Theo một ISP trong nước, sự cố diễn ra vào lúc 6h30 ngày 27/2, cách Hong Kong 125 km. Thời gian khắc phục sự cố chưa được xác định.
Ngay sau khi phát hiện, các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước đã định tuyến lưu lượng kênh quốc tế sang các hướng cáp dự phòng, lân cận như AAE-1, SMW-3 và tuyến cáp quốc tế chạy trên đất liền CSC... để bù vào lưu lượng bị sụt giảm.
Nói với Zing.vn, Viettel cho biết nhà mạng này không ảnh hưởng nhiều do khai thác chủ yếu qua tuyến khác, đồng thời tuyến APG nhánh đi Singapore vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, VNPT đã kịp thời chuyển hướng để không ảnh hưởng đến khách hàng.
Tuyến cáp APG các nước đang khai thác, trong đó có Việt Nam. |
APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển có lưu lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á, băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Hiện các nhà mạng đang khai thác ở mức 4 Tbps. Tuyến cáp này có chiều dài 10.400 km, đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, đi qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, các ISP trong nước đang khai thác chủ yếu qua tuyến AAG, APG và IA, AAE-1... Do có nhiều hướng kết nối, các nhà cung cấp dịch vụ Internet thường chia nhỏ lưu lượng ra để dàn trải trên nhiều tuyến cáp, tránh phụ thuộc vào một tuyến nhất định.
Đây là lần thứ 3 trong năm Internet đi quốc tế tại Việt Nam bị ảnh hưởng. Ngày 5/1, APG thông báo di dời phân đoạn cập bờ ở Singapore từ 0h ngày 6/1 đến 22h ngày 7/1 để phục vụ việc mở rộng sân bay Changi. Cùng lúc với việc di dời tuyến cáp APG, tuyến AAG cũng được cấu hình lại nguồn từ ngày 6/1-9/1. Đây có thể xem như 2 lần ngắt kết nối chủ động, không phải sự cố.
Trong năm 2017, tuyến cáp AAG 5 lần đứt kết nối. Tuyến APG gặp số 2 lần. Tuyến Liên Á (IA) và SMW-3 hỏng 1 lần. Đặc biệt, đêm 27/8/2017, đồng loạt cả ba tuyến AAG, IA và SMW-3 gặp sự cố mất kết nối.