Khi Trần Xuân Tú đăng ký tham dự "cao khảo" dành cho người lớn, cô bất ngờ phát hiện cô đã có bằng cấp. Cô giáo mẫu giáo 36 tuổi ở tỉnh Sơn Đông đã từ bỏ con đường học vấn vào năm 2004 sau khi tham dự "cao khảo", kỳ thi tuyển sinh đại học đáng sợ ở Trung Quốc. Dù đạt được điểm số đáng nể, cô vẫn "rớt".
Năm nay, khi cô yêu cầu Đại học Công nghệ Sơn Đông giải thích vì sao hồ sơ của họ liệt kê cô là cựu sinh viên, câu trả lời là một cú sốc. Nhà trường kết luận rằng một phụ nữ trẻ khác cùng họ nhưng điểm thấp hơn nhiều đã cấu kết với giáo viên và cán bộ địa phương để lấy được giấy báo nhập học lẽ ra phải được gửi cho cô Trần.
Người phụ nữ này đã "đóng giả" cô Trần để đi học và lấy được bằng cấp. Sau đó, người này dùng bằng cấp có được để xin vào làm tại một cơ quan nhà nước.
Trần Xuân Tú (phải) và người mạo danh cô tại trường đại học. Ảnh: Beijing News. |
"Phần nổi của tảng băng trôi"
Câu chuyện về cô Trần đã gây xôn xao trước kỳ "cao khảo" năm nay, diễn ra vào ngày 7 và 8/7 (bị hoãn lại một tháng vì đại dịch). Một số người ở cùng tỉnh có khiếu nại tương tự.
Một tờ báo cho biết việc xem xét hồ sơ sinh viên ở Sơn Đông đã phát hiện hơn 240 trường hợp mạo danh tại 14 trường đại học (các quan chức cho biết số này bao gồm cả những người đi học vài năm trước, và một số sinh viên bị mạo danh đã cố tình bán "vị trí" của họ cho người khác).
Cuối tháng 6, một bài xã luận trên China Daily, báo của chính phủ, cảnh báo rằng các vụ lừa đảo được tiết lộ ở Sơn Đông có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi" và có thể còn nhiều trường hợp khác xảy ra ở nơi khác.
10 triệu học sinh tham gia "cao khảo" năm nay vốn đã có rất nhiều thứ phải lo lắng. Rất ít người sẽ có cơ hội thứ hai đậu vào một trong những trường đại học thuộc top trên ở Trung Quốc, điều kiện tiên quyết để có được nhiều trong số những công việc tốt ở nước này.
Nhiều học sinh đã không thể đến lớp suốt 12 tuần vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Mặc dù hầu hết đã trở lại trường từ cuối tháng 4, họ vẫn lo lắng về việc trường học bị đóng cửa một lần nữa vì những đợt bùng phát cục bộ.
Những người tổ chức kỳ thi đang cố gắng trấn an thi sinh rằng sẽ không có chuyện bị lây nhiễm virus trong phòng thi. Tất cả giám thị phải đeo khẩu trang, cũng như học sinh dự thi tại các khu vực vẫn được coi là có nguy cơ trung bình hoặc cao ở Trung Quốc.
Mỗi điểm thi sẽ có không gian cách ly cho thí sinh có các triệu chứng nhiễm virus corona trong khi kỳ thi diễn ra.
Một điểm thi đại học tại tỉnh Cát Lâm hôm 7/7. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Anh và nhiều quốc gia khác đã hủy các kỳ thi chung quan trọng nhất của họ trong năm nay, thay vào đó, tuyển chọn theo thành tích của học sinh trước đại dịch.
Các quan chức Trung Quốc với lo ngại về sức khỏe tâm thần của họ sinh đã yêu cầu các trường không tổ chức một số kỳ thi cuối năm ít quan trọng hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, hầu như không ai nghi ngờ chuyện kỳ thi "cao khảo" vẫn sẽ diễn ra, như mọi năm kể từ khi nhà nước Trung Quốc mới ra đời năm 1949 (trừ giai đoạn Cách mạng Văn hóa 1966-1976).
