Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển nhân sự và tìm việc qua livestream ở Trung Quốc

Do dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc chọn cách tuyển nhân sự qua các buổi livestream trên nhiều nền tảng.

Cuối tháng 6, Ren Zhihong (33 tuổi) theo dõi một chương trình livestream tuyển dụng trên nền tảng Kuaishou. Buổi livestream này có sự góp mặt của 5 công ty về sản xuất ôtô, máy tính xách tay, số lượng tuyển dụng lên đến 100.000 vị trí.

Trong suốt 2 giờ phát trực tiếp, các nhà tuyển dụng nói về công ty, mô tả công việc, mức lương và điều kiện làm việc cho từng vị trí. Các công ty này cũng trả lời câu hỏi từ người xem và nhận được khoảng 175.000 bộ hồ sơ ứng tuyển, theo China Daily.

Thông qua buổi livestream này, Ren Zhihong đã tìm được công việc tại một nhà máy ôtô ở tỉnh Chiết Giang. Trước đây, mỗi lần tìm việc, Ren phải di chuyển đến công ty và gặp mặt trực tiếp các nhà tuyển dụng. Giờ đây, tìm việc trở nên dễ dàng hơn. Anh tìm hiểu về công ty qua buổi livestream và phỏng vấn online cùng nhà tuyển dụng.

Xin Youzhi, người dẫn chương trình các buổi livestream tuyển dụng, cho biết các buổi phát trực tiếp chính là cầu nối gắn kết giữa các nhà tuyển dụng và người đang tìm kiếm việc làm.

Tuyển dụng online giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại cho mọi người. Các công ty cũng dễ dàng chia sẻ thông tin đến nhiều đối tượng trên toàn quốc. Đây chính là lý do các buổi tuyển dụng qua livestream thu hút nhiều người xem và nhận kết quả vượt mong đợi.

tim viec lam qua livestream anh 1

Một buổi livestream tuyển dụng ở Thẩm Dương (Trung Quốc) vào tháng 4/2022. Ảnh: China Daily.

Bùng nổ tuyển dụng online

Đầu năm 2022, Kuaishou bắt đầu phát triển các buổi phát trực tiếp nhằm vào các công ty tuyển dụng nhiều lao động chân tay - những đối tượng bị hạn chế quyền truy cập các quảng cáo tuyển dụng. Những buổi phát trực tiếp này giúp người lao động tìm được công việc phù hợp, đồng thời cắt giảm đáng kể chi phí tuyển dụng cho các công ty.

Đại diện nền tảng Kuaishou cho biết các công ty phải nộp giấy phép kinh doanh, giấy phép tuyển dụng nhân sự và các tài liệu liên quan mới được cấp quyền livestream tuyển dụng. Dân mạng có quyền báo cáo cho nền tảng này nếu phát hiện công ty cung cấp thông tin giả hoặc đưa ra những thông tin tuyển dụng sai sự thật.

Kuaishou không phải nền tảng đầu tiên triển khai các chương trình tìm việc online. Từ năm 2021, nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin đã mở 28.000 phòng phát trực tiếp cho hơn 80.000 công ty, doanh nghiệp tại Trung Quốc. Những buổi livestream này đã thu hút 1,25 triệu hồ sơ ứng tuyển.

Vào tháng 6/2022, Zhaopin tiếp tục mở 6 buổi livestream cho các doanh nghiệp ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Phật Sơn, Quảng Đông, Tây An, Thiểm Tây nhằm giới thiệu các chương trình, chính sách tuyển dụng mới. Những buổi livestream này thu hút 210.000 lượt xem, các công ty cũng nhận được hơn 7.000 bộ hồ sơ.

Zhou Hongrui là một trường hợp tìm được việc làm mới sau khi xem livestream trên Zhaopin. Được biết, Zhou đã thất nghiệp hơn 2 tuần và không thể tìm việc vì các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch Covid-19. Buổi livestream tuyển dụng đã "cứu sống" người đàn ông 33 tuổi.

Zhou cho biết anh từng đi phỏng vấn tại 5 công ty trước khi biết đến buổi tuyển dụng online này. Anh nhận thấy tìm việc qua livestream giúp anh tiết kiệm lượng lớn thời gian tìm hiểu và di chuyển, việc phỏng vấn trực tuyến cũng giúp anh "dễ thở" và thoải mái hơn.

