Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từng phổ cập xăng E bằng trợ giá, nay Thái Lan dự kiến giảm mục tiêu

Một số nước châu Á có điều kiện hạ tầng, phương tiện giao thông tương tự Việt Nam dùng xăng sinh học nhưng theo lộ trình cụ thể và dựa vào nhu cầu thị trường.

Từ 1/1/2018, Việt Nam chính thức thay thế hoàn toàn xăng RON 92 bằng xăng E5. Thị trường còn 2 loại xăng là xăng E5 và xăng RON 95, và về dài hạn sẽ loại bỏ hoàn toàn xăng RON 95. Trong khi đó, các nước láng giềng đã có quy định đưa xăng ethanol vào tiêu thụ từ lâu, và có lộ trình cụ thể từng bước để thực hiện kế hoạch này. 

Thái Lan tính việc hạ mục tiêu tiêu thụ xăng ethanol

Thái Lan đang thực hiện Kế hoạch Phát triển Năng lượng Thay thế 2015 (AEDP 2015) để phát triển năng lượng thay thế và năng lượng tái chế tới năm 2036. Mục tiêu chung của AEDP 2015 là nâng tỷ lệ tiêu thụ năng lượng tái chế lên 30% vào năm 2036.

Trong kế hoạch ban đầu, chính phủ Thái Lan hướng tới tăng lượng tiêu thụ xăng ethanol từ 1,18 tỷ lít năm 2015 lên 4,1 tỷ lít vào năm 2036.

Nước này đã khá thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ xăng ethanol bằng chính sách trợ giá bán lẻ (giá rẻ hơn 20-40% so với xăng cao cấp) đồng thời giảm thuế cho các phương tiện tương thích với xăng ethanol E20 và E85.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan dự kiến giảm mục tiêu tiêu thụ xăng ethanol theo AEDP 2015 từ 4,1 tỷ lít xuống còn 2,6 tỷ lít vào năm 2036 do những bất ổn trong sản xuất mật đường và sắn trong nước - 2 nguồn chính để sản xuất xăng ethanol.

xang e5,  xang ethanol,  xang sinh hoc e5 anh 1

Kế hoạch dừng bán xăng octane 91 E10 dự kiến từ 1/1/2018 của chính phủ Thái Lan cũng bị tạm hoãn do quan ngại rằng nguồn cung mật đường và sắn bất ổn sẽ khiến sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, nước này không muốn mở cửa để nhập khẩu nhiên liệu này.

Trong quý đầu 2017, lượng tiêu thụ xăng ethanol của Thái Lan là 0,3 tỷ lít, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng tiêu thụ xăng thường và cao cấp giảm xuống 0,1 tỷ lít. Trên toàn Thái Lan, số điểm bán xăng ethanol cũng tăng lên 2.396 điểm xăng E20 và 1.000 điểm xăng E85, tính tới tháng 4/2017, tăng lần lượt gần 10% và 20% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, Thái Lan dự báo lượng tiêu thụ xăng ethanol sẽ tăng lên 1,5 tỷ lít, tăng 7% so với năm 2017. Chính phủ nước này cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách trợ giá đối với xăng E20 và E85 thông Quỹ Xăng dầu Quốc gia.

Trung Quốc dùng xăng E để bớt ô nhiễm, thúc đẩy tiêu thụ ngô

Tháng 9/2017, chính phủ Trung Quốc đặt kế hoạch đưa xăng ethanol vào sử dụng trên toàn quốc, chiếm ít nhất 10% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2020 nhằm góp phần giảm tình trạng ô nhiễm không khí và thúc đẩy tiêu thụ ngô trong sản xuất công nghiệp.

Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra một lộ trình cụ thể thúc đẩy sử dụng xăng sinh học E10 (chứa 10% ethanol) trên thị trường ôtô lớn nhất thế giới.

Hiện tại, yêu cầu một tỷ lệ tối thiểu ethanol phải được pha trộn vào nhiên liệu dùng trong ôtô lưu thông trên đường phố, giống như ở Mỹ và Brazil, đang được áp dụng tại cấp tỉnh ở Trung Quốc.

Ngày đầu bán E5 thay xăng A92, cứ 10 khách mua thì 7 người chọn A95 Hôm nay, xăng A92 chính thức dừng bán nhưng một số người vẫn cố tìm mua. Trong khi đó tại điểm bán, xăng A95 chiếm doanh số áp đảo, xăng E5 cũng được đón nhận nhưng còn dè dặt.

9 tỉnh của Trung Quốc đang yêu cầu sử dụng 10% tổng lượng tiêu thụ bằng nhiên liệu sinh học gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, An Huy và Hà Nam.

Năm 2016, chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng xăng ethanol vào năm 2020 trong bối cảnh nước này đang tồn lượng ngô khổng lồ. Lượng ngô dự trữ của Trung Quốc ước tính là khoảng 200 triệu tấn, bằng nhu cầu của cả một năm.

Chính phủ nước này cũng đặt mục tiêu sản xuất nhiên liệu sinh học quy mô lớn trong nước, làm từ các nguồn như cỏ, cây và chất thải nông nghiệp, vào năm 2025.

Hiện Trung Quốc là nước sản xuất xăng ethanol lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, với sản lượng khoảng 2,1 triệu tấn một năm, nước này vẫn kém xa hai nhà sản xuất ethanol hàng đầu thế giới là Mỹ và Brazil.

Các nước Đông Nam Á đặt mục tiêu với xăng E như thế nào?

Còn ở Philippines, theo Đạo luật về Nhiên liệu sinh học năm 2007, Philippines yêu cầu các công ty sản xuất xăng dầu phải dùng nhiên liệu sinh học trong tất cả “nhiêu liệu lỏng cho motor và động cơ” bán tại Philippines. Phillippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có quy định về nhiên liệu sinh học.

Tất cả loại xăng bán tại nước này phải chứa ít nhất 5% ethanol tới tháng 2/2009, và tăng lên 10% vào năm 2011. Nước này đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng xăng ethanol lên 20% vào năm 2020.

Trong khi đó, Indonesia được dự báo trở thành thị trường xăng sinh học lớn thứ 6 thế giới vào năm 2022.

Nước này đặt mục tiêu nguyên liệu tái chế sẽ chiếm 23% tiêu thụ vào năm 2025, đồng thời giảm 29% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030. Xăng ethanol là cơ hội lớn để Indonesia đạt được các mục tiêu đầy tham vọng này, theo số liệu từ Hội đồng Ngũ cốc Mỹ (USGC).

Theo USGC, năm 2006, Indonesia ban hành chính sách ethanol quốc gia, tuy nhiên, phần lớn mục tiêu vẫn chưa đạt được.

‘Có khách hàng đến to tiếng và yêu cầu hút xăng E5 ra’

Theo nhân viên tại một số cửa hàng xăng dầu, đa phần khách đón nhận xăng E5 khá tích cực, nhưng vẫn có người e dè, thậm chí phản ứng gay gắt sau khi mua xăng sử dụng.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm