Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từng ông hoàng, bà chúa livestream đang biến mất

Từng là nghề hốt bạc, sự biến mất của nhiều KOL cùng lệnh cấm và kiểm soát từ chính quyền Trung Quốc đang báo động tương lai chết dần cho streamer.

Một tháng trước, Austin Li (tên thật Li Jiaqi) biến mất khỏi Internet.

Li được mệnh danh là “ông hoàng son môi” với 64 triệu người theo dõi. Anh từng bán được 15.000 thỏi son trong vòng 5 phút tại Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) ở Trung Quốc, theo CNN.

Li ngừng hoạt động trên mạng xã hội kể từ buổi phát trực tiếp bị cắt đột ngột. Nguyên nhân là trong livestream xuất hiện hình ảnh liên quan chính trị.

Vài giờ sau, Li đưa ra lời xin lỗi với lý do kỹ thuật và hứa sẽ trở lại.

Tuy nhiên, nam streamer không xuất hiện trong 2 sự kiện được lên lịch sau đó mà biến mất không lời giải thích.

livestream o trung quoc anh 1

Hình ảnh của Austin Li được quảng cáo trong Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) ở Trung Quốc.

Thắt chặt kiểm soát

Austin Li không phải streamer duy nhất biến mất ở Trung Quốc những tháng gần đây.

Tháng 11 năm ngoái, Viya (tên thật Huang Wei) bị phạt kỷ lục 1,3 tỷ nhân dân tệ (210 triệu USD) vì tội trốn thuế.

Viya có hàng triệu người theo dõi trên các nền tảng mua sắm lớn của Trung Quốc nhưng tất cả tài khoản đều bị xóa vào tháng 12. Cô không xuất hiện kể từ đó.

Trong khi Li và Viya dừng hoạt động, một cá nhân nhanh chóng xuất hiện để chiếm vị trí của họ.

Dong Yuhui, cựu gia sư tiếng Anh, thu hút hàng triệu người theo dõi khi livestream dạy tiếng Anh miễn phí. Công ty của Dong có 22 triệu người theo dõi trong chưa đầy 2 tháng.

Tình hình bấp bênh nhấn mạnh sự mong manh của những người lấy Internet làm cần câu cơm tại đất nước với nền kinh tế đứng thứ hai thế giới.

livestream o trung quoc anh 2

Viya tham dự buổi lễ phát trực tiếp về phúc lợi xã hội.

Li và Viya bị kiểm duyệt cho thấy việc kiểm soát những người phát trực tiếp là một phần trong nỗ lực thực thi quyền giám sát đối với ngành công nghiệp tư nhân, từ công nghệ đến bất động sản.

Từ năm 2012, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi “giấc mộng Trung Hoa”. Kiểm soát chặt chẽ tất cả các khía cạnh của xã hội - kinh doanh, giáo dục, giải trí và văn hóa - là trọng tâm của tầm nhìn này.

Cuối năm 2020, nước này phát động kiểm soát nhằm "giảm bất bình đẳng kinh tế". Cuộc đàn áp lên đến đỉnh điểm khi làm mất 3.000 tỷ USD giá trị thị trường của các công ty Trung Quốc trên toàn thế giới.

"Tôi thực sự nghĩ anh ta vô tình sai phạm. Hầu hết fan hâm mộ không nhận ra mối liên hệ giữa hình dạng của chiếc bánh kem và sự kiện chính trị đó", Cara Wallis, phó giáo sư Đại học Texas A&M, người nghiên cứu Truyền thông và Văn hóa trực tuyến của Trung Quốc, chia sẻ, cho rằng Li không có mục đích gì sâu xa.

Rongbin Han, phó giáo sư Đại học Georgia, nghiên cứu Chính trị Truyền thông và Internet của Trung Quốc, cũng tin rằng Li đã "vô ý".

livestream o trung quoc anh 3

Austin Li tham dự buổi lễ phát trực tiếp về phúc lợi xã hội ngày 23/11/2021.

Tương lai chết dần

Hai tuần sau sự việc của Li, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia và Bộ Văn hóa & Du lịch đã ban hành 31 hành vi bị cấm khi livestream.

Những người vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đưa vào danh sách đen và cấm hoạt động vĩnh viễn.

Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng cường đàn áp sự bùng nổ của ngành công nghiệp phát trực tiếp.

"Cần có thêm quy định cho từng lĩnh vực riêng", Wallis đề cập đến quy định yêu cầu streamer phải có bằng cấp liên quan để nói về một số chủ đề như luật, tài chính, y học, giáo dục.

livestream o trung quoc anh 4

Trung Quốc ban hành quy định riêng cho các streamer.

Kiểm soát nghiêm ngặt ngành công nghiệp phát trực tiếp có thể đem lại rủi ro cho kinh tế. Theo iResearch Consulting Group, quy mô thị trường thương mại điện tử phát trực tiếp ở Trung Quốc đạt 178 tỷ USD vào năm 2020, tăng 197% so với năm trước, và có xu hướng tăng lên 726 tỷ USD vào 2023.

Viễn cảnh đó chỉ xảy ra nếu sự tăng trưởng không chậm lại.

Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II so với năm ngoái. Chi tiêu tiêu dùng thấp trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong bối cảnh Zero Covid-19. Bất động sản khủng hoảng khiến nợ xấu và các cuộc biểu tình ngày càng tăng.

Bắc Kinh phát tín hiệu sẽ nới lỏng kiểm soát với lĩnh vực công nghệ - động lực tăng trưởng chính.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ thái độ không mấy mặn mà với thị trường. Tuần trước, Cục Quản lý Thị trường phạt một số công ty công nghệ vì vi phạm quy tắc chống độc quyền về việc tiết lộ giao dịch. Điều này ngay lập tức làm dấy lên một đợt bán tháo cổ phiếu mới.

"Việc một KOL bị kiểm duyệt dù vô tình sai phạm sẽ khiến mọi người dè chừng", Han nói.

Theo trang Syntun, tổng doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử trong lễ hội mua sắm trực tuyến ngày 18/6 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm lại so với mức tăng trưởng 27% vào năm 2021.

Dấu chấm hết của các cỗ máy bán hàng online

Sự mất hút của các influencer nổi tiếng nhất xứ tỷ dân đang làm rung chuyển thị trường bán hàng qua livestream, báo hiệu dấu chấm hết cho kỷ nguyên bùng nổ của ngành này.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm