Tùng Dương nhận xét "Ngắm hoa lệ rơi" có giai điệu "không đến nỗi tồi" nhưng nếu được yêu cầu hát anh vẫn từ chối vì "không đủ kiên trì để thuộc lời".
Im lặng suốt gần một năm sau khi bị “ném đá” vì phát ngôn về Bolero, Tùng Dương nói rằng: “Tôi chỉ tiếc một điều là hồi đó sự thẳng thắn của mình chưa được thấu hiểu. Nhưng tôi không hối hận”, anh nói. Theo giọng ca Con cò, giữa môi trường tiêu cực, tích cực song hành, nghệ sĩ càng phải có chính kiến".
- Năm 2017, anh gây bão với phát ngôn: “Già trẻ lớn bé đắm đuối với Bolero đúng là sự thụt lùi”. Dù bảo vệ quan điểm của mình, nhưng được biết thời điểm đó anh cũng đã muốn gỡ bài phỏng vấn xuống và nghe đâu còn... khóc. Cuối cùng anh đã vượt qua như thế nào?
- Trừ khi là khóc vì xúc động, chứ tôi chưa bao giờ khóc vì những ý kiến trái chiều. Tôi vẫn luôn luôn như vậy, sống có lập trường và kiên định với những gì tôi nghĩ. Đó là quan điểm của tôi, khi quan điểm đi ngược với số đông sẽ gây lên sự trái chiều, và tôi chấp nhận.
Tôi chỉ tiếc một điều là hồi đó sự thẳng thắn của mình chưa được thấu hiểu. Nhiều người chỉ đọc tít bài mà không đọc những câu trả lời thực tâm của tôi, trong đó có cả những đồng nghiệp. Họ không đọc hết nên hiểu thiên lệch, tam sao thất bản.
Nhưng tôi không hối hận. Đã là nghệ sĩ phải nói được quan điểm dựa trên góc nhìn của chính mình. Tất nhiên, ai cũng có quyền phản biện, nó có thể đúng hay sai. Trái chiều thì mới là dư luận. Quan trọng là sau tất cả, tôi vẫn luôn bay bổng, sáng tạo và vẫy vùng trong không gian của chính mình.
- Sau đó vài tháng, anh đã bất ngờ hát một đoạn Bolero trên sân khấu. Nhiều người cho rằng đây là màn “phản pháo”, “khiêu khích”?
- Mỗi nghệ sĩ đều có những phút ngẫu hứng trên sân khấu, đó là sự ngẫu hứng của tôi. Tôi thể hiện điều đó để chứng tỏ rằng tôi không lên án hay có thái độ hằn học với dòng nhạc khác. Tôi vẫn có thể hát, tôi vẫn có thể thuộc nhưng tôi không theo đuổi.
Trong ký ức của tôi, bác hàng xóm cũng hay mở nhạc hoài niệm, và nó đã ăn sâu vào trí nhớ của tôi. Tôi rất trân trọng vì mỗi dòng nhạc đều có giá trị của nó, chứ không phải tôi hát để “trêu” ai.
- Thời điểm đó cũng có rất nhiều ca sĩ đã lên tiếng phản đối quan điểm của anh, trong đó gay gắt nhất có thể kể đến là Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Dương Triệu Vũ. Mối quan hệ của anh hiện tại với các đồng nghiệp showbiz thế nào?
- Trong quỹ thời gian ít ỏi của mình, mối quan tâm của tôi chỉ đủ để dành cho những bạn nghề thân thiết, cùng chung chí hướng, gu thẩm mỹ với tôi. Những người khác, họ có bầu trời riêng của họ. Tôi còn nhiều việc để làm hơn là ngồi bận tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về mình.
Về phát ngôn Bolero, như tôi đã nói, là một nghệ sĩ, tôi có quan điểm âm nhạc và có quyền đưa ra chính kiến của mình, tôi không chỉ trích. Một lần nữa, tôi nhấn mạnh tôi bảo vệ những gì mình nói.
- Ca sĩ Vũ Hà, người vẫn được giới thiệu như bạn thân của Đàm Vĩnh Hưng, sau đó cũng có quay một clip được cho là nhằm mục đích “đá xéo” anh và dòng nhạc dân gian đương đại. Anh nghĩ gì về điều này?
- Có chuyện đó ư? Tôi không biết và tôi không nghĩ họ rảnh vậy.
- Thực tế, gần một năm sau phát ngôn của anh, thị trường Bolero được cho là đã bão hòa, những đêm nhạc Bolero ở Hà Nội đang ít đi, game show Bolero trên sóng truyền hình cũng không còn được chú ý như trước. Anh đã dự đoán được điều đó?
