Ai cũng có thể nhận thấy Windows Phone đang gặp vấn đề. Các số liệu nghiên cứu của IDC vào quý 2 cho thấy thị phần của Windows Phone đã giảm từ 3,4% vào đầu năm 2014 xuống còn 2,8% vào thời điểm kết thúc năm. Trong quý 3, doanh số Lumia tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng tất cả các quý trước đó lại đều chứng kiến mức sụt giảm lên tới 2 chữ số.
Niềm tin rằng Windows Phone có thể vươn lên để sánh vai cùng Android và iOS giờ đã tiêu tan. Những người bi quan thậm chí còn cho rằng hệ điều hành di động của Microsoft sẽ sớm đi vào chỗ chết.
Hãy cùng nhìn lại các vấn đề tồi tệ nhất của Windows Phone trong suốt 1 năm u ám vừa qua và nhận định liệu Microsoft có thể tìm được cách giúp cho Windows Phone không phải chịu chung số phận với MeeGo và Windows RT hay không.
Vấn đề cốt lõi nhất: thiếu hụt ứng dụng
Có thể nói một cách gần như chắc chắn rằng, lý do Windows Phone không được lòng người dùng không phải là do chất lượng gia công điện thoại kém cỏi. Trái lại, từ phân khúc giá rẻ đến cao cấp, những chiếc Lumia vẫn luôn có chất lượng chế tác rất tốt: vừa tay, chắc chắn và hình thức đẹp, trẻ trung. Cấu hình thiếu hụt đã từng là một vấn đề nổi trội trên thế hệ Lumia 920, song nếu nhìn nhận một cách thực tế, người dùng khó có thể phàn nàn bất cứ một điều gì. Dù có cấu hình cũ kỹ (nếu so với tiêu chuẩn Android), Windows Phone vẫn luôn là một trải nghiệm mượt mà, chỉn chu hơn Android.
Nhưng chất lượng phần cứng và trải nghiệm hệ điều hành vẫn là chưa đủ.
Khi sử dụng smartphone hàng ngày, người dùng có thể dành tương đối nhiều thời gian cho các ứng dụng mặc định như Nhạc hoặc trình duyệt, song thực tế vẫn là khoảng 70% thời gian trên smartphone sẽ được dành cho Facebook, Viber, Instagram... Ứng dụng là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình sử dụng smartphone hàng ngày. Cho đến tận bây giờ, khi đã vươn lên đứng vững ở vị trí số 3 toàn cầu (thị phần của BlackBerry đã tụt xuống dưới mức 1%), Microsoft vẫn chưa thể giải quyết được bài toán ứng dụng cho Windows Phone.
Ứng dụng Facebook trên Windows Phone là do Microsoft tự chắp vá từ giao diện web của Facebook. |
Đây chính là khó khăn đã khiến cho Windows Phone ngày càng xuống dốc sau khi vươn lên khá mạnh mẽ vào năm 2013. Dù sở hữu tới hàng trăm nghìn ứng dụng nhưng hệ điều hành di động của Microsoft vẫn thiếu các tên tuổi quan trọng nhất: Google công khai từ chối phát triển ứng dụng cho Windows Phone, Facebook đến giờ vẫn chưa có ứng dụng chính thức, mảng game trên hệ điều hành này cũng trống vắng rất nhiều. Các ứng dụng "hot" nhất, thu hút đông đảo sự chú ý nhất gần như luôn luôn vắng mặt trên Windows Phone, hoặc đến khi góp mặt trên hệ điều hành này thì cũng đã... hết "hot".
Các nhà phát triển ứng dụng từ chối Windows Phone vì một lý do tương đối dễ hiểu: Windows Phone thiếu thị phần. Phát triển ứng dụng (bao gồm cả việc mang một ứng dụng gốc từ nền tảng này sang nền tảng khác) chưa bao giờ là dễ dàng. Đứng từ góc độ nhà phát triển, bao giờ bạn cũng sẽ muốn viết phần mềm cho nền tảng có khả năng sinh lời cao nhất. Chính điều này đã khiến "nghịch cảnh" iOS vượt mặt Android về chất lượng và số lượng ứng dụng đình đám: người dùng iOS chịu chi hơn người dùng Android và do đó hệ điều hành của Apple luôn sinh lời nhiều hơn.
Trở lại với câu chuyện của Windows Phone, Microsoft đang bị kéo vào một vòng luẩn quẩn: các nhà phát triển ứng dụng không muốn đầu tư vào phát triển ứng dụng cho Windows Phone vì lượng người dùng tiềm năng là quá thấp, nhưng rồi chất lượng/số lượng ứng dụng kém cỏi lại khiến người dùng càng rời xa Windows Phone hơn.
