Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Pháp: 'Ông Đề Thám vượt hơn hẳn chúng tôi'

Tướng Lyautey H. đã bình định xứ Maroc, tướng Gallieni J. đã cứu Paris. Họ cũng từng chiến đấu với Đề Thám, nhưng chẳng động được đến một sợi tóc của ông.

Ky niem thoi tho au anh 1

Hoàng Thị Thế 4-5 tuổi trong vòng tay cha và những người con của anh trai Cả Trọng và người lính cai.

Những năm tôi đã trưởng thành. Những năm của một thiếu nữ Việt Nam, người con của đất rừng Yên Thế đang sống xa Tổ quốc - quê hương.

Biết bao những cuộc tiếp xúc, biết bao những bữa ăn và những cuộc đi đây, đi đó ở nước Pháp và các nước Âu Tây. Và không lâu, nhiều người ở bên Pháp đã biết tôi, bởi họ biết cha tôi và cuộc đề kháng ở Yên Thế từ lâu.

Họ đến để chiêm ngưỡng giọt máu của Đề Thám - bà Ba Cẩn và rất nhiều cựu binh, quan lại Pháp ở Đông Dương về, ôn lại những kỷ niệm đẫm máu khó phai mờ.

Một người Pháp kể:

- Có lần, ở chợ Nhã Nam, ông Đề Thám cải trang thành nông dân. Ông ta vào một nhà thì cảm thấy bị lộ mặt. Chúng tôi ngỡ chỉ có ba, bốn người đi hầu theo chủ tướng, nên mới cho bao vây ngôi nhà để bắt ông ta. Tưởng rằng chúng tôi bao vây ông ta nhưng quân lính của ông ta đã bao vây ở sau lưng bởi vì quá nửa chợ là đồng đảng của ông ta.

Họ giết chết những kẻ định bắt Đề Thám với đồng đảng. Họ định giết ông thiếu úy X và ông kỹ sư Y và họ khử hai ông này rồi bởi vì hai ông này là nhân chứng và có bằng chứng để nói rằng, chính Đề Thám và đồng đảng đã bóc đường hỏa xa ban đêm.

Ông ta còn ở Yên Thế thì chẳng có cách nào bắc được đường hỏa xa tới Vân Nam phủ. Với các vị “khó chơi” ấy, chúng tôi đi thì chỉ biết mình đi, chứ chẳng biết bao giờ trở về được. Đề Thám chẳng ngốc chút nào. Ông ta biết là nếu có phương tiện giao thông, võ khí đạn dược sẽ chở đến dễ dàng và việc trấn áp sẽ nhanh chóng hơn.

Cha cô là một người cừ khôi. Tôi tiếc là không đến được nhà cô để nói chuyện.

Cùng đi với nhà văn Jules Romain, nhà báo Pierre Mille đến thăm tôi, còn có một võ quan hải quân đi theo sau.

- Kia kìa, cô Hoàng Thị Thế kia kìa. Tôi đã bảo có cô ta ở đây mà lại. Đây là cô gái Paris của những cô gái Paris.

- Rất hân hạnh, chào cô. Tôi đã nghe danh ông thân cô. Một người thật phi thường xuất chúng.

Người ta nói là có lúc ông ta có thể tàng hình được, có đúng không?

- Ôi chao! Ông kỳ cựu của biển cả ơi, ông hãy kể chuyện về cha cô Thế cho chúng tôi nghe đi! - Một vài người khách đồng thanh kêu lên.

- Lúc tôi 19 tuổi thì người ta gọi tôi đi nghĩa vụ quân sự. Tính tôi lại vốn thích phiêu lưu, tôi muốn vào hải quân để được đi du lịch. Người ta cho tôi xuống tàu đi Bắc Kỳ. Tàu cập bến Hải Phòng. Mấy hôm sau thì người ta đem đến số thương binh điều dưỡng bị thương ở Yên Thế, trong cuộc chiến tranh với Đề Thám. Có chừng 150 người, tất cả đều là hạ sĩ quan và binh sĩ, chỉ có hai võ quan. Phần đều bị thương ở cánh tay phải.

