Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Tuyển Hàn Quốc trở nên thất thế so với Nhật Bản

Nhật Bản và Hàn Quốc cùng ra về ở vòng 16 đội. Nhưng cách ra về của hai đội khác hẳn nhau. Tương lai thuộc về Nhật Bản. Họ đã làm thế nào để vượt mặt Hàn Quốc?

Giới truyền thông Hàn Quốc đã thẳng thừng gọi màn trình diễn của Hàn Quốc trước Brazil là “đáng xấu hổ”. Bạn chủ động phòng thủ, đối thủ vẫn chọc thủng lưới bạn là bình thường. Nhưng bạn chủ động phòng thủ, mà đối thủ nhảy múa trong vòng cấm của bạn như chỗ không người, như một đội bóng quốc tế đá với một đội bóng làng, thì đó rõ ràng là một nỗi hổ thẹn.

Nhật Bản chơi thuyết phục hơn Hàn Quốc

Tháng 6/2022, Hàn Quốc thua Brazil 1-5 trong trận giao hữu, nhưng Hàn Quốc thi đấu không quá tệ, đến phút 80, họ vẫn giữ được tỷ số 1-3. Chứ không thua bốn bàn trắng sau có 36 phút như trận đấu đêm qua. Hiệp hai, Brazil chủ động đá chậm lại, không ghi bàn nữa, rút người ra nghỉ, thậm chí là đưa thủ môn thứ ba Weverton vào sân để hưởng “hương vị World Cup”, Hàn Quốc mới thoát khỏi một trận thảm bại. Nếu không, họ có thể thua đến tám bàn trắng. Hàn Quốc phải cảm ơn sự nhân văn của người Brazil.

Nhat Ban anh 1

Bàn thắng của Ritsu Doan vào lưới Tây Ban Nha. Nhật Bản có khả năng chơi ngang ngửa với các đội bóng hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản gây cảm hứng cho khán giả trung lập bằng những cuốn truyện hấp dẫn của họ. Và cũng gợi lên những sự ngờ vực nhất định khi Nhật Bản đánh bại Tây Ban Nha và Hàn Quốc đánh bại Bồ Đào Nha. Nhưng nhìn toàn cục, sự ngờ vực đối với Nhật Bản ít hơn nhiều, họ đã chứng tỏ họ có thực lực để có thể gây nên các bất ngờ khi các ông lớn bất cẩn.

Trong bốn trận đấu ở Qatar, Nhật Bản đã chơi với tinh thần cao, tính tổ chức cao, chiến thuật linh hoạt và đầy năng lượng. Họ không ham kiểm soát bóng (họ đánh bại Đức và Tây Ban Nha với tỷ lệ kiểm soát bóng lần lượt là 26% và 18%) nhưng họ rất nhanh và hiệu quả khi có bóng. Họ biết khi nào đứng lại phòng thủ, khi nào đẩy cao đội hình pressing lên đối thủ, biết cách làm lạc nhịp đối thủ. Biết cách tổ chức vây hãm ngòi nổ của đối thủ hiệu quả như cách họ làm với Sergio Busquets. Khi họ tấn công hai bên cánh, rất khó để kiểm soát họ.

Họ trình làng một số cá nhân ấn tượng. Maya Yoshida là thủ lĩnh truyền cảm hứng ở trung tâm hàng thủ ba người. Họ sẽ không có thành tích phòng ngự này (thủng lưới 4 bàn sau 4 trận) nếu không có trung vệ 34 tuổi. Hidemasa Morita và Wataru Endo xuất sắc ở vai trò động cơ giữa sân, Junya Ito cũng vậy ở vị trí chạy cánh. Xét các cầu thủ tấn công, Ritsu Doan năng động, Kaoru Mitoma và Takumi Minamino có thể gây đột biến, Daichi Kamada là một cầu thủ kiến tạo đẹp mắt, tinh tế và chính xác.