Microsoft không thể thuyết phục các đối tác tham gia sản xuất Windows Phone
Sau khi rò rỉ, Huawei Ascend W3 bị khai tử ngay từ trong trứng nước. |
Một vấn đề nan giải khác mà Microsoft đang gặp phải là tình trạng hờ hững từ các đối tác phần cứng, đặc biệt là sau khi gã khổng lồ phần mềm mua lại Nokia. Nếu không tính một số ít các công ty kém tên tuổi từ Ấn Độ và Trung Quốc, trong suốt 2 năm qua Microsoft chủ yếu chỉ có thể trông cậy vào 4 đối tác chính: Nokia, HTC, Huawei và Samsung.
Gần đến cuối năm 2014, Huawei quay ra "giáng" cho Microsoft một đòn đau khi tuyên bố rằng "Không công ty nào thu lợi nhuận khi sản xuất điện thoại Windows Phone". Không thể phủ nhận rằng nhà sản xuất Trung Quốc này vẫn thường thích gây sốc và tạo dư luận, song đằng sau tuyên bố này cũng là một sự thật khá rõ ràng: Huawei (hiển nhiên) đã từ bỏ Windows Phone sau 2 thế hệ Ascend W mờ nhạt, HTC thì phải bán hàng tồn của 8X với giá rẻ mạt, còn Samsung dù vẫn tiếp tục ra mắt smartphone Windows Phone mới nhưng lại không hề quảng bá cho các sản phẩm này. Có lẽ, việc Samsung tiếp tục sản xuất smartphone ATIV chỉ là để giữ mối quan hệ tốt với Microsoft mà thôi.
Cuối cùng là Nokia. Nhiều nguồn tin cho rằng việc Nokia phát triển các mẫu smartphone X (chạy Android) chỉ là để "ép" Microsoft phải mua lại. Microsoft không thể đối mặt với nguy cơ để đối tác sản xuất chủ yếu (lúc đó Nokia chiếm tới 90% thị phần Windows Phone) rơi vào quyền kiểm soát của một thế lực khác – lúc này, việc Nokia chuyển sang sản xuất Android một cách "nghiêm túc" chắc chắn sẽ xảy ra.
Samsung ra mắt ATIV SE trong im lặng, trái hẳn với chiến lược marketing rầm rộ thường ngày của công ty Hàn Quốc. |
Nhưng thương vụ sáp nhập Nokia vào Microsoft lại tạo ra một khó khăn khác: Microsoft vừa là đối tác phụ trách phát triển hệ điều hành, vừa là... đối thủ lớn nhất của các nhà sản xuất. Các nhà sản xuất phần cứng sẽ phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt chân vào thị trường Windows Phone.
Hãy nhìn vào câu chuyện của một công ty đã từng tự tin đặt tên cho sản phẩm phần cứng của mình là "Windows Phone 8": HTC. Công ty Đài Loan từng rất hăm hở bước chân vào thị trường Windows Phone với 2 chiếc Windows Phone 8X và Windows Phone 8S, song cả 2 sản phẩm này đều chỉ có thể gây sốt khi đã bị giảm giá còn 1/3 giá ra mắt. Sang đến năm 2014, HTC sử dụng một chiến lược thông minh hơn: tái sử dụng phần cứng của chiếc One M8 rất được yêu quý cho Windows Phone. Song, một lần nữa, người tiêu dùng vẫn chưa thể xóa bỏ quan niệm rằng trải nghiệm Lumia mới là trải nghiệm Windows Phone "chuẩn mực" nhất. Một khi quan niệm này vẫn còn tồn tại, Microsoft vẫn sẽ không thể thuyết phục các tên tuổi hàng đầu như Sony, Lenovo và LG tham gia vào sản xuất Windows Phone.
Microsoft đã đầu hàng?
Với những khó khăn chồng chất nằm ngoài khả năng kiểm soát của Microsoft, gã khổng lồ phần mềm có vẻ đang bỏ mặc cho Windows Phone đi vào chỗ chết.
Trước hết, hãy cùng nhìn lại khoảng thời gian "cuối đời" đầy cố gắng của Nokia. Năm 2012, với sự kiện Windows Phone 8 ra mắt, Nokia từ bỏ hoàn toàn phần cứng của WP7 nhằm tập trung xây dựng các sản phẩm thực sự có sức hấp dẫn tới người dùng. Chiếc Lumia 920 ra mắt vào tháng 9/2012 được coi là một sản phẩm được quyền sánh cùng iPhone 5 và Galaxy S3 trên đấu trường đầu bảng. Có tới 3 phiên bản của 920 ra đời, trong đó Lumia 925 được coi là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế đẹp và trải nghiệm cầm tay rất dễ chịu.
