Câu chuyện của tác giả Daniel Defoe (1660 - 1731) kể về một người đàn ông và hàng xóm của mình nghe nói rằng bệnh dịch hạch "đã trở lại một lần nữa ở Hà Lan" vào đầu tháng 9/1664.
Tương tự, người Anh bây giờ cũng được chính phủ khuyến cáo về đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ nước ngoài, nhưng trước đó mọi người coi đây là "một vấn đề không đáng lưu tâm".
Trong bài viết trên Guardian, tác giả Sam Jordison cho rằng phản ứng ban đầu của người Anh đối với "dịch bệnh ở mãi tận Trung Quốc" lại vô cùng giống với đại dịch hạch năm 1664.
Số liệu chênh lệch, phản ứng chậm trước đại dịch
Mọi chuyện diễn ra nhanh như lật giở một trang sách. Vào năm dịch hạch, người Anh nhận được tin tức đầu tiên của tờ Bill cho thấy số người chết ở các giáo xứ tại London đã tăng lên. Điều này giống như tin tức nói về số ca tử vong do Covid-19 mà chúng ta vẫn nghe mỗi ngày trong suốt khoảng thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các con số về dịch hạch có vẻ không đáng tin. Con số mà các nhà chức trách đưa ra luôn ở mức thấp: "Tuần tiếp theo, tờ Bill đưa tin số người nhiễm bệnh dịch hạch là 17, trong khi số người được mai táng tại khu vực St Giles là 53, một con số thật đáng sợ!".
Tranh minh họa về dịch hạch tại London những năm 1664-1665. Ảnh: Universal History Archive/Getty. |
Sau đó, tờ Bill này phát hiện ít nhất hơn 20 người nữa "đã tử vong vì dịch hạch", nhưng lại được liệt kê là "chết vì sốt phát ban hay sốt sài chó, chưa tính đến một số ca tử vong bị che giấu khác".
Có thể thấy, vào năm 1665 cũng như năm 2020, con số tử vong thực sự cho thấy quy mô và tầm ảnh hưởng của đại dịch lớn hơn so với con số chính thức được công bố.
Ngoài ra, còn nhiều điểm giống nhau giữa dịch hạch trong quá khứ với Covid-19 hiện nay. Trong sách, tác giả cho rằng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch hạch đã được thực hiện quá muộn:
"Tôi thường nêu lên một giả thuyết rằng mọi người đều lần đầu tiên trải qua tai họa như dịch hạch này, và mọi người đều muốn các biện pháp ngăn chặn và quản lý được đưa ra kịp thời và công khai. Nếu các bước đi đúng đắn được thực hiện, có thể chúng ta đã tránh được việc có quá nhiều người tử vong. Nếu hậu thế cảm thấy những điều này đúng đắn, hãy thận trọng và coi đây là lời cảnh báo".
Đối với hậu thế, thật cay đắng khi phải đọc những dòng này. Ở các trang khác trong cuốn sách, nhiều đoạn văn khiến người đọc ám ảnh khi miêu tả những con phố quen thuộc trở nên vắng vẻ: "Với những ai đi từ đường Shoreditch và Bishopsgate, hoặc qua Old Street và Smithfield, họ sẽ thấy những con phố này vắng tanh, những ngôi nhà, cửa hiệu lặng ngắt, chỉ có một vài người lặng lẽ đi bộ giữa đường".
Giờ đây, chúng ta có thể cảm nhận được tại sao tác giả lại ngạc nhiên khi London yên tĩnh như vậy. Một số người hiện cũng cảm thấy thắc mắc khi bản thân bỗng có thói quen đi ra giữa đường.
Anh đã áp dụng cách ly xã hội để đối phó với dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Người giàu chạy trốn, người nghèo mắc kẹt
Tác giả Defoecũng tỏ ra thích thú với việc tự cách ly. Dịch Covid-19 chưa khủng khiếp đến mức khiến chúng ta vẽ hình cây thánh giá màu đỏ lên cửa những ngôi nhà có người bị nhiễm bệnh, hay cử lính đến canh gác để ngăn người bệnh đang chết đói bên trong trốn thoát. Nước Anh hiện nay cũng chưa áp dụng biện pháp cách ly 40 ngày.
Tuy nhiên, bất kỳ độc giả nào hiện nay cũng sẽ nhận ra nỗi sợ hãi và sự thương hại của tác giả khi nói về những người mắc bệnh và nghi nhiễm bệnh, đặc biệt là những người đã vô tình lây lan cho người khác:
"Điều tôi muốn nói ở đây là khi đã bị nhiễm bệnh, tức là điều này đã thực sự xảy ra và đi vào cơ thể người bệnh, nhưng nhiều khi họ không nhận ra điều đó: Họ thậm chí không thể cảm nhận được bệnh, vì nhiều người không nhận ra trong vài ngày. Những người này mang theo cái chết trong hơi thở đến từng nơi họ đi, từng người họ gặp; quần áo của họ cũng có mầm bệnh, và tay họ sẽ lây bệnh sang những thứ họ chạm vào".
Không có gì đáng ngạc nhiên khi số người tử vong vì dịch hạch ở London vào thời đại của Defoe tăng vọt. Nhưng người dân không chỉ phải đề phòng con người, họ còn phải tránh xa chuột, hay kể cả vật nuôi trong nhà. Defoe viết:
"Thật khủng khiếp khi rất nhiều động vật cũng chết vì bệnh dịch. Tôi nghĩ rằng họ đã đề cập con số 40.000 con chó và số mèo chết là gấp 5 lần chỗ đó".
Người dân London, Anh, vỗ tay cổ vũ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tác giả Defoe cũng viết về những người giàu ra nước ngoài chạy trốn dịch bệnh và gieo rắc cái chết theo họ bởi họ có thể vô tình nhiễm bệnh. Trong khi đó, người nghèo có khả năng nhiễm bệnh cao hơn. Ông miêu tả "những tên lang băm và người bán thuốc rong" rêu rao các phương thuốc giả, còn người nghèo "thậm chí đã tự đầu độc mình vì nỗi sợ bị nhiễm dịch bệnh".
Sự tương đồng giữa dịch hạch ở thời đại của Defoe với Covid-19 hiện nay là rất rõ ràng, dù sự kiện được đề cập đến trong sách là từ 355 năm trước, và cuốn A Journal of the Plague Year được xuất bản năm 1722.
Nhưng dù vậy, ít nhất vẫn có niềm hy vọng le lói. Người đọc có thể cảm thấy như tác giả Defoe đang viết về thời đại hiện tại, nhưng đây vẫn là cuốn sách viết ở thì quá khứ. "London từng trải qua một nạn dịch hạch chết người...", Defoe viết ở cuối sách.
"Và sớm thôi, dịch Covid-19 hiện nay cũng sẽ lùi vào quá khứ", Jordison, vào năm 2020, cũng tỏ ra lạc quan.