Từ mùng 8 Tết đến hết tháng Giêng, nhiều chùa ở Hà Nội đều tổ chức lễ cầu an và giải hạn. Đây là dịp để người dân lên chùa làm lễ dâng sao để cầu bình an cho mình và người thân trong suốt một năm.
Tam tai: tránh gả cưới, mua nhà?
Chuyên gia phong thủy Hà Phong cho biết, theo phong tục và chiêm nghiệm của các nhà chiêm tinh xưa, ngoài việc cúng sao giải hạn hằng năm, những tuổi gặp năm tam tai cũng nên cúng giải hạn.
Theo đó, năm Giáp Ngọ 2014 có 3 tuổi bị hạn tam tai là Hợi, Mão, Mùi. Chuyên gia này cho biết, khi vào vận tam tai, con người hay trắc trở, vất vả.
Người nằm trong hạn tam tai nên tránh cưới hỏi trong năm đó. |
“Mức độ ảnh hưởng xấu của gia đình sẽ tăng lên nếu cả hai vợ chồng cùng gặp năm tam tai. Đó cũng chính là mặt trái của việc chọn tuổi hợp của mỗi cặp vợ chồng. Nếu vợ chồng không tam hợp thì hạn rải rác cũng nhẹ nhàng hơn”, chuyên gia Hà Phong nói.
Một số việc xấu có thể xảy ra với người nằm trong cung tam tai được các chuyên gia cho biết là tính tình nóng nảy bất thường; có chuyện buồn trong thân tộc; dễ bị tai nạn xe cộ; bị kiện cáo, dính đến pháp luật; thất thoát tiền bạc; vạ miệng, thị phi…
Theo quan niệm, những người bị nạn tam tai cần tránh gả cưới, hùn vốn, mua nhà và kỵ đi sông đi biển.
Để giải trừ hạn xấu, người xưa đã làm lễ cúng dâng sao giải hạn tại gia đình, chùa chiền theo nhiều "bài" khác nhau.
Nạn hay không đều do mình tạo ra
"Đạo Phật không có dâng sao giải hạn", Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, đạo Phật chỉ có Lễ Cầu an cho gia đình, người thân bình an, mạnh khỏe.
Tuy nhiên, hiện nay, ở các chùa, việc dâng sao giải hạn diễn ra rầm rộ sau Tết. Trả lời về việc này, Thượng tọa cho rằng, đó là do nhu cầu của nhân dân. Việc dâng sao giải hạn xuất phát từ đạo Lão, đạo Khổng, còn đạo Phật chỉ thờ Phật và Lễ Cầu an.
Nói thêm về đạo Phật, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết đạo Phật luôn có luật nhân - quả, làm việc tốt sẽ hưởng phúc báo tốt.
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam. |
"Cũng như ta trồng cây khế. Nếu trồng khế ngọt ta sẽ được quả ngọt; trồng khế chua sẽ được quả chua", Thượng tọa nói.
Nói về vận hạn, tam tai của con người, Thượng tọa trụ trì chùa Bái Đính Thích Thanh Nhiễu cho biết con người cũng có hạn theo từng chu kỳ lặp đi lặp lại. Đến một thời điểm nào đó, con người có thể gặp hạn. Theo Thượng tọa, phúc ít khi đến 2 lần nhưng họa có thể cùng một lúc nên mới có câu cửa miệng "nạn tam tai".
"Việc hóa giải nạn bằng lễ không thể giải quyết được mà chỉ có thể do mình cẩn thận hay không. Mặt khác, nó còn là do luật nhân - quả", Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khẳng định.
Chứng minh về lễ to, lễ nhỏ của người giầu, kẻ nghèo, vị sư Trụ trì chùa Bái Đính cho rằng nếu cứ có lễ to, tiền nhiều cung tiến vào chùa mà được khỏe mạnh, sống mãi thì người giầu sẽ sống "dai" và người nghèo "chắc chết hết". Vậy nên, vị này cho rằng, con người cần có cái tâm và làm những điều thiện. Đó chính là cách hóa giải hạn tốt nhất.