Theo tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hôm 12/6, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tái xác nhận cam kết "phi hạt nhân hóa toàn diện bán đảo Triều Tiên", như tuyên bố chung mà Seoul và Bình Nhưỡng ký hồi cuối tháng 4.
Văn kiện được ông Trump và ông Kim ký vào cuối cuộc gặp tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa cũng cho biết hai bên sẽ "cùng nỗ lực xây dựng một chế độ ổn định và hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên".
Nhà Trắng vẫn chưa công bố văn bản nhưng truyền thông đã "soi" nội dung của tuyên bố chung này qua những hình ảnh được chụp lại.
Hai nhà lãnh đạo bắt tay sau lễ ký tuyên bố chung. Ảnh: Straits Times |
Tuyên bố chung nêu lên 4 cam kết. Ngoài 2 điều như đã nói ở trên, văn kiện cho hay hai bên "cam kết thiết lập quan hệ Mỹ - Triều mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng".
Hai nước cũng sẽ truy tìm hài cốt tù nhân chiến tranh, bao gồm việc đưa những người đã được nhận dạng về nước ngay lập tức.
CNN bình luận rằng nội dung của tuyên bố này về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tương tự Tuyên bố Bàn Môn Điếm mà ông Kim và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã ký tại hội nghị thượng đỉnh hôm 27/4.
Trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hai lãnh đạo Hàn - Triều "xác nhận mục tiêu chung là hiện thực hóa một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện".
Ông Trump cầm văn bản được ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
Khi được hỏi tại lễ ký rằng Triều Tiên đã đồng ý phi hạt nhân hóa hay chưa, Tổng thống Trump nói: "Chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình đó rất nhanh chóng, rất, rất nhanh chóng. Chắc chắn vậy".
Trả lời Zing.vn, giáo sư Trương Bảo Huy, Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong, Trung Quốc) nói rằng tài liệu vừa được ký là một cam kết "khá mơ hồ".
Ông Trump nói cuộc gặp tốt hơn ông ấy trông đợi, nó cho thấy tổng thống Mỹ đang muốn tạo dựng cuộc gặp như một thành công sau chuyến đi G7 đầy rắc rối vừa qua.
"Đó là một thắng lợi ngoại giao cho Kim", ông Trương nói.
Ông cho rằng Kim đã tránh được việc phải có một thời gian biểu cho việc phi hạt nhân hóa. Mặt khác, nó kéo theo nguy cơ tổng thống Mỹ về sau có thể phải than phiền về iệc thiếu tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa và còn quá sớm để nói hội nghị thượng đỉnh đã thay đổi tình trạng quan hệ Mỹ - Triều.
Tuy nhiên, ông Trương cũng cho rằng "phản ứng hóa học" giữa Trump và Kim là khá tốt và có thể quan hệ song phương sẽ cải thiện sau sự kiện này.