Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

Chiều tối 15/9, sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

1
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ảnh: Reuters

Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã đề cập cụ thể những định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước. Trong đó, hai bên khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau; có nhiều lợi ích cơ bản tương đồng; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia.

Việt Nam khẳng định, Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài; Nhật Bản khẳng định coi trọng vị trí của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng đã nêu rõ: Xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhau, hai bên chia sẻ mong muốn kết nối hai nền kinh tế phát triển bền vững lâu dài, với trọng tâm là kết nối chiến lược phát triển kinh tế, năng lực sản xuất và nguồn nhân lực trên nguyên tắc bổ sung, tương trợ lẫn nhau và cùng có lợi.

Về kết nối năng lực sản xuất, hai bên nhất trí, tăng cường hợp tác phát triển, kết hợp chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghệ cao; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, điện tử, thông tin và truyền thông, dịch vụ bưu chính; thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, trong đó khuyến khích hợp tác đối tác công tư (PPP); thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo, xây dựng và phát triển các khu công nghiệp lớn của Việt Nam; thúc đẩy môi trường kinh doanh sáng tạo thông qua hợp tác về sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Về kết nối nguồn nhân lực, hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để triển khai hiệu quả Chương trình chiến lược về hợp tác giáo dục 2014. Nhật Bản cam kết hỗ trợ nâng cấp một số trường đại học và trường dạy nghề chất lượng cao, tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý, thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam.

Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều và dòng đầu tư vào năm 2020.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng đề cập đến những lĩnh vực cụ thể để Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Hai bên bày tỏ quyết tâm phối hợp chặt chẽ với nhau và với các thành viên tham gia khác để sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Liên kết Kinh tế Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp đảo và xây dựng công sự quy mô lớn. Hai bên nhấn mạnh các quốc gia ven biển cần tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế những hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng; đồng thời, thúc giục các bên liên quan không có hành động đơn phương làm phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật đi vào chiều sâu

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 16/9, tại Tokyo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Tổng Thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản Sadakazu Tanigaki.

Nhật Bản nồng nhiệt đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thủ tướng Shinzo Abe tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức cấp cao nhân chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản của nhà lãnh đạo Việt Nam.

http://vtv.vn/chinh-tri/tuyen-bo-ve-tam-nhin-chung-quan-he-viet-nam-nhat-ban-20150916040746805.htm

Theo Phương Mai - Chu Tuấn/VTV

Bạn có thể quan tâm