Sáng 10/7, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2018.
Hội nghị tập trung thảo luận về 3 nội dung: Tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ cứu nạn; công tác cấp nước sạch; tình hình tiến độ thực hiện các công trình dự án trọng điểm.
Thảm họa cháy nổ nhãn tiền
Phát biểu thảo luận về PCCC, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận sự thật công tác PCCC của thành phố hiện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.
Ngoài các lý do khách quan, theo ông Khương còn có cả lý do chủ quan như lực lượng, năng lực, điều kiện, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật PCCC còn hạn chế, khó khăn; chữa cháy nhiều khi vẫn chỉ chống cháy lan, làm nguội đám cháy là chính. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân chưa cao, vẫn còn chủ quan, chưa coi trọng đúng công tác này.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thắng Quang. |
Ông đề nghị trước hết các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu, chấp hành đúng các quy định về PCCC. Cùng với đó, chế tài xử lý, xử phạt phải nghiêm khắc hơn, công tác kiểm tra xử lý sai phạm phải kiên quyết và dứt khoát hơn. Chẳng hạn qua kiểm tra các công trình xây dựng, lực lượng chức năng phát hiện không đảm bảo an toàn PCCC hay các giải pháp về PCCC chưa đảm bảo thì phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc cắt điện, cắt nước…
"Chúng ta không có giải pháp dứt khoát, thái độ cứng rắn thì thảm họa về cháy nổ trên địa bàn thành phố là nhãn tiền", Giám đốc Công an Hà Nội nói.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cũng phân tích thêm lực lượng cơ sở về PCCC dù đã được coi trọng nhưng còn yếu. Qua kiểm tra tại nhiều cơ sở, dù có đặt bình chữa cháy, người được giao phụ trách chữa cháy còn loay hoay không biết cách sử dụng. Đây là khâu yếu nhất cần được tập trung khắc phục.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thắng Quang. |
Chung cư chưa đảm bảo PCCC thì chưa cho dân vào ở
Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết mỗi năm thành phố vẫn còn trên 800 vụ cháy và chưa có chiều hướng giảm. Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là thời gian qua có sự buông lỏng quản lý của các đơn vị liên quan.
"Với đô thị 10 triệu dân, nguyên nhân cháy thì có nhiều, nhưng trước hết người đứng đầu các cấp, quản lý từng ngành phải chịu trách nhiệm. Mỗi vụ cháy nổ xảy ra phải thấy trách nhiệm quản lý chứ không đổ lỗi cho người dân được", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Hà Nội nói thêm việc kiểm tra PCCC chưa nghiêm, làm theo phong trào, "ầm ầm xong là thôi". Nguy cơ cháy nổ ở các cơ sở vui chơi rất lớn nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan chưa tốt, chế tài chưa nghiêm.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCCC, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện tốt hơn nữa phương châm 4 tại chỗ.
"Chúng ta phải kiểm tra tất cả chung cư, đảm bảo các yêu cầu PCCC, điện, nước mới cho dân vào, không thể thả mồi bắt bóng, đưa dân vào ở xong không đưa ra được", ông Hoàng Trung Hải chỉ đạo.
Cháy nổ gây thiệt hại trên 263 tỷ đồng
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, cho biết tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra các vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội xảy ra 411 vụ cháy (2 vụ cháy lớn, 7 vụ cháy nghiêm trọng, 6 vụ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 55 vụ trung bình…) làm 4 người chết, 9 người bị thương; thiệt hại ước tính trên 263 tỷ đồng và 1,8 ha rừng...