Tại quê nhà người vợ thứ 2 của Đại tướng, bà Đặng Bích Hà, người dân xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương, Nghệ An) khi hay tin Đại tướng ra đi đều bàng hoàng. Nhiều người tập trung đến nhà lưu niệm Đặng Thai Mai (bố bà Hà) để thắp nén hương tưởng nhớ vị tướng tài ba, lỗi lạc của dân tộc.
Đại tướng và vợ. Ảnh tư liệu. |
Với những người thân trong họ hàng bà Hà thì Đại tướng là một chàng rể tuyệt vời khi luôn biết quan tâm, động viên mọi người. Dù không được sống gần gũi với gia đình Đại tướng nhưng họ vẫn thường xuyên liên lạc, nắm bắt thông tin về sức khỏe của ông.
Kỷ niệm ngọt ngào của những người vinh dự được gặp Đại tướng
Giáo sư Đặng Bích Hà là con gái của cụ Đặng Thai Mai (Giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam và nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam). Cụ Mai vốn là đồng chí, đồng nghiệp với tướng Giáp từ thời Đảng Tân Việt mới đi vào hoạt động.
Sau khi người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bà Nguyễn Thị Quang Thái (em liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai) hy sinh vào năm 1944, năm 1946, tổ chức đã quyết định làm lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà.
Bác Đặng Bá Hương (gọi tướng Giáp bằng anh rể) xúc động khi kể về những kỷ niệm trong những lần được tiếp xúc với Người. |
Sau khi cưới xong, vợ chồng tướng Giáp và bà Hà sống ở Hà Nội nhưng luôn nhớ về quê hương. Là nhà hoạt động cách mạng, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất bận rộn. Tuy nhiên, từ khi cưới bà Hà, ông cũng đã về thăm quê vợ vào năm 1983 và năm 1986.
Bác Đặng Bá Hương (71 tuổi, gọi vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng anh, chị) cho biết: “Dù biết anh Giáp sẽ đến ngày ra đi nhưng khi nghe tin vào đêm 4/10 mà tôi vẫn thấy bàng hoàng".
"Tôi vẫn còn nhớ như in lần đầu Đại tướng về quê vào năm 1986, đó là dịp Tết Nguyên đán. Vợ chồng anh Giáp cùng người thân ngoài đó về thăm nhà, khi mới đặt chân đến đầu xã, mọi người đã ùa ra đón. Dù thời gian về chơi rất ngắn nhưng anh Giáp đã để lại ấn tượng tốt cho bà con nơi đây”, bác Hương nhớ lại.
Lần đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ân cần hỏi thăm mọi người, đi gặp các cụ già, con trẻ trong làng nói chuyện. Với họ, chưa bao giờ thấy có một người cán bộ lại hòa đồng, thân mật như vậy. Đại tướng cũng căn dặn Đảng bộ, bà con nhân dân trong xã cố gắng phát triển kinh tế vì quê nhà còn nghèo lắm, cần tự thân vận động để vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Thắng vinh dự 2 lần được gặp Đại tướng. |
Cũng như bác Hương, ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1966, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân) cũng rất tự hào khi đã 2 lần được gặp Đại tướng. “Lần đầu tiên là năm 1986, khi đó tôi đi bộ đội nhưng được nghỉ phép về tết thì đúng dịp Đại tướng về thăm. Thật sung sướng vì được bác Giáp nắm tay động viên chắc tay súng để bảo vệ tổ quốc. Với tôi, hành động đó dù rất giản dị nhưng đã tiếp cho tôi thêm động lực rất nhiều”, ông Thắng hồi tưởng.