Phát triển sớm hơn 10 năm, nhưng Hàn Quốc bị Nhật Bản qua mặt

Bóng đá có sớm hơn ở Nhật Bản so với Hàn Quốc, vì những lý do lịch sử, cơ bản do cả Triều Tiên lẫn Hàn Quốc khi trước là thuộc địa của Nhật Bản. LĐBĐ Nhật Bản thành lập năm 1921 và gia nhập FIFA năm 1929. Năm 1936, họ tham dự bóng đá Olympic. LĐBĐ Triều Tiên thành lập năm 1928 và gia nhập FIFA năm 1948, tham dự bóng đá Olympic năm 1948, thắng Mexico 5-3 ở vòng một, thua Thụy Điển 0-12 vòng tứ kết.

Nhat Ban anh 2

Các cầu thủ Hàn Quốc không biết làm gì trong các pha tấn công của Brazil, đây là một trong hai trận đấu có thể xem là chênh lệch nhất giải. Ảnh: Reuters.

Giai đoạn sau khi bán đảo Triều Tiên tách ra thành hai nước năm 1953, bóng đá được xem như một công cụ nêu cao chủ nghĩa dân tộc ở Hàn Quốc. Được tham dự và thắng trên các đấu trường thể thao quốc tế là nguồn động viên nhân dân trong quá trình tái thiết đất nước và nâng cao uy tín quốc gia. Nên bóng đá Hàn Quốc phát triển hơn so với Nhật Bản.

Họ tham dự World Cup lần đầu tiên vào năm 1954 ở Thụy Sĩ, thua Hungary 0-9, thua Thổ Nhĩ Kỳ 0-7. Nhưng phải sau đó hơn 30 năm, năm 1986, Hàn Quốc mới trở lại đấu trường World Cup vì vé dự các kỳ World Cup được phân bổ cho châu Á rất ít, chỉ có một vé, có kỳ châu Á và châu Phi phải tranh một vé đi World Cup.

Nhật Bản dự bóng đá Olympic 1964 trên sân nhà, vào vòng tứ kết. Olympic 1968 tổ chức tại Mexico, họ giành huy chương đồng. Bóng đá Olympic lúc đó là đấu trường dành cho các cầu thủ nghiệp dư. Các cầu thủ nhà nghề không được tham dự, nên huy chương thường về tay các nước Đông Âu, chứ không phải các nước có nền bóng đá tân tiến phương Tây và Nam Mỹ.

Từ năm 1986, châu Á được phân bổ hai vé dự World Cup (sau đó tăng thêm đến giờ là năm), Hàn Quốc liên tiếp 10 lần có mặt tại ngày hội lớn bóng đá từ đó đến nay. Chỉ có các đội Brazil, Argentina, Đức, Tây Ban Nha mới có thành tích như vậy. Nhật Bản năm 1998 mới lần đầu dự World Cup, và liên tiếp từ đó đến nay được bảy kỳ. Tính ra, khi bóng đá được hiện đại hóa, Hàn Quốc đi trước Nhật Bản 10 năm.

Đi trước, nên trong các cuộc đối đầu khi trước, Hàn Quốc thường thắng thế trước Nhật Bản. Từ năm 1954 đến nay, họ đối đầu 81 trận, Hàn Quốc thắng 42 trận, hòa 23 trận, thua 16 trận. Những năm 1980 trở về trước, Hàn Quốc thường thắng vì Nhật Bản không quan tâm nhiều đến bóng đá. Từ những năm 1990, khi bóng đá Nhật Bản bắt đầu phát triển, các trận đối đầu của họ nảy lửa vì những lý do lịch sử.

Nhưng sau này, khi hai đội coi trọng các giải đấu quốc tế và các trận gặp đối thủ mạnh trên thế giới thì trận đấu giữa họ không còn máu me ăn thua như trước. Ở các giải như Giải vô địch Đông Á, họ không quan trọng lắm, thường đưa đội hình trẻ đến thử nên thành tích đối đầu chỉ nói được sự thắng thế của Hàn Quốc trong quá khứ.