Một võ quan cũng bị thương ở cánh tay phải nói với chúng tôi: “Lần này bọn tôi gặp chính Đề Thám, chứ không phải em trai ông ta là Cõn. Nếu gặp những vị này, ắt hẳn chúng đã giết chúng tôi rồi. Bị thương ở cánh tay phải, ấy là Đề Thám đấy, ông ta có kiểu bắn như vậy, trúng vô cùng. Nàng Ba của ông ta cũng thế. Lính khố xanh, khố đỏ, lính dõng, hễ họ nhận ra rằng đây là Đề Thám với nàng vợ Ba, tức thì họ đều bắn chỉ thiên ráo cả. Và khi chúng tôi ra lệnh thì họ lấm lét nhìn chúng tôi, thành thử chúng tôi buộc lòng phải giết hai lính bản xứ để cho họ sợ, phải tuân lệnh. Chúng tôi phải hét lên là chính chúng tôi trả lương cho họ, chứ không phải là Đề Thám - kẻ thù của chúng tôi - trả lương. Từ lúc đó trở đi, họ liền bỏ trốn, vợi mất một nửa số quân. Như vậy, anh muốn ta thắng sao được Hoàng Hoa Thám?

Tướng Liên-tê [Lyautey H.] đã bình định xứ Ma-rốc, tướng Ga-li-ê-ni [Gallieni J.] đã cứu Paris. Tới Đông Dương, ở cuộc chiến tranh Bắc Kỳ họ lại cũng chỉ như mọi người khác thôi. Họ cũng như chúng tôi, đã chiến đấu với Đề Thám, rồi lại cũng như chúng tôi xuống tàu về Pháp, mà chẳng động được đến một sợi tóc của Đề Thám. Cố nhiên, khi ta may mắn gặp Đề Thám thì ta vẫn còn được sống, nhưng anh sẽ cầm chắc trong tay cái bại trận, bởi vì số cựu binh, là số có thể giúp chúng ta thì họ đều bỏ trốn. Ai cũng nhận ra các đường bắn của Đề Thám.

- Nhưng như vậy, Đề Thám là một người tốt.

- Ông ta bao giờ cũng là một người nhiều kinh nghiệm. Ông ta có cách làm cho mọi người nhận ra ông ta. Và khi lính bản xứ biết là gặp Đề Thám, thì kẻ run sợ, kẻ lại bỏ trốn. Thế là phần thắng vào tay Đề Thám một cách tự nhiên.

Tất cả mọi người đều kính cẩn nghe ông võ quan già kể chuyện, còn tôi thì giả tảng, lánh đi xa một chút.

Nhiều người mời tôi đến nhà chơi, thân ái và lịch sự. Tôi đã nhiều lần, thông qua những lần tiếp xúc ấy, chỉ ra rằng nếu cùng được giáo dục, cùng được ăn học, thì một cô gái Việt Nam cũng chẳng thua gì một cô gái Pháp: cũng thông minh, cũng linh lợi như nhau thôi.

Lại nói lần ông Ernest Quennec và Pôn Đu-me [Paul Doumer] đến thăm tôi. Paul Doumer từng thấy tôi hồi tôi mới sáu tháng và hồi năm 1927, tôi mới ở Việt Nam sang Pháp. Ông ta nói với tôi nhưng như nói một mình:

- Không có lòng độ lượng của cha cô thì Gallieni chẳng thể cứu được Paris. Chính là một cái mẹo của Đề Thám, một trong những mẹo của Đề Thám mà Gallieni học được mẹo ấy ở Đông Dương, trong khi chiến đấu với cha cô. Cả tôi nữa, nếu tôi được như thế này là do tôi được học rất nhiều... Còn chúng tôi, chúng tôi tự khoe mình là văn minh, đến đấy để dạy văn minh, lòng tốt, tính phong nhã, lịch sự, công lý cho dân bản xứ.

Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ. Chứ bọn tôi nếu bắt được Đề Thám trong tay mình, thì dù ông ta không có vũ khí, người ta cũng chẳng tha cho ông ta về đâu. Gọi là bài học thì đấy đúng là bài học dạy cho chúng tôi bởi là một người được gọi là giặc cướp.

Tôi liền cảm tạ, nói thật ra ông ta hơn chúng tôi. Ông Đề Thám đáp: “Được làm vua, thua làm giặc - Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên. Tôi bảo vệ đất nước của tôi. Tôi không muốn làm giặc. Ông lạ gì, người ta chiến đấu làm sao được nếu người ta không bêu xấu kẻ thù. Tôi cho rằng cái danh hiệu ấy khiến cho tôi thêm hãnh diện. Ta chớ nên câu nệ quá với những từ. Tôi chẳng bị phật lòng chút nào. Thà cứ ở địa vị như tôi thế này tôi còn thích hơn là ở vào địa vị của nhà vua…”.

Mà ông ta thì ở nhà tranh. Còn nhà vua thì ở lâu đài. Đề Thám, đấy. Đúng là một người ra người. Cái năm 1902, chắc cô chẳng biết.

Hoàng Thị Thế / Omegaplus - NXB Khoa học Xã hội

SÁCH HAY