Ngay cả những thiên tài vĩ đại nhất cũng bắt đầu từ những thứ nho nhỏ. Stephen Hawking đã đi từ việc chế tạo máy bay bằng gỗ mềm tại nhà bạn mình đến việc giải mã vũ trụ với một chiếc siêu máy tính.
Niềm đam mê trọn đời của ông đối với cách thức hoạt động của các vật thể đã giúp ông trở thành một trong những nhà vật lý lý thuyết xuất sắc thế giới.
“Tôi chỉ là một đứa trẻ chưa bao giờ trưởng thành” - Stephen Hawking từng viết - “Tôi vẫn tiếp tục hỏi những câu hỏi như thế nào và tại sao. Thỉnh thoảng tôi cũng tìm thấy câu trả lời”.
Cuộc tìm kiếm những câu trả lời của Stephen bắt đầu từ làng Highgate, ngoại ô London, Anh. Khi cậu lớn lên, Thế chiến thứ II đang diễn ra dữ dội, và thủ đô của nước Anh bị máy bay Đức ném bom gần như hàng ngày - trong một chiến dịch hủy diệt gọi là Blitz.
Một ngày nọ, tên lửa của Đức rơi xuống chỉ cách nơi Stephen sống vài căn nhà. Lúc ấy, cậu không ở nhà, nhưng sau đó cậu đã đi xem xét mức độ tàn phá mà tên lửa gây ra và chơi trong đống đổ nát với bạn bè.
Highgate là quê hương của nhiều nhà khoa học lỗi lạc và cha của Stephen là một trong số đó. Ông là nhà nghiên cứu y khoa chuyên về các bệnh nhiệt đới. Mẹ của Stephen là một trong những nữ sinh viên đầu tiên tốt nghiệp Đại học Oxford. Cả cha mẹ cậu đều rất coi trọng giáo dục. Nhưng cậu bé Stephen thì không - hay ít nhất là chưa.
Stephen Hawking thuở nhỏ. Ảnh: Stephenhawkingmemories. |
Khi Stephen hai tuổi rưỡi, cha mẹ cậu gửi con đến trường. Hôm đầu đến lớp, cậu đã đứng dậy giữa phòng và bắt đầu khóc. Và cậu đã khóc suốt cho đến khi bố mẹ đến để đưa cậu về nhà.
Sau sự cố đó, Stephen đã không trở lại trường trong suốt một năm rưỡi. Khi cuối cùng cũng đi học lại, cậu tỏ ra không mấy thích thú bài học. Trên thực tế, cậu ghét học tới nỗi đã không chịu học đọc cho đến khi 8 tuổi.
Stephen có thể không phải là một người thích trường học, nhưng cậu luôn thích tự học mọi thứ. Hồi nhỏ, cậu đã có niềm đam mê với những chiếc tàu hỏa mô hình. Cha cậu làm cho cậu một đoàn tàu hỏa đồ chơi bằng gỗ, nhưng Stephen không thích. Cậu muốn một chiếc tàu hỏa di chuyển được bằng lực của chính nó.
Vì vậy, cha của Stephen lại cố thêm một lần nữa. Giáng sinh năm đó, ông tặng con trai mình một chiếc tàu hỏa cơ đã cũ do ông tự sửa chữa. Nó có thể chạy bằng cách lên dây cót, nhưng con tàu rất hay trục trặc.
Nhưng ông vẫn thử lại lần nữa. Sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, ông Hawking đi công tác ở Mỹ. Khi về, ông mang theo một đoàn tàu chạy hỏa cơ học mới sáng bóng, với đủ cả đường ray hình số tám. Nhưng Stephen vẫn mơ về một đoàn tàu hỏa chạy điện…
Stephen đã tiết kiệm tiền trong nhiều năm, và cuối cùng cậu đã có đủ. Cậu đợi cho đến khi bố mẹ đi vắng rồi rút hết số tiền mình tiết kiệm được khỏi ngân hàng. Tất cả số tiền Stephen được cho nhân dịp sinh nhật và những dịp đặc biệt khác cũng chỉ suýt soát giá tiền để mua một bộ tàu chạy điện mới. Nhưng cậu đã có vừa đủ.
