Ngày 9/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP HCM bắt quả tang bà Chu Thị Lam (người trồng rau muống tại ấp 8 xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi) đang đổ nhớt thải xuống ruộng rau.
Theo người phụ nữ này, bà mua nhớt thải với giá 12.000 đồng/lít, phun lên ruộng rau với tỉ lệ 300 ml/1.000 m2 với mục đích diệt rầy. "Tôi nghe nhiều người chỉ cách này để diệt sâu nên làm theo chứ không biết nó có nguy hiểm hay không. Ở đây nhiều người cũng làm như vậy", bà Lam nói.
Lực lượng chức năng bắt quả tang việc tưới nhớt thải tại ruộng rau muống ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Ảnh: N.T. |
Nông dân khóc ròng vì giá rau muống giảm
Trước đó, tối 8/1, đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM cũng đã có mặt tại xã Bình Mỹ để kiểm tra các cơ sở thu gom rau muống và phát hiện hộ nông dân Nguyễn Thị Hiên cho ngâm rau muống vào hóa chất để tươi lâu và xanh hơn.
Tiếp xúc với phóng viên, một số người dân xã Bình Mỹ cho biết, thỉnh thoảng họ thấy nông dân dùng nhớt đổ lên ruộng rau muống nên không dám ăn. "Người trồng rau ở đây đa số từ ngoài Bắc vào, thỉnh thoảng lại đổi chủ. Người dân ở đây đều tự trồng rau ăn chứ ít dám mua ngoài", một người dân chia sẻ.
Bà Trần Thị Thanh (48 tuổi, quê Ninh Bình, trồng rau ở xã Bình Mỹ) than: "Từ khi có tin công an bắt quả tang tưới nhớt thải, giá rau ở chợ giảm khiến chúng tôi rất lo lắng. Chuyện nông dân dùng nhớt thải chỉ cá biệt, nhưng hậu quả lại khiến tất cả người trồng rau gánh chịu".
Nhiều người bức xúc vì một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến tất cả nông dân ở xã Bình Mỹ. Ảnh: N.T. |
Theo bà Thanh, do nghèo khó nên gia đình dắt díu nhau vào Sài Gòn lập nghiệp, thuê đất trồng rau ở xã Bình Mỹ được hơn 2 năm, 2 con gái lớn lấy chồng cũng ra riêng thuê đất làm nông gần cha mẹ. Giá thuê đất tại đây khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thu lợi mỗi tháng 3 - 5 triệu đồng. Bà kể, công việc trồng rau rất cực, làm quần quật từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới được nghỉ.
"Giá rau bình thường 16.000 - 17.000 đồng/bó 5 kg, nhưng tối qua chỉ còn 10.000 đồng khiến ai cũng lỗ nặng. Gia đình tôi chở 100 bó nhưng chỉ bán được hơn 1 triệu, lỗ 600.000 - 700.000 đồng", bà Thanh bức xúc.
Theo người phụ nữ này, nhiều người biết cơ quan chức năng cấm mà vẫn lén lút sử dụng nhớt thải. Vì nếu dùng thuốc diệt sâu rầy thì tốn hơn 100.000 đồng/ha, còn sử dụng nhớt thải chỉ mấy vài nghìn.
Cách cánh đồng của bà Thanh không xa là ruộng rau gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng (32 tuổi, quê Hà Nam) cũng đang trong giai đoạn thu hoạch. Thanh niên này buồn rầu nói, mùa này lượng rau tiêu thụ rất mạnh do cận Tết, thế nhưng việc vài hộ dùng nhớt thải đã khiến giá rau rớt thảm hại.
“Mọi hôm tôi bán 50 bó rau đến rạng sáng thì hết, nhưng hôm nay đến 8h vẫn chưa xong, phải bán tháo. Một số đầu mối ép giá chúng tôi. Khu này cung cấp rau muốn cho cả thành phố, nhưng vì vài hộ dân vi phạm mà khiến cả xã phải chịu hậu quả", anh Hoàng phân trần.
Anh cho biết, hộ nông dân bị bắt quả tang canh tác tại xã này chưa lâu nên không nắm được quy định của ngành nông nghiệp. Từ khi xảy ra vụ việc tới nay, anh chưa thấy đôi vợ chồng kia xuất hiện trở lại, có thể đã bỏ về quê.
Mai phục nhiều đêm mới phát hiện
Ông Dương Đức Trọng - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP HCM cho biết, một số nông dân truyền tai nhau dùng nhớt thải như phương pháp rẻ và hiệu quả nhất trong việc trừ rầy. Sau khi thu hoạch, rau muống non mọc lên sẽ bị rầy tấn công nên họ đưa nước vào ruộng cho ngập gốc rồi đổ nhớt xuống.
Khi nhớt lan đều ra xung quanh, nông dân dùng sào nhấn rau non ngập xuống nước cho rầy rơi ra, dính nhớt và chết đi. Khoảng vài giờ sau khi diệt rầy, nông dân phải tháo nước nhiễm nhớt ra khỏi ruộng để rau không bị cháy. Vị Chi cục trưởng phủ nhận chuyện tưới nhớt thải là để rau muống tăng trưởng mạnh.
Vỏ nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vương vãi khắp nơi tại ruộng rau của 2 vợ chồng bị bắt quả tang dùng nhớt thải. Ảnh: N.T. |
"Do người dân lén lút sử dụng nhớt thải nên việc kiểm tra rất khó khăn, phải mai phục nhiều đêm mới phát hiện. Tuy nhiên, khi bắt quả tang thì Chi cục chỉ phạt hành vi sử dụng chất không có trong danh mục cho phép nên nông dân cũng có phần không sợ", ông Trọng chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP HCM cho biết, Sở đang kết hợp với nhiều lực lượng đẩy mạnh kiểm tra công tác trồng rau từ các nguồn cung cấp cho người dân TP HCM. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền ngăn chặn tình trạng sử dụng nhớt thải.
Theo bà Cúc, việc sử dụng nhớt thải chỉ mới phát hiện trên một số nông dân ở xã Bình Mỹ, nhưng thông tin này ảnh hưởng đến những người trồng rau chân chính khác.
"Sở tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trồng rau theo phương pháp an toàn và áp dụng tiêu chuẩn VietGap không chỉ ở xã Bình Mỹ mà tại nhiều địa bàn trồng rau lớn của TP. Nếu nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn này, Sở sẽ hỗ trợ đưa rau vào các siêu thị hoặc chợ lớn, không còn lo rớt giá từ những vụ việc như vừa qua", bà Cúc nói.