Chuỗi tháng ngày của Lumia 920 đã mang lại rất nhiều hy vọng... |
Vài tháng sau đó, Nokia tiếp tục ra mắt Lumia 1020, sản phẩm cho đến giờ vẫn đứng đầu về chất lượng ảnh chụp trên di động, xét cả về độ phân giải, kích cỡ cảm biến lẫn số lượng tính năng. Cuối tháng 10 năm 2013, chỉ ít lâu sau khi thương vụ sáp nhập với Microsoft được công bố, Nokia tiếp tục bước chân lên thị trường phablet với chiếc Lumia 1320 tầm trung và 1520 cao cấp.
Nhưng, năm 2014 trôi qua, tại thời điểm đầu năm 2015, các fan của Nokia và của Windows Phone đang có gì?
Câu trả lời là hết sức đáng thất vọng: Không có gì đáng nói cả. Lumia 930 dù thu hút đông đảo sự chú ý khi ra mắt nhưng rồi cũng chìm nghỉm dưới sức ép cạnh tranh của Galaxy S5, HTC One M8 (bản Android) và iPhone 6. Lumia 1030 cho đến giờ vẫn dừng ở mức tin đồn, còn các mẫu phablet mới thì vẫn bặt vô âm tín.
Tệ hơn nữa, chiếc smartphone đầu tiên mang thương hiệu "Microsoft Lumia" thay cho "Nokia Lumia" chỉ là những sản phẩm giá rẻ mờ nhạt. Sự kiện Microsoft mang công nghệ camera PureView đột phá xuống phân khúc tầm trung cũng chẳng được các fan mảy may lưu ý. Không thể phủ nhận được rằng Microsoft vẫn nên gắn bó với thị trường giá rẻ mà Nokia từng ngự trị, song hiển nhiên Lumia 830 hay Lumia 635 sẽ không thể có sức hấp dẫn các sản phẩm kế thừa Lumia 1020 và 1520.
...nhưng đến giờ thì Microsoft vẫn để mặc cho thời gian trôi qua mà không làm mới các dòng sản phẩm đình đám nhất. |
Ngoài các smartphone Lumia, sản phẩm phần cứng đáng chú ý nhất chạy Windows Phone cũng chỉ là một thiết bị "tái chế" từ Android (HTC One M8 for Windows). Bạn có biết rằng đầu năm 2014 Samsung đã từng ra mắt một sản phẩm Windows Phone có tên ATIV SE trang bị màn hình Full HD và chip Snapdragon 800 mạnh mẽ? Có lẽ, sẽ là không quá chủ quan khi nói rằng trước khi đọc bài viết này, khả năng bạn không biết tới tên gọi của dòng smartphone này lên tới... 90%.
Chỉ riêng Lumia 930 là không đủ để vực dậy một năm kém thú vị của phần cứng Windows Phone, nhưng phần mềm mới là yếu tố gấy thất vọng hơn cả. Cuối tháng 10, các trang công nghệ quốc tế bắt đâu đăng lại một loạt bài từ các blogger vốn là fan ruột của Windows Phone (và Microsoft) với tựa đề dạng "mất hết hy vọng", "tức giận"... Lý do chính khiến các bài báo này ra đời không phải là bởi các tác giả đã phải chờ đợi Lumia 1030 quá lâu, mà là bởi Microsoft thậm chí còn đang coi trọng người dùng iOS và Android hơn cả người dùng hệ điều hành "con cưng" của mình.
Thử lấy ví dụ về ứng dụng di động đình đám nhất được Microsoft ra mắt trong năm qua: Office cho iOS và Android. Trong khi người dùng Windows Phone vẫn phải ở lại với một phiên bản Office cũ kỹ và thiếu hụt tính năng, người dùng iOS và Android đã có thể thoải mái chỉnh sửa văn bản Office gần như không khác gì phiên bản Office chính trên nền Windows desktop.
Thậm chí, Microsoft còn ra mắt một ứng dụng độc quyền có tên SNPP3T cho iOS. Đến tháng 11, các ứng dụng độc quyền của Windows Phone lần lượt đặt chân lên iOS và Android. Người dùng Windows Phone gần như bị bỏ mặc, một số còn tức giận tới mức gọi chiến lược "di động trên hết, đám mây trên hết" của Microsoft là "iOS trên hết, Android trên hết".
Như vậy, ngay cả khi Windows Phone đã vươn lên đứng ở vị trí số 3 thế giới về thị phần, tương lai của hệ điều hành này vẫn tỏ ra đen tối hơn bao giờ hết. Trong phần 2 của loạt bài, hãy cùng nhìn nhận những giải pháp khả dĩ nhất mà Microsoft đang nắm trong tay.