"Tôi thích xem những chương trình livestream và video ngắn để giải trí nhưng không ngờ lại tìm được việc qua nền tảng này. Đây là lần đầu tiên tôi dùng tính năng phát trực tiếp để tìm việc làm", Zhou chia sẻ.

Li Qiang, Phó chủ tịch điều hành của Zhaopin, cho biết livestream cung cấp những trải nghiệm phong phú, giúp người lao động tìm kiếm và làm quen với nhà tuyển dụng - những người cũng đang tìm cách quảng bá hình ảnh và văn hóa doanh nghiệp của họ.

Phó chủ tịch Li nhận định việc tương tác trong những buổi livestream giúp thu hẹp "khoảng cách thông tin" và "khoảng cách tâm lý" giữa các doanh nghiệp và người lao động. Ông hy vọng trong thời gian tới, những người lao động lớn tuổi cũng sẽ biết đến phương pháp tuyển dụng độc đáo này.

tim viec lam qua livestream anh 2

Nhiều cử nhân tìm việc thông qua những buổi livestream tuyển dụng. Ảnh: China Daily.

Hiệu quả bất ngờ từ những buổi phát sóng trực tiếp

Ji Gang, làm việc tại công ty tư vấn Roland Berger, cho biết áp lực từ những yếu tố kìm hãm nền kinh tế, kèm theo sự bùng phát của dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức nghiêm trọng với thị trường việc làm. Do đó, việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số đã hỗ trợ đáng kể quá trình tuyển dụng, giúp sinh viên dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp và tìm được việc làm ổn định, phù hợp.

Beijing ZeroG Space Technology, công ty chuyên cung cấp vệ tinh, cũng giải quyết được vấn đề tuyển nhân sự nhờ nền tảng phát trực tiếp.

Yin Yin, Phó giám đốc công ty, cho biết vào cuối tháng 6, Beijing ZeroG Space Technology đã tuyển được khoảng 20% nhân sự mà công ty đang cần. Được biết, công ty lên kế hoạch tuyển dụng 60 người, hiện vẫn tiếp tục mở rộng các buổi livestream để tìm thêm nhiều nhà nghiên cứu tài năng.

Yin nói rằng nhờ việc tuyển dụng online, anh không cần phải lặn lội khắp các tỉnh thành để thu thập hồ sơ tại các hội chợ việc làm. Ngoài ra, phỏng vấn online cũng giúp công ty anh tiết kiệm nhiều chi phí tuyển dụng.

Dong Shupeng, giám đốc tuyển dụng của công ty bất động sản Yuanxingdichan, nói rằng do tình hình dịch bệnh, nhiều trường đại học đóng cửa, công ty không thể mở các hội nghị tuyển dụng trực tiếp tại trường. Điều này gây khó khăn cho Dong, khi công ty anh đang đặt ra mục tiêu tuyển dụng 200 nhân lực mới cho năm 2022.

Để giải quyết vấn đề này, công ty của Dong đã mở 7 buổi livestream tuyển dụng. Khi lựa chọn hồ sơ từ các ứng viên, công ty sẽ liên hệ với từng người để phỏng vấn trực tuyến. Được biết, 30 nhân viên mới của Yuanxingdichan đã được tuyển dụng thông qua livestream.

Elianda, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính ở Bắc Kinh, lên kế hoạch tuyển dụng 60 nhân sự trong năm 2022. Công ty này đã tổ chức nhiều buổi livestream trên Zhaopin vào tháng 8/2021 và tháng 5/2022.

Kou Xiaxia, Giám đốc bộ phận nhân sự của Elianda, cho biết mỗi chương trình phát trực tiếp thu hút khoảng 2.000 người xem, công ty cũng tuyển được 4 người từ mỗi buổi tuyển dụng online đó.

Kou thông tin thêm những buổi tuyển dụng và phỏng vấn trực tuyến mang lại hiệu quả cao hơn phương thức truyền thống, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

"Với sự tiến bộ của công nghệ, chúng tôi nhanh chóng tìm được nhân sự phù hợp. Ngoài ra, công ty cũng được nhiều người biết đến hơn nhờ những buổi livestream như vậy", Kou nói.

Tiến sĩ ở Mỹ gánh khoản nợ sinh viên 35 năm, tiền lãi gấp 3 tiền gốc

Phải gánh món nợ 895.000 USD trong hàng chục năm, tiến sĩ, bác sĩ Kathleen LaRose ước ngày xưa không vay tiền để theo đuổi việc học.

Thái An

Bạn có thể quan tâm