Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tướng Hoàng Đan đạp xe 1.300 cây số để lấy vợ

Câu chuyện của vợ chồng tướng Hoàng Đàn là tiêu biểu cho lãng mạn cách mạng, khi tình yêu đôi trẻ, tình yêu vợ chồng hòa quyện với tình yêu đất nước.

Tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh khi còn trẻ.

“Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì anh thấy ngược lại. Càng ngày càng thương càng nhớ em nhiều hơn…”

“Còn anh nói em yêu anh như thế nào? Em cũng chịu, nói sao được, chỉ thấy yêu nhiều lắm, không giờ phút nào là không nghĩ đến anh. Yêu nhiều lắm chắc anh cũng biết chứ?”.

Đó là hai trong số những đoạn thư, những câu từ đẹp đẽ mà tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh gửi cho nhau trong những ngày xa cách. Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp.

Bao nhớ thương, giận hờn và chờ đợi, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau trong nhiều thập niên.

Vừa qua, câu chuyện tình yêu phi thường và cảm động của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh được ông Hoàng Nam Tiến - con trai út hai người - gói lại trong cuốn sách Thư cho em.

chuyen tinh tuong Hoang Dan anh 1

Sách Thư cho em.

Câu chuyện về ba mẹ qua lời kể con trai

Tại sự kiện giới thiệu cuốn sách chiều 13/4, ông Hoàng Nam Tiến có nhiều chia sẻ về hành trình đến được bên nhau của ba mẹ mình cũng như quyết định thực hiện cuốn sách về hơn 400 bức thư của hai người.

"Tôi thấy ở Việt Nam kể cả tiểu thuyết hay sách cũng ít nói đến tình cảm, tình yêu ngày trước. Tình yêu ba mẹ tôi thực ra không có gì đặc biệt, cả một thế hệ ngày trước cũng như vậy. Tôi tin rằng các bạn trẻ hôm nay khi đọc cuốn sách sẽ thấy rõ thế nào là lãng mạn cách mạng, tình yêu đôi trẻ, tình yêu vợ chồng hòa quyện với tình yêu đất nước như thế nào. Và tôi tin rằng đã có cả một thế hệ đã phải nén tình yêu cá nhân, để tình yêu gia đình lại để dành cho tình yêu đất nước trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ", ông nói.

Khi lần giở lại hành trình tình yêu của ba mẹ, ông Hoàng Nam Tiến có nhiều câu chuyện ấn tượng, tâm đắc.

Đó là để cưới được bà An Vinh, tướng Hoàng Đan đã hứa sẽ "không làm gì cả", không có con trong 3 năm đầu để vợ được tập trung vào sự nghiệp.

"Hồi đó là năm 1954, bố tôi 26 tuổi, trai tráng khỏe mạnh lắm. Nhưng đêm tân hôn, ông không ngủ phút nào cả, chỉ cầm tay mẹ tôi nói chuyện, còn mẹ ngủ được vài ba tiếng", ông Tiến kể.

chuyen tinh tuong Hoang Dan anh 2

Ông Hoàng Nam Tiến (giữa) tại sự kiện giới thiệu "Thư cho em". Ảnh: Nguyễn Mai Phương.

Tướng Hoàng Đan giữ lời hứa đó cho đến năm 1958, khi vợ được chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội làm việc, hai người mới có cậu con trai đầu tiên.

Về phía bà An Vinh, ông Hoàng Nam Tiến cho biết quá trình bà trưởng thành rất khó khăn nên bà khắt khe với bản thân, với cả con cái trong việc nuôi dạy. Khi đó ở xa, tướng Hoàng Đan viết thư cho vợ, hỏi: "Em có quan tâm đến con không? Em có trìu mến với các con không?" và nhắc bà phải thay đổi. Ông kể cho vợ nghe về một công trình tâm lý học tại Mỹ năm 1958: có một con khỉ bị mất mẹ, người ta đưa nó vào một căn phòng có một con khỉ bằng bông và một con khỉ bằng gỗ. Con khỉ con ấy chỉ ôm lấy con khỉ bằng bông, nghĩa là ngay cả một con khỉ cũng muốn có cái gì đó ấm áp, mềm mại.

"Và từ đó mẹ tôi thay đổi. Từ khi mang thai tôi đến khi tôi ra đời, bà thường xuyên trò chuyện với tôi, kể cho tôi nghe Truyện Kiều. Bố tôi đã thay đổi mẹ. Sau này biết chuyện, tôi đã rất ngạc nhiên khi ngày đó, ba đi học quân sự ở nước ngoài nhưng ông đọc cả những nghiên cứu về tâm lý học như thế".

Một kỷ niệm khác ông Hoàng Nam Tiến rất ấn tượng về ba mình. Đó là năm 1972, khi ông Tiến mới 3 tuổi, vô tình làm rơi vỡ chiếc bát sứ Hải Dương "hồi đó quý và chất lượng lắm". Bát rơi xuống đất vỡ tan tành còn cậu con trai nhỏ sợ đến sắp khóc. Thấy vậy, ba ông thả rơi chiếc bát trên tay xuống đất cho vỡ theo, rồi hai ba con phá lên cười.

Đến khi lớn lên, cứ mỗi mùa hè, ông Tiến được ba đưa lên doanh trại quân đội ở cùng. Ông được sinh hoạt với tiểu đoàn trinh sát, quân y hay đại đội lái xe. Năm 10, 11 tuổi, ông Tiến đã biết về các loại súng, cách lái xe, có thể tiêm, băng bó hay thực hiện các biện pháp sơ cứu.

Tình yêu thời chiến

Qua Thư cho em, ông Hoàng Nam Tiến không chỉ lưu giữ ký ức của mình và gia đình, mà còn chia sẻ với các bạn trẻ hôm nay về tình yêu của một thời đại anh hùng và lãng mạn.

Trong cuốn sách không kể về các trận đánh mà tập trung vào hành trình "ly kỳ" đến được bên nhau của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh, cách hai người yêu nhau trong thời chiến và những câu chuyện thật đời thường.

chuyen tinh tuong Hoang Dan anh 3

Ảnh: Nhã Nam.

Chia sẻ tại sự kiện, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ của Nhã Nam kể về hành trình cưới vợ độc đáo của ông Hoàng Đan mà chị được nghe. Đó là sau khi hứa hôn, ông đi biệt, đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông mới có thời gian về quê cưới vợ.

"Nhưng thời chiến tin tức không thông, người vợ chưa cưới cũng đi từ nơi này đến nơi khác. Thành ra ông phải đạp xe từ Điện Biên về Nghệ An, từ Nghệ An đi Thái Nguyên, từ Thái Nguyên đạp lên Lạng Sơn rồi mới tìm được vợ để cưới. Tổng quãng đường chừng 1.300 cây số. Trong điều kiện chiến tranh và đường xá tồi tệ năm 1954, quãng đường đấy đủ khiến các 'phượt thủ' ngày nay ngưỡng mộ".

Biên tập viên Diệu Thủy còn "bắt" được những đoạn thư rất thú vị trong quá trình làm việc với ông Hoàng Nam Tiến về cuốn sách. Ví dụ, năm 1961 khi được cử đi học quân sự ở Liên Xô, vị tướng lúc nào cũng khao khát nhận được thư nhà, được ngắm ảnh vợ con.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Chuyện tình tướng Hoàng Đan và vợ qua hơn 400 bức thư tay

Bằng ký ức của mình và những lá thư gìn giữ được, ông Hoàng Nam Tiến đã kể lại câu chuyện tình son sắt của ba mẹ giữa những tháng năm gian khó trong "Thư cho em".

Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm