Anh là đội bóng trẻ thứ ba tại giải Euro năm ngoái, chỉ sau Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng với công chúng xứ sở sương mù, vấn đề không phải tuổi tác, mà là những ý tưởng mới, mưu mẹo mới, mánh lới mới có thể đưa đội Anh vào sâu trong giải.
Năm ngoái là Grealish, bây giờ là Maddison
Thành công tại World Cup 2018 ít nhiều là may mắn của HLV Gareth Southgate khi đội bóng của ông ít được kỳ vọng, ít chịu sức ép, lọt vào nhánh bắt thăm dễ thở. Giải Euro năm ngoái, Southgate có những cầu thủ chất lượng hơn một chút, đã đi đến trận chung kết giải đấu.
Nhưng cảm tưởng của công chúng Anh về Southgate là ông luôn thận trọng, thiếu sáng tạo. Đội Anh đánh mất lợi thế dẫn bàn trước, thua ngược trong trận bán kết World Cup với Croatia và trận chung kết Euro với Italy. Họ thiếu bản năng sát thủ cũng như một “nhân tố X” để xoay chuyển thế trận.
James Maddison được công chúng Anh xem là "nhân tố X", có thể xoay chuyển cục diện trận đấu. Ảnh: Reuters. |
Mùa hè năm ngoái, tâm điểm của truyền thông Anh thật bất ngờ lại là Jack Grealish, không phải khi anh ký hợp đồng 100 triệu bảng chuyển đến Manchester City, mà là trước đó. Họ thúc giục ông Southgate phải gọi Grealish lên tuyển dự Euro. Và trong cả giải, họ lại thúc giục ông phải đưa Grealish vào sân.
Grealish không thật sự tạo ra điều kỳ diệu nào. Có lẽ vì anh được xuất hiện trên sân bóng không nhiều. Ở trận bán kết với Đan Mạch, Grealish được đưa vào sân thay Bukayo Saka phút thứ 70, rồi sau đó anh bị rút ra để nhường chỗ cho Kieran Trippier phút 105. Điều này cho thấy, Southgate rất thận trọng, ông sẵn sàng hy sinh các cầu thủ sáng tạo mỗi khi đánh hơi thấy sự bất trắc, mỗi khi cần sự an toàn.
Năm nay, truyền thông và công chúng Anh lại tiếp tục kêu gào Southgate phải gọi James Maddison lên tuyển. Thực ra, giống như năm ngoái với trường hợp Grealish, công chúng muốn đội bóng của Southgate chơi sáng tạo hơn, có thêm các “nhân tố X” để xoay chuyển thế trận.
Southgate đã chiều theo dư luận khi gọi Maddison. Trước đó, tiền đạo của Leicester City mới chỉ khoác áo tuyển Anh 1 trận, khi anh được tung vào sân phút 56 trong trận thắng Montenegro 7-0 cách đây 3 năm. Trận đấu khi đó đã an bài thắng thua. Southgate từng nhận định Maddison là mẫu cầu thủ số 10 điển hình, nhưng đội Anh chơi với hệ thống 4-3-3 nên Maddison không phù hợp với đội.
Nhưng 2 mùa bóng vừa qua, Maddison chủ yếu chơi tiền đạo lệch trái, lệch phải, tiền vệ trong hệ thống 4-3-3 của HLV Brendan Rodgers ở Leicester, giống như đội tuyển Anh. Và anh chơi đều tốt. Mùa trước, Maddison ghi 12 bàn và kiến tạo 8 bàn cho Leicester. Mùa này, chỉ sau 12 trận, anh đã có một nửa số đóng góp như của mùa trước.
Ở Premier League từ mùa trước đến đầu mùa này, chỉ có Harry Kane góp mặt trong nhiều pha ghi bàn, cả bàn thắng lẫn kiến tạo, nhiều hơn Maddison. Như vậy, Southgate không có lý do nào để lờ đi Maddison. Southgate nói: “Cậu ta hơi khác một chút so với các cầu thủ tấn công còn lại, và chúng tôi có lẽ sẽ cần sự khác biệt đó”.
Công chúng muốn thấy một đội tuyển Anh chơi sáng tạo hơn
Southgate nói là “có lẽ” thôi. Ông vẫn tin vào hệ thống và các gương mặt cũ. So với 26 cầu thủ dự Euro 2020, danh sách 26 cầu thủ đến Qatar chỉ có 7 cái tên mới. Những người này không đóng vai trò lớn: Maddison, Eric Dier, Alexander Arnold, Conor Gallagher, Calum Wilson, hai thủ môn dự bị Nick Pope, Aaron Ramsdale.
Phía trên, chỉ có 2 vị trí tấn công bên cạnh Kane. Nếu Saka và Raheem Sterling, mỗi người chiếm một chỗ thì Phil Foden, Mason Mount, Marcus Rashford, Grealish và Maddison sẽ phải ngồi chờ. Cơ hội đến với ai mà người đó nắm bắt được, thì anh ta sẽ được trọng dụng lâu dài. Rồi có lẽ, Southgate cũng sẽ bị chỉ trích bởi không dùng Maddison, không tin tưởng anh, bởi thứ bóng đá buồn tẻ, bảo thủ, khá tiêu cực.
Các CĐV Anh muốn HLV Gareth Southgate sử dụng nhiều cầu thủ sáng tạo như Jack Grealish hơn. Ảnh: Reuters. |
Sự thận trọng trong đấu pháp của Southgate là một phần nguyên nhân khiến ta thấy Saka và Foden chơi hay ở CLB của họ mà không khẳng định được dấu ấn trong màu áo đội Anh, Arnold, Grealish, Rashford vẫn là những bí ẩn đối với chiếc áo Tam Sư. Một năm qua, trong các gương mặt mới, chỉ có Jude Bellingham thực sự hòa nhập được hẳn vào lối chơi ông Southgate xây dựng trong đội Anh.
Foden, Mount, Rashford, Grealish và Maddison đều là các cầu thủ sở trường ở việc tụt xuống giữa các tuyến để hoạt động, khiến cho đối thủ rối loạn, thật tiếc nếu Southgate không để 1 hoặc 2 cầu thủ kể trên thường xuyên có mặt trên sân. Mỗi trận được thay 5 cầu thủ, Southgate cần sử dụng luân chuyển các cầu thủ này thật nhiều ở vòng bảng, họ mới tích lũy đủ hứng khởi, sự hòa nhập với các đồng đội khác, để rồi trở thành “nhân tố X” ở các vòng đấu loại trực tiếp, khi họ gặp các đội bóng rắn mặt hơn.
Trong các trận giao hữu và tranh giải Nations League nửa đầu năm nay, Southgate cố gắng dùng hệ thống 4-3-3 nhiều, nhưng không mấy khả quan. Đến 2 trận gặp Italy và Đức hồi tháng 9/2022, ông quay lại với hệ thống 3-4-3. Hệ thống 4-3-3 hoặc có thể là 4-2-3-1 cho phép có thêm một cầu thủ tấn công, bóng phát triển theo chiều dọc tốt, Kane được tạo cho nhiều cơ hội hơn so với hệ thống 3-4-3.
Đồng ý là hệ thống 3-4-3 là có an toàn hơn, Anh có thể sử dụng vào giai đoạn trong, khi gặp các đối thủ có hàng công đẳng cấp bậc nhất. Nhưng liệu Southgate có nhất thiết cứ phải sử dụng hệ thống 3-4-3 ở vòng bảng, trước các đối thủ có khả năng kém xa họ như Iran, Mỹ, Wales? Chờ đợi Southgate dùng 4-3-3 với nhiều cầu thủ sáng tạo khi đấu với Iran tối nay.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...