốt chặn của địch trên các đầu cầu vào Sài Gòn và tổ chức trận địa phòng ngự, ngăn chặn không cho đối phương phá cầu.
Đặc công Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại
Học thuyết quân sự Việt Nam định hướng phát triển lực lượng vũ trang với mục đích bảo vệ đất nước. Lực lượng đặc công cũng phát triển chủ yếu theo hướng này, nhưng sự phát triển đó tập trung vào các mục đích quan trọng ngày này. Đó là biên giới, hải đảo, chống khủng bố và bạo loạn chính trị. Do nhiệm vụ tác chiến hiện nay được mở rộng hơn. Đặc biệt là nhiệm vụ chiến đấu chống các thế lực phản động chống phá từ phía bên ngoài (bao gồm các lực lượng phản động chính trị, các lực lượng tội phạm, các thế lực khủng bố) do đó, yêu cầu triển khai tác chiến nhanh, bất ngờ, từ nhiều hướng là phương án lựa chọn tối ưu.
Do đó, ngày nay, lực lượng đặc công chuyển hướng thành đặc công đặc nhiệm phản ứng nhanh, sử dụng các phương tiện cơ động hiện đại như máy bay, máy bay trực thăng, ô tô đặc chủng, xuồng cao tốc. Cúng do tính đặc thù của đối tượng tác chiến, các loại vũ khí cũng có thay đổi tương đối lớn, xuất hiện các loại súng như Micro UZI (súng ngắn liên thanh), súng bắn tỉa tầm xa, các thiết bị quang học như kính hồng ngoại nhìn đêm, kính ngắm ngày đêm. Đồng thời các phương tiện đổ bộ cũng cải tiến rõ rệt. Các chiến sĩ đặc công Việt Nam ngày nay làm quen với các bộ quân phục ngụy trang đa năng, trang thiết bị thông tin liên lạc cá nhân dạng mạng nội bộ, chỉ thị mục tiêu laser, các thiết bị leo trèo, vượt độ cao, đổ bộ từ trực thăng và các nhà cao tầng bằng hãm dây và bảo hiểm leo núi đặc biệt.
Tập luyện với súng tiểu liên cực nhanh Micro Uzi. |
Đổ bộ từ trực thăng. |
Tương tự như vậy với lực lượng đặc công nước, họ đã tiếp cận và làm quen với các thiết bị đổ bộ như xuồng cao tốc, thiết bị bơi ngầm, quần áo thủy lực, chân vịt hiện đại, kính lặn ngầm, đồng thời ngay cả hậu cần kỹ thuật cũng có những thay đổi lớn, xuất hiện những khẩu phần ăn đảm bảo tỷ lệ calo tiêu hào, những thiết bị sưởi ấm khi hoạt động vùng biển lạnh, đổ bộ từ các loại phương tiện mang như chiến hạm, máy bay. Trong tương lai gần, sẽ có thêm những thiết bị đổ bộ từ tàu ngầm, các loại vũ khí sử dụng dưới nước, đồng hồ la bàn, bản đồ kỹ thuật số không thấm nước và các thiết bị hiện đại khác.
Đặc công Hải quân luyện tập đổ bộ. |
Đặc công hải nước Việt Nam ngày càng được trang bị hiện đại. |
Vũ khí trang bị chắc chắn cùng có những thay đổi lớn, đặc biệt là loại vũ khí truyền thống “thuốc nổ - bộc phá” sẽ mạnh hơn, nhẹ hơn, các thiết bị kích nổ cũng an toàn hơn và thuận tiện hơn trong sử dụng. Các chiến sĩ đặc công cũng có khả năng có được các loại hỏa khí đi cùng có sức mạnh đáng kể như súng phóng lựu nhiệt áp, súng phóng lựu chống tăng sử dụng một lần hoặc súng phóng lựu liên thanh.
Chiến thuật cũng sẽ có những thay đổi rõ rệt. Từ chiến thuật đột nhập – tiêu diệt, chắc chắn các lực lượng đặc công biệt động sẽ có thêm những nội dung chiến thuật mới như trinh sát, tìm kiếm mục tiêu, bao vây tiêu diệt, truy quét. Hoặc những mục tiêu tấn công phá hoại tầm xa như các chiến hạm, các tàu đổ bộ của đối phương, các căn cứ quân sự trên biển hoặc ngoài biên giới, có khả năng gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Đặc công Việt Nam đã trải qua một giai đoạn vinh quang, anh dũng và hiện nay được định hướng tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới. Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ Việt Nam sẽ giáng những bài học đích đáng cho bất cứ một thế lực hiếu chiến nào có ý đồ xâm phạm chủ quyền tổ quốc.