Trong khi đó, Malaysia dưới sự dẫn dắt của tân HLV Kim Pan-gon tại giải đấu lần này không thực sự là một đối thủ quá đáng gờm, bất chấp việc đã dành trọn 6 điểm sau 2 trận đấu đầu tiên.
Malaysia yếu đi so với AFF Cup 2020
Nếu so sánh chất lượng đội hình so với giải đấu AFF Cup gần nhất tại Singapore, có thể khẳng định Malaysia không mạnh bằng chính họ. Việc CLB được coi là ĐTQG thu nhỏ tại giải VĐQG nước này Johor Darul Ta’zim từ chối nhả người khiến ông Kim Pan-gon không có được sự phục vụ của hàng loạt những cái tên chất lượng.
Những cái tên đã ra sân ở 2 trận đấu trước Myanmar và Lào phần lớn là những gương mặt mới, nếu so sánh với đội hình đã được chiến lược gia người Hàn Quốc sử dụng tại các trận đấu thuộc vòng loại Asian Cup hồi tháng 6 và King’s Cup hồi tháng 9.
Malaysia dự AFF Cup 2022 với một đội hình có tới 17 cầu thủ chưa có nổi 10 trận đấu trong màu áo ĐTQG.
Trong một định hướng chiến thuật mới được ông Kim Pan-gon áp dụng, đội bóng này cho thấy những vấn đề tương đối cơ bản trong cách vận hành.
Hàng thủ 5 người trong sơ đồ 5-4-1 không được tổ chức với tính đồng bộ cao nhất. Ở trận đấu mở màn của bảng B, chỉ với những đường bóng dài đơn giản, Myanmar đã có thể khai thác khoảng trống sau lưng các trung vệ Malaysia.
HLV Kim Pan-gon áp dụng sơ đồ 5-4-1/3-4-3. |
Tính tổ chức của hệ thống phòng ngự Malaysia không được thể hiện tốt. |
Những con người mới trong một hệ thống chiến thuật mới khiến cho lối chơi của Malaysia chưa thực sự thuyết phục. Không chỉ trong phòng ngự, tốc độ tấn công nhanh mà ông Kim muốn áp dụng khiến đội bóng này phải nhận những đợt phản công của đối phương, nơi họ không có đủ quân số để kiểm soát.
Tình huống bị phản công điển hình mà Malaysia phải nhận trước Myanmar. |
Trong bối cảnh những cá nhân mới tại ĐTQG Malaysia chưa thể thích nghi tốt nhất với hệ thống chiến thuật mới, trong đó có cả các cầu thủ nhập tịch như tiền đạo Darren Lok hay tiền vệ công Lee Tuck, thì đội trưởng Safawi Rasid thêm một lần sắm vai thủ lĩnh trên mặt trận tấn công của đội bóng này tại một kỳ AFF Cup.
Cầu thủ 25 tuổi cũng đồng thời là người có số lần khoác áo ĐTQG nhiều nhất tại đợt tập trung lần này của Malaysia.
Trong hệ thống 3-4-3 khi tấn công, Rasid được xếp chơi trong vai trò sở trường ở cánh phải. Sự kết hợp giữa Rasid và Faisal Halim ở cánh đối diện là điểm sáng hiếm hoi của Malaysia cho đến thời điểm này tại AFF Cup.
Tình huống phản công dẫn đến bàn thắng duy nhất của Malaysia trước Myanmar. |
Số 11 của Malaysia có xu hướng nhận bóng từ ngoài cánh, đi bóng vào khu vực trung lộ trước khi thực hiện những đường phất bóng dài sở trường hướng đến vòng cấm. Trong khi đó, số 7 Halim là người có xu hướng xâm nhập nhiều hơn, và tận dụng kỹ thuật cá nhân, cũng như sự đột biến của mình để tạo ra nguy hiểm.
Phương án tấn công đặc trưng của Malaysia. |
Nếu như trận thắng 5-0 trước Lào không nói lên nhiều điều, thì Malaysia đã phải rất chật vật để vượt qua Myanmar.