Tại các đấu trường lớn, Nhật Bản thành công hơn, vô địch châu Á bốn lần và một lần á quân từ năm 1992 đến nay. Cùng thời gian đó, Hàn Quốc không vô địch lần nào. Hàn Quốc tuy có dự 10 kỳ World Cup liên tiếp, nhưng chỉ hai lần vượt qua vòng bảng, 2002, 2022. Nhật Bản dự bảy kỳ World Cup, có bốn kỳ vượt qua vòng bảng, 2002, 2010, 2018, 2022. Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002 nhưng ta đều biết có quá nhiều tranh cãi về vấn đề trọng tài trong hành trình đến bán kết của họ.

Trong hai thập kỷ qua, đội tuyển Nhật Bản đã tham dự FIFA Confederations Cup năm lần và nhiều lần được mời tham dự Copa America ở Nam Mỹ. Có cơ hội thi đấu thường xuyên với Brazil, Argentina, Mexico, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và các đội hàng đầu khác trên thế giới, trưởng thành qua các trận đấu như vậy. Họ có thể đá trên chân nhiều đội hạng hai châu Âu. Hàn Quốc có ít cơ hội thực chiến hơn, thường gặp khó trước các đội châu Âu và Nam Mỹ.

Nhat Ban anh 3

Nhật Bản là đội số 1 châu Á theo bảng xếp hạng FIFA. 19 trong số 26 cầu thủ Nhật Bản đến Qatar đang thi đấu cho các CLB châu Âu. Ảnh: Reuters.


Nhật Bản theo đuổi cái mới, Hàn Quốc đứng yên bất động

Hàn Quốc luôn được biết đến với lối chơi quả cảm, tinh thần chiến đấu quật cường, thể lực sung mãn, tranh chấp quyết liệt, chiến thuật bài bản. Các đặc trưng này thoát thai từ việc bóng đá vốn được coi là công cụ của chủ nghĩa dân tộc ở Hàn Quốc. Khi thi đấu cho đội tuyển, bạn sẽ bị đánh giá không yêu nước nếu thái độ bạn không tốt. Đội bóng sẵn sàng hy sinh cầu thủ tài hoa nếu kỷ luật của anh ta dưới chuẩn tốt do bên trên đặt ra.

Nhật Bản chọn con đường phát triển phong cách chơi bóng khác với Hàn Quốc. Họ có kỹ thuật tinh tế, kiểm soát bóng tuyệt vời, khả năng phối hợp khéo léo, nhuần nhuyễn, mềm mại, chính xác. Thứ bóng đá này phản ánh xã hội Nhật Bản thời hậu công nghiệp, sau một thời kỳ chán nản, dân chúng hướng đến sự tự do, sáng tạo, cá nhân hơn là phục tùng.

Thứ bóng đá Nhật Bản theo đuổi càng ngày càng phát triển. Ta thấy đến những đội rất thiên về thể lực, thực dụng như Đức sau này cũng theo đuổi thứ bóng đá tinh tế, mềm mại. Trong khi lối chơi của Hàn Quốc vài chục năm qua không thay đổi nhiều, cho dù họ cũng sản sinh ra các cầu thủ hay như Park Ji Sung hay Son Heung Min. Các cầu thủ này trở nên nổi bật là do hưởng thành quả từ sự khổ luyện của chính họ, chứ không phải do sự sáng tạo, tinh tế trong lối chơi.

Nhat Ban anh 4

Hàn Quốc chỉ có ngôi sao lẻ loi Son Heung Min trong đội hình, họ không sản sinh được nhiều cầu thủ tốt như Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Do đó, cầu thủ Nhật Bản được ưa chuộng ở châu Âu hơn các đồng nghiệp Hàn Quốc. Ngày trước, Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Masato Okano, Junichi Inamoto, Yasuhito Endo, Yuto Nagamoto, Keisuke Honda, Shinji Kagawa, Shinji Okazaki, Hiroki Sakai chơi nổi bật ở châu Âu.

Hiện tại, có 56 cầu thủ Nhật Bản đang chơi ở các CLB châu Âu, trong khi Hàn Quốc chỉ có 20 người. 19 cầu thủ Nhật Bản đến Qatar đang chơi ở châu Âu. Chỉ có 8 cầu thủ Hàn Quốc đến Qatar chơi ở châu Âu. Được thi đấu cọ xát hàng tuần ở các giải châu Âu, kinh nghiệm của các cầu thủ Nhật Bản rõ ràng vượt trội so với các đồng nghiệp Hàn Quốc.

Bóng đá Hàn Quốc phát triển vốn là do được giao “nhiệm vụ chính trị” chứ không phải bắt nguồn từ văn hóa đại chúng như phương Tây. Khi ĐTQG thi đấu thì dân chúng rất sôi sục, còn thường ngày, họ thờ ơ với bóng đá CLB. Không có các tập đoàn kinh tế chi tiền, nhiều CLB Hàn Quốc không trụ vững được. Chỉ có 23 CLB chuyên nghiệp ở Hàn Quốc đấu tại giải K-League 1 (12 đội) và K-League 2 (11 đội). Trung bình khán giả đến sân một trận ở giải K-League 1 mùa bóng 2022 là 4.555 người.

Bóng đá Nhật Bản từ khi phát triển trở lại vào thập niên 1990 đã dần dần ăn sâu vào văn hóa đại chúng. Cách thức tổ chức khoa học, các ngôi sao lớn như Zico, Gary Lineker đến thi đấu, đào tạo trẻ vững chắc, các thế hệ cầu thủ tốt ra lò… đã tạo ra không khí bóng đá hàng tuần ở đất phù tang. J-League 1 có 18 đội, J-League 2 có 22 đội, J-League 3 có 20 đội đều là những đội chuyên nghiệp. Trung bình khán giả đến sân một trận ở giải J-League 1 mùa bóng 2022 là 14.328 người. Có nghĩa các CLB có thể tự nuôi bằng các nguồn thu nhập.

Trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ, có hàng nghìn ngôi sao đầy triển vọng ở Nhật Bản đang được “thai nghén” trong các trường dạy bóng đá và các CLB liên quan ở “vương quốc bóng đá” Brazil. Sự phát triển của bóng đá học đường ở Nhật Bản rất sống động, một số lượng lớn các chuyên gia đào tạo trẻ bén rễ tại cơ sở, chuyên tâm đào tạo và giảng dạy phù hợp với năng khiếu của học sinh. Hàn Quốc không thể sánh được với Nhật Bản về mặt này. Hàn Quốc đã bị tụt lại so với Nhật Bản, trong tương lai, họ rất khó bắt kịp người láng giềng.

Highlights Nhật Bản 1-1 Croatia (pen: 1-3) Tuyển Nhật Bản dừng chân ở vòng 16 đội World Cup 2022 sau khi để thua 1-3 trước Croatia ở loạt luân lưu 11 m.

Những cuốn sách hay về thể thao

Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...

Highlights Brazil 4-1 Hàn Quốc Neymar và đồng đội tiến vào tứ kết World Cup 2022 sau chiến thắng đậm trước Hàn Quốc tại vòng 16 đội.

Neymar nhảy múa trước Hàn Quốc

Neymar có màn tái xuất ấn tượng tại World Cup 2022 sau khi góp công vào thắng lợi 4-1 của Brazil trước Hàn Quốc ở vòng 16 đội World Cup 2022 rạng sáng 6/12 (giờ Hà Nội).

Vì sao Brazil thắng dễ Hàn Quốc?

Hàn Quốc mắc sai lầm khó tha thứ trước Brazil khi chưa đánh giá hết sự linh hoạt và thực dụng của đối thủ trong thất bại 1-4 ở tứ kết World Cup rạng sáng 6/12 (giờ Hà Nội).

HLV Hàn Quốc từ chức sau trận thua Brazil

Ông Paulo Bento rút lui khỏi vị trí thuyền trưởng tuyển Hàn Quốc sau thất bại 1-4 trước Brazil tại World Cup rạng sáng 6/12 (giờ Hà Nội).

Vu khi giup Croatia ha Nhat Ban hinh anh

Vũ khí giúp Croatia hạ Nhật Bản

0

Trước Nhật Bản, tuyển Croatia có nhiều sự thay đổi so với trận chung kết World Cup 2018. Đương kim Á quân tới Qatar với một thế hệ cầu thủ mới nhưng ý chí và tinh thần không đổi.

Chính Phong

Bạn có thể quan tâm