Ông Phạm Trường Long (trái) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Carter ở Lầu Năm Góc ngày 11/6. Ảnh: AFP |
Hôm qua, người phát ngôn Lầu Năm Góc Steven Warren cho biết, không giống như những chuyến thăm Mỹ trước đây của giới chức quân đội cấp cao Trung Quốc, chuyến thăm của tướng Phạm Trường Long không có họp báo chung do đoàn Bắc Kinh không muốn báo chí đưa tin.
“Phía Trung Quốc yêu cầu không muốn truyền thông chú ý nhiều đến chuyến đi này”, ông Warren khẳng định.
Bên kêu gọi, bên bịt tai
Theo Reuters, trong cuộc gặp ở Lầu Năm Góc ngày 11/6 với phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Phạm Trường Long, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh dừng việc xây dựng, bồi đắp đảo ở Biển Đông.
Bộ trưởng Carter đã lặp lại rằng, Washington vẫn có nhiều quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh các bên cần theo đuổi giải pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.
Theo AFP, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện chương trình “cải tạo, bồi đắp” hàng loạt ở các bãi cạn, bãi đá ngầm và san hô trong khu vực Biển Đông.
Washington cũng nói những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các “đảo nhân tạo” này có thể sẽ dẫn đến tình trạng quân sự hóa trong khu vực. Mỹ khẳng định không công nhận chủ quyền của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp này.
Đáp lại lời kêu gọi này, trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Phạm Trường Long cho rằng “Bắc Kinh có quyền xây dựng trên phần lãnh thổ của mình” và triển khai các lực lượng chức năng đến đó. Trang web còn nói rằng viên tướng này cũng đề nghị Mỹ dừng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông.
Trong khi đó, bà Ngô Tỉ, phó đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, cho rằng Washington và Bắc Kinh không nên giải quyết những bất đồng liên quan đến các vấn đề Biển Đông bằng “ngoại giao micro”, mà giải quyết theo cách riêng để đảm bảo cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới được thành công mỹ mãn.
Không dừng tay
Tạp chí Financial Times ngày 12/6 cho biết Tập đoàn xây dựng hạ tầng nạo vét (CCCC) của Trung Quốc đang là doanh nghiệp thực hiện các công đoạn đào bới, xây dựng trái phép ở các bãi cạn, bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh vệ tinh do tạp chí IHS Jane’s cung cấp cho thấy Công ty nạo vét Thiên Tân, công ty con của CCCC, đang điều hành phần lớn hoạt động đào bới cát từ nền biển và san lấp chúng lên các bãi san hô, bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Công ty này đã điều nhiều tàu đến khu vực các bãi trên, trong đó có tàu nạo vét lớn nhất châu Á là Thiên Kình dài 127 m. Chiếc tàu này có thể rút khoảng 4.500 m3 cát và đá mỗi giờ.
Từ tháng 9/2013, chiếc tàu này đã nhiều lần lảng vảng ở nhiều khu vực trong quần đảo Trường Sa.
"Đây là một công cụ nạo vét tốc độ cao. Thời gian đang là vấn đề lớn nhất của Bắc Kinh hiện nay, giới chức nước này không chừa phút giây nào nhằm cố xây nhanh các đảo nhân tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng rồi đưa dân đến ở”, biên tập của tờ IHS Jane’s ở châu Á, James Hardy nhấn mạnh.
Trong khi đó, hôm qua Manila cho công chiếu bộ phim tài liệu Karapatan sa Dagat, hay còn gọi là Quyền lợi hàng hải. Bộ phim gồm ba phần nói lên lập trường của Philippines trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Kênh truyền hình GMA của Philippines cho biết bộ phim này được tung ra nhằm đối trọng lại loạt phim Hành trình trên Biển Đông gồm tám phần mà truyền hình trung ương Trung Quốc công chiếu năm 2013 về cái mà Bắc Kinh gọi là “tuyên bố đường chín đoạn”.
“Mục đích của chúng tôi là thông báo đến nhân dân Philippines và mong tập hợp sự ủng hộ của người dân đứng sau chính sách, hành động của Chính phủ Philippines”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh.
Truyền thông Philippines cho biết bộ phim tài liệu này được tung ra nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn nhiều hơn nữa của người dân đối với vụ kiện mà chính phủ nước này đang tiến hành, chống lại việc Trung Quốc đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Theo ông Jose, Manila cũng đang lên kế hoạch phát hành một ấn phẩm truyện tranh nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền cho người dân.
Australia tuần tra ở Biển Đông
Báo The Australian dẫn lời phó đô đốc hải quân Úc David Johnston khẳng định máy bay và tàu của Australia vẫn đang tuần tra ở Biển Đông.
Ông nhấn mạnh đây là “một phần trong các hoạt động thường lệ” của nước này nhiều năm qua. Lực lượng quốc phòng Australia cũng vừa kết thúc 10 ngày tập trận, trong đó có phần diễn tập ở Biển Đông với hải quân Malaysia và Singapore.
Bình luận trên được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Julie Bishop phát biểu trước Viện Lowy rằng, Australia sẽ phản đối nếu Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Canberra cũng đang quan ngại Bắc Kinh sẽ đưa vũ khí hạng nặng đến các “đảo nhân tạo” mà nước này đang xây dựng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông trước khi tuyên bố ADIZ.