Đó là trận đấu mà đội bóng của ông Kim Pan-gon không những không thể áp đặt trận đấu, mà còn để đối phương kiểm soát bóng nhiều hơn, tạo ra nhiều pha dứt điểm hơn và thiếu chút nữa đã để mất điểm nếu Myanmar thực hiện thành công quả phạt đền ở những phút cuối trận.
Tuyển Việt Nam hoàn thiện hơn
Trái ngược với đối thủ Malaysia, trong giải đấu chính thức cuối cùng của HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam có được đội hình hoàn thiện nhất ở thời điểm hiện tại. Việc chiến lược gia người Hàn Quốc sử dụng những con người tốt nhất trong tay trong trận đấu trước Lào giúp người hâm mộ phần nào hình dung được lối chơi tổng quát của chúng ta ở giải đấu lần này.
Một trong những điểm ấn tượng nhất trong chiến thắng trước đối thủ Lào đến từ sự có mặt của cặp hậu vệ biên số một Việt Nam ở thời điểm hiện tại: Hồ Tấn Tài và Đoàn Văn Hậu. Cả hai đều là những cầu thủ có xu hướng tấn công, có chất lượng ở những tình huống cuối cùng và sở hữu nền tảng sức mạnh, tốc độ ấn tượng so với mặt bằng giải đấu.
Tư duy chơi bóng của Tấn Tài và Văn Hậu giúp ĐT Việt Nam có thể tạo ra sự kiểm soát và áp đặt trên phần sân của đối phương.
Tấn Tài và Văn Hậu luôn dâng cao, tạo khoảng trống cho 2 trung vệ lệch đẩy cao duy trì cự ly đội hình khi tấn công. |
Việc giữ được khối đội hình ở cự ly tốt khi tấn công ngay trên phần sân đối phương giúp ĐT Việt Nam có đủ khả năng duy trì sự liên tục trong việc kiểm soát bóng. Trong thời điểm chuyển đổi phòng ngự, chúng ta sẵn sàng gây áp lực mạnh để đoạt lại bóng, qua đó tiếp tục tạo được sự áp đặt.
Cấu trúc đội hình tốt giúp ĐT Việt Nam giữ được sự áp đặt. |
Sự có mặt của Văn Quyết trong cuộc đối đầu gặp Lào cũng là một điểm nhấn đáng nói trong tốc độ tấn công và nhịp chơi của ĐT Việt Nam. Khả năng di chuyển, chọn vị trí và liên kết của cầu thủ mang áo số 10 là một phần nguyên nhân giúp đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo điềm tĩnh hơn với bóng, qua đó giúp cấu trúc đội hình khi tấn công ổn định hơn.
Dấu ấn của Văn Quyết – tình huống dẫn đến bàn thắng của Văn Toàn. |
Có thể nhận định, ĐT Việt Nam sẽ là người làm chủ cuộc chơi trong cuộc đối đầu trước Malaysia tại Mỹ Đình. Với sự vượt trội về chất lượng đội hình, các học trò của HLV Park Hang-seo hoàn toàn đủ khả năng tạo ra sự áp đặt, hạn chế những khoảnh khắc đột biến của Safawi Rasid cùng Faisal Halim trong các tình huống chuyển đổi, và tạo ra cơ hội ăn bàn bởi tính cơ động mà Tấn Tài cũng Văn Hậu đã thể hiện dọc hai cánh.
Tình huống dẫn đến bàn mở tỉ số của Tiến Linh trước Lào. |
Cả Văn Hậu và Tấn Tài mang đến áp lực lớn khi ĐT Việt Nam tấn công. |
Với những con người tốt nhất trong tay, mục tiêu của HLV Park Hang-seo và các học trò tại AFF Cup lần này chắc hẳn là vượt qua mọi đối thủ. Ở giải đấu mà nhiều đội bóng không có được lực lượng tốt nhất, ĐT Việt Nam có nhiều cơ hội để tạo ra sự thuyết phục trong lối chơi của mình, và hướng đến ngôi vị cao nhất.