Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từng tổn thương toàn bộ phổi, bệnh nhân Covid-19 ở Thái Bình hồi phục

Do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân này đã phải trải qua 3 lần lọc máu để ổn định sức khỏe.

Chiều 14/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin bệnh nhân N.C., nam, 39 tuổi, mã số 13592, trú tại An Cầu, Quỳnh Phụ, Thái Bình, sau thời gian nguy kịch đã hồi phục và được chuyển khỏi khoa Hồi sức tích cực.

Ngày 13/6, người này tiếp xúc với F0 và có biểu hiện ho, sốt ở ngày 23/6. Sau 2 ngày điều trị tại tuyến cơ sở, bệnh nhân diễn biến nặng hơn, khó thở tăng dần và phải chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Người này trước đó cũng được phát hiện mắc đái tháo đường.

Ngày 25/6, người này nhập viện trong tình trạng khó thở, oxy mask không đáp ứng. Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân được chỉ định thở oxy lưu lượng cao bằng máy HFNC nhưng vẫn diễn biến xấu. Do đó, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy xâm nhập trước khi đưa lên khoa Hồi sức tích cực.

benh nhan covid-19 hoi phuc anh 1

Bệnh nhân C. hồi phục tốt sau 3 lần lọc máu và nhiều ngày thở qua nội khí quản. Ảnh: BVCC.

Tại đây, bệnh nhân phải thở máy qua nội khí quản, nồng độ oxy tối đa 100%, phù nhẹ toàn thân, tràn khí dưới da, hình ảnh X-quang tổn thương lan tỏa toàn bộ 2 phổi, chức năng phổi suy giảm nghiêm trọng.

Trước tình trạng này, các bác sĩ đã chỉ định lọc máu cho bệnh nhân, đồng thời theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, diễn biến lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng. Qua đó, bệnh nhân được điều chỉnh, bổ sung điện giải, albumin máu, thuốc chống rối loạn đông máu, chăm sóc hô hấp chuyên sâu và điều trị bội nhiễm phổi.

Bệnh nhân may mắn đáp ứng tốt, chức năng phổi cải thiện nhanh, giảm được nồng độ oxy trên máy thở xuống 50%. Tới ngày 30/6 và 1/7, ông C. được lọc máu thêm 2 lần liên tiếp.

Ngày 5/7, sau 8 ngày thở máy qua nội khí quản, bệnh nhân có cơ lực tốt, chức năng phổi hồi phục ổn, tập cai máy thở và được rút ống thở thành công, chuyển qua oxy kính.

Một ngày sau, bệnh nhân này chính thức qua cơn nguy kịch, sức khỏe hồi phục tốt, tình trạng tiểu đường cũng ổn định nhưng còn loạn thần do Covid-19.

Đến hôm nay (14/7), bệnh nhân toàn trạng tốt, sức khỏe ổn định và được chuyển khỏi khoa Hồi sức tích cực tới phòng điều trị trường hợp diễn biến nhẹ. Ông C. sẽ tiếp tục được theo dõi kết quả xét nghiệm Covid-19 đến khi đủ điều kiện xuất viện.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 14/7, các cơ sở y tế tại Việt Nam đang điều trị cho tổng cộng 9.211 bệnh nhân Covid-19, chiếm 46,19% người nhiễm SARS-CoV-2 của cả nước. Trong đó, 138 trường hợp nguy kịch, phải sử dụng tim phổi nhân tạo (ECMO) hoặc thở máy xâm nhập.

Ngoài ra, Việt Nam đang có 5.006 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 nhưng chưa có triệu chứng. Những người này đang chủ yếu được theo dõi tại các bệnh viện dã chiến và cơ sở cách ly tập trung.

Những F0, F1 nào ở TP.HCM được điều trị, cách ly tại nhà?

Phương án điều trị, cách ly F1, F0 tại nhà được thí điểm ở TP.HCM và áp dụng cho 2 trường hợp.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm