Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Từng mang nhiều suy nghĩ tiêu cực, tôi thay đổi bản thân nhờ đại dịch

Thời gian giãn cách xã hội đã cho tôi cơ hội để tự "chữa lành" và sống khỏe mạnh, tích cực hơn.

vui ve,  yeu doi,  hanh phuc anh 1

Thời gian giãn cách xã hội đã cho tôi cơ hội để tự thay đổi bản thân và sống khỏe mạnh, tích cực hơn.

vui ve,  yeu doi,  hanh phuc anh 2vui ve,  yeu doi,  hanh phuc anh 3

Trần Huỳnh Bảo Vi (24 tuổi, Tân Bình)

Freelancer ngành truyền thông

6h30, tôi thức dậy, tập yoga trong 1 giờ rồi chuẩn bị đồ ăn sáng với bánh mì và một tách trà. Tôi sẽ ngồi vào bàn làm việc lúc 8h30 và tập trung cao độ để hoàn thành những công việc mình đã lên kế hoạch sẵn.

18h, tôi buông máy tính, thảnh thơi chạy bộ hoặc đạp xe.

Mỗi ngày của tôi trải qua đơn giản như vậy thôi. Với nhiều người, điều này có thể bình thường, nhưng với tôi, đó là một bước ngoặt lớn của cuộc đời mà may mắn tôi đã nhận ra và thay đổi sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Tôi bước vào bình thường mới với một tôi mới, khỏe mạnh và vững vàng, tự tin hơn. Người thân, bạn bè, người quen và... chính bản thân tôi đều bất ngờ với sự lột xác này


Tự đưa mình vào những “drama”

Hơn 5 năm qua, mỗi ngày của tôi từng là sự lặp lại của guồng quay “cắm mặt” vào điện thoại, máy tính để làm việc, bất kể ngày đêm, cuối tuần hay nghỉ lễ.

Tôi từng nghĩ đó là đặc thù của ngành mình theo đuổi, ai cũng phải "cày" để đạt KPI, để chứng minh năng lực và để không phải nói lời từ chối với khách.

Buông máy tính, tôi chia sẻ thời gian ít ỏi còn lại cho những giấc ngủ vùi, những cuộc hẹn hò tụ tập cùng hội bạn đi khuya về sớm và shopping, du lịch xa xỉ. Như bao "máy cày" khác, tôi quan niệm "work hard, play harder", phải chơi hết mình để bù đắp những lúc “sống theo deadline”.

Vòng quay đó bào mòn tôi, cả về kinh tế lẫn sức khỏe. Những khái niệm “tiết kiệm”, “dự phòng” không nằm trong từ điển của tôi. Thói quen thức khuya dậy muộn, ăn uống không điều độ khiến đồng hồ sinh học của tôi bị đảo lộn. Nhiều hôm, tôi phải nhờ đến thuốc an thần để đi vào giấc ngủ.

Tôi vịn vào lý do quá bận rộn mà không chăm lo cho bản thân. Tôi vứt xó thẻ gym dù tốn vài triệu bạc để mua. Tôi ngốn ngấu đồ ăn nhanh để tiết kiệm thời gian, hoặc thậm chí bỏ bữa.

Đỉnh điểm, cơ thể tôi “đình công”, đầu óc luôn trong trạng thái uể oải. Tôi bị sa sút trí nhớ, dù mới ngoài 20. Biết mình không thể giữ thói quen với vòng xoay đó, tôi quyết định thay đổi công việc ngay thời điểm thành phố có lệnh giãn cách xã hội và dành cho mình một khoảng thời gian để tái tạo lại năng lượng.

Trong giai đoạn giãn cách, tôi sống trong sự chăm sóc của mẹ. Mẹ tôi năm nay đã lớn tuổi, nay vừa làm chỗ dựa tinh thần, vừa làm chỗ dựa kinh tế cho tôi trong giai đoạn tạm nghỉ này. Những ngày ấy, tôi luôn tự nhắc mình về lời hứa ngày trước: Luôn làm chỗ dựa vững chắc của mẹ khi cần, và vì thế, tôi cần trở lại, tốt đẹp hơn.


Chọn bước lùi để tiến về phía trước

Sau nhiều ngày đối diện với thực tại và bản thân, cùng lời hứa ấy, tôi quyết định chấp nhận một “bước lùi”. Một bước lùi không tiệc tùng, du lịch và không có công việc đáng mơ ước. Nhưng đó sẽ là một bước lùi lấy đà cần thiết để tôi có thể mạnh mẽ tiến lên.

Bắt đầu từ chuyện cải thiện sức khỏe, tôi đã tham gia một lớp học yoga online. Tôi chủ động chọn lớp sớm nhất lúc 6h30 để ép mình từ bỏ thói quen dậy trễ. Cô giáo và những người bạn mới quen động viên, nhắc nhở cũng giúp tôi hứng thú và cảm thấy có động lực hơn.

Yoga giúp tôi khỏe mạnh và dẻo dai, tinh thần cũng lạc quan, tích cực hơn. Gần 3 tháng trôi qua nhưng tôi chưa bỏ tập buổi nào, bạn bè vô cùng bất ngờ.

Cải thiện được thể chất, tôi bắt đầu "refresh" trí óc, tôi lôi lại những quyển sách cũ ra đọc, hạ quyết tâm học tiếng Hà Lan và tham gia các khóa học ngắn hạn về kỹ năng sống. Tìm hiểu những thứ mới mẻ khiến tôi hứng thú hơn hẳn. Những kiến thức này sẽ là "của để dành" khi tôi bắt đầu một công việc mới sau đại dịch.

Trên hết, tôi nhận ra mình may mắn thế nào khi còn có gia đình ở bên cạnh. Ở nhà một thời gian, tôi nhận ra mình không cần quá nhiều mối quan hệ xã giao như vậy. Lâu rồi, tôi mới ngồi ăn cơm cùng mẹ và em trai. Tôi có thêm thời gian thử tài bếp núc và nấu nhiều món ngon cho mọi người. Hóa ra, không cần phải đánh đổi quá nhiều để tìm được hạnh phúc.


Hướng đến tương lai bình an và bền vững

Khi tinh thần và sức khỏe đều được cải thiện, tôi bắt đầu một công việc khác, cũng vừa lúc thành phố dần trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Lúc này, tâm thế của tôi khi làm việc cũng đã thay đổi. Thay vì làm ngày, làm đêm, luôn cố gắng tỏ ra bận rộn mà chưa rõ về hiệu quả công việc, tôi làm việc có kế hoạch và năng suất hơn.

Tôi tự lập cho mình một thói quen tách bạch giữa thời gian cho công việc và cuộc sống cá nhân. Tôi cũng mạnh dạn chia sẻ quan điểm này với đồng nghiệp và đối tác. Trái với suy nghĩ trước đây của tôi, hoá ra mọi người đều ủng hộ, khích lệ tôi dành thời gian hợp lý để “refresh” thể chất và tinh thần, vì như vậy, tôi mới có thể làm việc hiệu quả nhất.

Tôi sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong các mối quan hệ, dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho mẹ. Bà đã lớn tuổi, cần một chỗ dựa vững vàng nơi con gái.

Tôi cũng học được cách quản lý tài chính cá nhân. Tôi lập bảng ngân sách thu chi để kiểm tra dòng tiền ra vào. Với thu nhập kiếm được mỗi tháng, tôi áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ để quản lý tiền bạc. Đại dịch cũng dạy tôi nhận thức rõ hơn về những rủi ro có thể xảy đến với cuộc đời mình, để từ đó tính toán phương án bảo vệ, dự phòng tài chính. Tôi quyết định mua bảo hiểm cho bản thân, để an tâm theo đuổi một cuộc sống “khác thường” mà mình mong muốn.

Bảo hiểm cũng là món quà thiết thực mà tôi tặng mẹ. Nó sẽ đảm bảo sự bình an và bền vững cho tương lai của người mà tôi yêu thương nhất.

Bạn bè, người thân đều bất ngờ trước sự thay đổi của một tôi tích cực, tươi mới, kỷ luật, biết yêu bản thân và quan tâm đến người xung quanh.

Hành trình tiến về phía trước của tôi mới chỉ bắt đầu, hẳn sẽ còn nhiều chông gai. Nhưng tôi đã vượt qua cảm giác lo sợ khi nghĩ về tương lai, thay vào đó, tôi chủ động trang bị cho mình môt hành trang để tiến về phía trước.

Được thực hiện bởi Chuyên trang LifeStyle - Zing News và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam), chuỗi nội dung “Tiến về phía trước” là những câu chuyện có thật đầy cảm hứng về cách vượt qua giới hạn bản thân và nghịch cảnh của nhiều người ở độ tuổi khác nhau trên khắp cả nước. Chuỗi nội dung hứa hẹn tiếp thêm năng lượng tươi mới để độc giả có thêm động lực vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và tiến bước vững chắc về phía trước, cho một tương lai tươi sáng hơn.

Mai Đăng

Minh họa: Hina

Bạn có thể quan tâm