Chỉ có một vấn đề nhỏ - nó không hoạt động! Ngay cả sau khi Stephen dành thêm tiền để sửa chữa động cơ, chiếc tàu vẫn không chạy được tốt. Nhưng cậu đã học được một bài học quý giá: Nếu bạn muốn một đồ vật hoạt động tốt, bạn phải tự làm ra nó.
Khi Stephen lên 8 tuổi, gia đình cậu chuyển đến một thị trấn ở phía bắc London tên là St. Albans, nơi cha cậu làm việc. Lúc đầu, Stephen rất hào hứng khi được chuyển đến nhà mới. Nhưng rồi cậu đã thấy nơi này có vấn đề.
Ngôi nhà từng là một biệt thự sang trọng, nhưng bây giờ nó là một đống đổ nát với giấy dán tường bị bong tróc, các lỗ sứt sẹo trên tường và cửa sổ chỗ nào cũng bị nứt vỡ. Vì công việc mới của ông Hawking có mức lương không cao nên bố mẹ cậu không thể chi trả cho việc sửa chữa. Khi một chi tiết ở giường tủ bị long ra, họ cũng đành để mặc thế. Ngôi nhà không có hệ thống sưởi trung tâm nên mọi người trong gia đình phải mặc áo len mọi lúc để giữ ấm.
Ông Hawking không đủ khả năng để mua một chiếc xe mới, vì vậy, ông mua một chiếc taxi đã qua sử dụng và nhờ Stephen phụ giúp ông làm một nhà để xe tạm thời bằng thép đúc sẵn.
Khi những người hàng xóm nhìn thấy loại xe họ đi và hoàn cảnh sống của gia đình, người ta đã rất ngạc nhiên. Chẳng mấy chốc, gia đình Hawking được xem là những kẻ lập dị của thị trấn.
Các bạn mới của Stephen cũng không biết phải làm gì với cậu. Nhỏ con và không cân đối, Stephen ăn vận rất tệ và kém về thể thao. Cậu nói rất nhanh, ngọng líu ngọng lô nên các bạn cùng lớp gán cho cậu cái tên “Hawkingese”. Khi cười, cậu phát ra những tiếng nấc kì lạ, nghẹn ngào từng tiếng một.
Ở lớp, Stephen khác xa hình ảnh của một học sinh xuất sắc mà sẽ có ngày cậu trở thành. “Chữ viết tay của tôi rất tệ và tôi cũng lười biếng”, sau này cậu thừa nhận.
Vào cuối năm học, cậu đứng thứ ba từ dưới lên. Một trong những người bạn cùng lớp của cậu thậm chí còn đặt cược một túi kẹo rằng Stephen sẽ không bao giờ đạt được điều gì.
Chán ngấy với việc bị đánh giá thấp, Stephen đã cố gắng học tập chăm chỉ để cải thiện hình ảnh của mình. Cậu bắt đầu gần gũi với những người bạn cũng bị xem là lạc lõng khác, những người cùng có chung niềm đam mê tạo dựng nên mọi thứ.
Cậu kết bạn với một cậu bé tên John McClenahan, người có bố sở hữu một xưởng chế tạo trong nhà. John và Stephen đã dành hàng giờ để chế tạo máy bay mô hình bằng gỗ mềm.
Khi chán các trò chơi của trẻ em như Candyland và Chú Wiggily, Stephen tìm đến một trong những người bạn khác của cậu, Roger Ferneyhough, và họ cùng nhau bắt đầu tạo ra những trò chơi của riêng mình.
Stephen đưa ra các quy tắc, và Roger thiết kế các tấm bảng và chi tiết rời. Kiệt tác của họ là một trò chơi chiến tranh thời Trung cổ hoàn chỉnh với đủ cả luật pháp, hiệp ước, ngân sách và quân đội.