Lần thứ 2 ông Thắng được gặp Đại tướng là vào năm 2004. Khi đó ông làm Phó chủ tịch xã Thanh Xuân, được vinh dự cùng đoàn ra Hà Nội thăm Đại tướng. Đoàn cán bộ của xã được Đại tướng tâm sự rất nhiều về tâm tư nguyện vọng của Người mong muốn quê hương đổi mới, phát triển đi lên, cải thiện cuộc sống cho bà con. Ông Thắng cũng có dịp ra Hà Nội thăm Đại tướng vào năm 2009 nhưng khi đó sức khỏe Tướng Giáp giảm sút nên không được gặp trực tiếp.
Cụ Nguyễn Cảnh Cân, một người vinh dự được chụp ảnh cùng vợ chồng Đại tướng đang cầm trên tay bức hình kỷ niệm quý giá này. |
Còn cụ Nguyễn Cảnh Cân (78 tuổi) thì không chỉ vinh dự được gặp Đại tướng mà còn được chụp hình lưu niệm. Nghe tin Đại tướng mất, ông Cân chia sẻ cảm xúc bàng hoàng. Năm 2008, ông Cân cùng hội người cao tuổi của xã gồm 40 người ra thăm và được trò chuyện, tâm sự với Đại tướng, cũng như chụp hình lưu niệm. "Hiện tại ai trong đoàn cũng rất trân trọng, gìn giữ cẩn thận bức ảnh quý đó".
“Đại tướng là người rất thương vợ”
Bác Đặng Bá Hương cho hay, nhiều lần ra thăm vợ chồng Đại tướng nhưng chưa bao giờ bác nghe "anh Giáp" nói một câu nặng lời với vợ. “Tình cảm anh Giáp dành cho vợ rất chân thành, giản dị và bình đẳng. Chưa bao giờ chị tôi bị anh ấy nói nặng lời chứ đừng nói đến chuyện quát nạt. Tôi cũng được biết, mỗi dịp sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới anh Giáp chưa khi nào quên và luôn mua hoa tặng vợ.
Với những người trong nhà, dù là đằng nội, đằng ngoại hay người phục vụ thì anh Giáp cũng đối xử rất thân thiện, dân chủ, xem họ như chính mình vậy. Đó là điều mà tôi rất quý phục người anh rể đáng kính”.
Cụ Đặng Thị Tư: "Đại tướng thương vợ lắm". |
Còn cụ Đặng Thị Tư (91 tuổi, tên thường gọi là cụ Đàm, là cô ruột của bà Đặng Bích Hà) thì không quên được những kỷ niệm với vợ chồng Đại tướng. Là người từng nuôi nấng, chăm sóc bà Hà từ khi còn nhỏ nên bà được cô cháu ruột tâm sự rất nhiều về cuộc sống vợ chồng.
Qua người cháu, bà biết tướng Giáp rất tâm lý với người vợ, luôn dành cho vợ những tình cảm sâu sắc nhất. Mỗi lần bà Hà đau ốm, dù bận rộn đến đâu thì tướng Giáp cũng dành một thời gian để ở bên cạnh vợ, chăm sóc ân cần, động viên. Cụ Tư tâm sự: "Tôi chưa bao giờ nghe cháu mình gọi điện than phiền về chồng điều gì dù là nhỏ nhất mà chỉ thấy toàn nói khen".
Chính cụ Tư cũng rất cảm phục tấm lòng của Đại tướng dành cho cụ. Mỗi lần về thăm quê Đại tướng đều dành một khoảng thời gian để đến thăm người cô đã nuôi vợ mình nên người. Hoặc khi cụ ra thăm gia đình tướng Giáp ngoài Hà Nội đều được cháu rể quan tâm chu đáo. Dù ít tuổi hơn người cháu rể nhưng chưa khi nào cụ Tư thấy Tướng Giáp có một cử chỉ nào dù nhỏ nhất khiến cụ phiền lòng.
Không chỉ có cụ Tư, bác Hương mà còn rất nhiều người thân của vợ Tướng Giáp đều tỏ một lòng tôn kính với chàng rể. Không chỉ thán phục tài cầm quân, đánh giặc mà trong cuộc sống đời thường Đại tướng cũng khiến họ nể phục về cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.