Nếu chỉ nhìn vào các chỉ số, ai cũng sẽ nghĩ rằng đây là một trận đấu cân bằng, thậm chí Đức có phần nhỉnh hơn. Thomas Muller và các đồng đội vượt trội về thời lượng kiểm soát bóng (58-42%), tổng số cú sút (10-4), phạt góc (5-3), tạt bóng (25-5)…
Nhưng trên thực tế, Đức thua một trận toàn diện và Pháp luôn nắm quyền kiểm soát thế trận trong suốt gần 100 phút thi đấu. Lý do của sự trái ngược này là cách tiếp cận trận đấu hoàn toàn khác biệt của hai đội.
Pháp sở hữu hàng loạt ngôi sao tấn công đẳng cấp thế giới như Kylian Mbappe, Antoine Griezmann, Karim Benzema và Paul Pogba. Nhưng HLV Didier Deschamps vẫn lựa chọn phương án an toàn, dựa trên nền tảng phòng ngự chặt chẽ và phản công thần tốc.
Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) của Đức là 1,26. Thông số này của tuyển Pháp là 0,29. So sánh là vậy, nhưng ở trận đại chiến của bảng F, Pháp vượt trội hoàn toàn Đức. Ảnh: Reuters. |
Tường thành Pháp
Ngoại trừ những phút đầu tiên, các cầu thủ Pháp hiếm khi pressing tầm cao. Họ để cho Hummels, Toni Kroos và Ilkay Gundogan thoải mái triển khai bóng ở sân nhà tuyển Đức và khu vực giữa sân. Tuy nhiên, khi các cầu thủ Đức đưa bóng tới gần khu vực cấm địa của Pháp, họ vấp phải một bức tường thành không thể xuyên phá.
Paul Pogba, N’golo Kante, Adrien Rabiot, Raphael Varane và Presnel Kimpembe - với thể hình và thể lực vượt trội - dễ dàng gây sức ép và cướp bóng từ chân các cầu thủ Đức, rồi lập tức chuyền bóng lên tuyến trên để phản công nhanh.
Kroos và Gundogan có rất nhiều thời giam cầm bóng, nhưng không thể tìm ra khoảng trống cần thiết để chuyền bóng cho các tiền đạo Đức. Kroos vẫn chơi tốt, anh thể hiện sự quyết liệt và phân phối bóng hiệu quả ra hai cánh, nhưng chừng đó là không đủ. Trong khi đó, Gundogan thường xuyên chuyền hỏng (đặc biệt trong hiệp một), và còn bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi của tuyển Đức.
Trước Euro 2020, nhiều chuyên gia bóng đá Đức lên tiếng cảnh báo về độ hiệu quả của cặp tiền vệ trung tâm Kroos - Gundogan. Họ là những ngôi sao đẳng cấp thế giới, nhưng đều là những nhà tổ chức và cần một tiền vệ phòng ngự đích thực bên cạnh để đạt hiệu quả cao nhất.
Một mình Kroos là không đủ để gánh tuyến giữa của tuyển Đức. Ảnh: Reuters. |
Tại Real Madrid, Kroos có Casemiro. Ở Manchester City, Gundogan có Rodri hoặc Fernandinho. Trước Pháp, tiền vệ phòng ngự số một của Đức là Joshua Kimmich bị điều sang cánh phải. Đức thất thế trong cuộc chiến giữa sân là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng đó không phải là sai lầm chiến thuật duy nhất của HLV Joachim Loew.
Đội hình 3-4-3 cũng là một nước cờ lệch lạc của ông Loew. Phần lớn câu lạc bộ ở Bundesliga vẫn sử dụng đội hình 4-2-3-1, do đó các cầu thủ Đức không dễ thích nghi với sơ đồ 3-4-3 trong quãng thời gian quá ngắn. Với đội hình này, Đức mất một cầu thủ trấn giữa sân, trong khi không có tiền đạo cánh thực sự, qua đó không thể thực hiện được miếng đánh chồng cánh.
Tuyển Đức là hổ không nanh
Hai cầu thủ chạy cánh của Đức cũng chơi khá tệ trong trận đấu này. Robin Gosens tỏ ra rất lóng ngóng, thường xuyên chuyền sai địa chỉ. Kimmich sau một thời gian dài đá tiền vệ trung tâm đã không còn thích ứng được với vị trí cánh phải.
Bản thân anh (Kimmich - PV) cũng không phải là mẫu cầu thủ có khả năng đột phá tốc độ bên cánh để chơi như một wing-back thực thụ. Các cầu thủ đá cánh của Đức tạt bóng rất nhiều (25 lần) và chỉ một lần duy nhất Gosens đưa bóng đến chân Gnabry, nhưng cầu thủ của Bayern Munich bỏ lỡ cơ hội ngon ăn.
Vấn đề lớn cuối cùng của tuyển Đức nằm ở hàng công, và đây là bài toán ông Loew không thể giải được. Ba tiền đạo Kai Havertz, Thomas Muller và Serge Gnabry thiếu sự ăn ý cần thiết, luôn tỏ ra đơn độc trước những cầu thủ Pháp cao to. Đặc biệt Havertz tỏ ra thiếu tự tin, liên tục khống chế bóng hỏng.
Không ai trong số họ là một trung phong (central striker) thực thụ. Hàng công Đức thiếu một cầu thủ làm tường (target man), do đó trở nên đơn điệu, dễ đoán khi hàng tiền vệ không hoạt động hiệu quả.
Muller chơi tuyệt vời ở Bayern Munich hai mùa giải qua, nhưng anh là mẫu tiền đạo lùi, chỉ có thể phát huy hiệu quả tối đa khi chơi sau một trung phong. Không có một đối tác ăn ý, ngôi sao này trở nên mờ nhạt.
Tuyển Đức còn thiếu một trung phong cắm đẳng cấp. Ảnh: Reuters. |
Tuyển Đức khi đối đầu với Pháp giống như một cỗ xe tăng di chuyển chậm chạm và không có đạn pháo, một con hổ non không có móng vuốt. Do đó, chỉ thua một bàn trước Pháp cũng đã là một thành công của Đức. Nếu HLV Deschamps “máu” hơn, “chơi liều” hơn, có lẽ Pháp thừa sức giã cho Đức thêm vài bàn.
Nhưng với Pháp, chỉ một đã là đủ an toàn xét theo những gì tuyển Đức thể hiện. Nếu HLV Loew không tìm cách giải được những khúc mắc chiến thuật, đội bóng của ông sẽ đối mặt với vô số hiểm nguy trong trận đối đầu Bồ Đào Nha, sở hữu Cristiano Ronaldo xuất chúng. Mà Bồ Đào Nha đâu chỉ có một mình CR7. Đó là đội bóng sở hữu rất nhiều tài năng đẳng cấp thế giới, mạnh chẳng kém gì Pháp.
Có lẽ các cổ động viên Đức sẽ phải chờ đến sau Euro 2020 khi ông Loew ra đi, HLV Hansi Flick tiếp quản để chứng kiến một sự thay đổi nào đó. Ông Loew đã bất lực suốt ba năm qua (kể từ World Cup 2018) thì chẳng có gì để tin rằng nhà cầm quân này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực trong vài ngày tới.