Bất bình đẳng
Đối với hầu hết trường đại học tại Trung Quốc, điểm số "cao khảo" là thước đo duy nhất về khả năng của học sinh. Mặc dù áp lực mà hệ thống gây ra cho học sinh, kỳ thi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng bởi, xem đây là cơ hội cho người tài. Về lý thuyết, một người có gia cảnh nghèo khó nhất vẫn có thể đổi đời nhờ kỳ thi.
Thế nhưng, kỳ thi không chỉ bị hủy hoại bởi những mánh khóe bẩn thỉu như trong vụ việc cô Trần. Các trường ở nông thôn được chi ít tiền hơn nhiều so với ở thành thị. Nhiều học sinh ở nông thôn đã bỏ học rất lâu trước khi họ có cơ hội thi "cao khảo".
Ngay cả những thí sinh nông thôn có thể dự thi cũng bị thiệt thòi. Các trường đại học tốt của Trung Quốc nằm tại các thành phố giàu có, và được phép tuyển sinh một số lượng không tương xứng các học sinh sống gần đó.
Covid-19 có thể gây ra sự bất công thậm chí còn lớn hơn. Việc học qua mạng ở các vùng quê nghèo của Trung Quốc dường như kém hiệu quả hơn ở các thành phố, một phần vì khả năng truy cập máy tính bị hạn chế.
Và bởi vì chính thứ hạng của thí sinh so với người khác, thay vì bản thân điểm số của các em, được sử dụng để quyết định ai đậu ai rớt, việc trì hoãn "cao khảo" một tháng trong năm nay là thuận lợi cho người này nhưng cũng là bất lợi đối với người khác. Một số học sinh có thời gian học thêm. Một số khác lại vướng phải rào cản do các biện pháp hạn chế trong dịch bệnh khiến họ không thể tận dụng tốt thời gian này.
Thí sinh dự thi cao khảo tại tỉnh Quý Châu hôm 7/7. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Chính phủ Trung Quốc đã nhận ra những bất bình đẳng này và nhiều vấn đề khác. Từ lâu, người ta lo lắng rằng việc học vẹt không tạo ra những người sáng tạo hay có đầu óc kinh doanh, nhưng họ cũng tin rằng các hình thức đánh giá chủ quan hơn sẽ khiến người ta dễ giở mánh lới hơn.
Ngay cả trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên tốt nghiệp đại học vẫn cao. Thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra sẽ khiến cho việc có được suất tại một trường đại học tốt để có cơ hội tìm được công việc tốt càng trở nên quan trọng.
Chính phủ cũng sẽ phải chịu áp lực lớn hơn trong việc ngăn chặn các hình thức gian lận trắng trợn nhất. Năm ngoái, chính phủ khuyến khích các quan chức làm tốt hơn việc phát hiện những người đi cửa sau để con cái họ có thể tham gia kỳ thi ở những nơi mà chỉ tiêu đặt ra khiến việc cạnh tranh vào các trường đại học tốt bớt khốc liệt hơn một chút.
Năm nay, Trung Quốc cũng thắt chặt các quy định về tuyển sinh đại học đối với sinh viên nước ngoài. Mục đích là để ngăn chặn người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu nước ngoài mà con cái họ có được để đi đường dễ hơn dành cho du học sinh muốn theo học tại Trung Quốc.
Đầu tháng 7, các quan chức ở tỉnh Sơn Đông cho biết họ đã có hành động pháp lý đối với hơn 60 người liên quan đến ba vụ trộm cắp danh tính, trong đó có vụ do cô Trần trình báo. Trường đại học mà cô lẽ ra được theo học cho biết sẽ cố gắng giúp cô nhập học, 16 năm sau khi cơ hội của cô bị đánh cắp.