- Nếu tất cả mọi người cùng chạy theo ồ ạt, không dành sự trân trọng cho dòng nhạc mà chỉ coi đó là cỗ máy kiếm tiền thì vị tất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Nếu chúng ta không thể sáng tạo cho nó, không chú tâm khai thác và hát bằng trái tim thì rất khó. Nhiều đồng nghiệp theo dòng đó, làm live show cho dòng nhạc đó nhưng chắc gì đã hát bằng trái tim.
- “Hát bằng trái tim”, anh có cơ sở nào để khẳng định điều đó?
- Tôi nghĩ không khó để nhận ra cảm xúc khi hát bằng trái tim. Hát bằng trái tim là hát không rập khuôn mà vẫn phải ra được màu sắc. Nhiều người cho là hát dòng nhạc đó nhưng không ra được chất nhạc đó.
Đã thế, một vài cây bút lại còn hào phóng "phong" cho họ những danh vị rất kêu như “nữ hoàng” hay "ông hoàng". Gọi như vậy là làm cho họ dễ ảo tưởng, không nhìn nhận đúng thực lực của mình. Những nghệ sĩ gạo cội cũng không tự phong họ như vậy mà ngược lại rất tỉnh táo.
Chúng ta nên nhìn nhận lại thấu đáo và chuẩn chỉnh hơn, công bằng với tất cả, và với khả năng của từng người. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ ảo tưởng. Tôi luôn nhìn rõ thực lực của mình, dù được nhiều người gọi là “divo” nhưng tôi không bao giờ tự nhận danh vị đó .
Tôi nghĩ nghệ sĩ hãy có lòng tự trọng, không ai nhìn rõ mình bằng chính mình. Danh vị ấy có phải phù phiếm và chứng thực được gì cho mình không, điều đó mới là quan trọng. Với tôi, chỉ cần gọi tôi là nghệ sĩ. Thế là đủ.
- Anh vẫn luôn xây dựng mình như một nghệ sĩ sáng tạo, nhưng 2 năm gần đây anh trắng giải Cống Hiến, dù giải thưởng này từng được ví von là “đất của Tùng Dương”. Có mâu thuẫn gì không, hay vì anh không còn nhiều sáng tạo?
- Giải thưởng luôn luôn là sự ghi nhận với bất cứ nghệ sĩ nào, nhưng tôi chưa bao giờ hoạt động nghệ thuật vì giải thưởng. Khi xuất hiện tại Sao Mai Điểm Hẹn 2004, tôi cũng không nghĩ mình phải chinh phục giải thưởng, tôi chỉ cần được giới chuyên môn và khán giả công nhận.
Gần 15 năm làm nghề, có rất nhiều điều tôi đã dám nghĩ, dám làm, và vượt qua chính mình. Tất cả giải thưởng như người bạn đồng hành, được hay không đã không còn quan trọng. Con đường vẫn thênh thang, tôi cảm thấy tự tin và cân bằng với những gì mình đang có.
Tôi vẫn chưa dừng làm nghề, vẫn cảm thấy tràn đầy năng lượng, năm nào cũng có dự án âm nhạc, có thể là live show hoặc album. Năm 2017, tôi có live show Trời và Đất, năm nay sẽ là chương trình Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng vào đầu tháng 6 tới, song song là album hát nhạc Nguyễn Cường. Bản tính tôi không ngồi một chỗ được.
- Nhạc Việt thời gian gần đây chuộng việc cover (hát lại) những hit một thời, và cũng đã có ca sĩ rất thành công như Hà Anh Tuấn. Anh nghĩ gì về xu hướng này?
- Về cơ bản, thích gì cũng có thể làm được. Đó có thể là một sự lội ngược dòng và đã được yêu mến. Nhưng tôi nhớ đến câu “cờ bạc ăn nhau về sáng”, như nhạc sĩ Trần Tiến mới đây đã nhắn nhủ tôi: “Hãy như ông Trần Hiếu, Trần Khánh, 80 tuổi vẫn hát”.
Xu hướng thì chỉ mang tính thời điểm, và chưa chắc đã có giá trị lâu dài. Quan trọng là giá trị thực đủ để đi đường dài, như người ta vẫn nói “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”.
- Anh có vẻ không đánh giá quá cao việc cover, nhưng việc anh hát nhạc Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, chẳng phải cũng là cover sao?
- Trước hết, đó là mối duyên của tôi với các nhạc sĩ. Bốn nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường là mãnh hổ, những người có tư tưởng, triết lý trong âm nhạc. Ca khúc của họ được viết lên bằng vốn sống và ca từ của chính các ông, chứ không phải phổ thơ người khác.
Tôi sinh sau đẻ muộn nhưng cũng đã có sự gắn bó với âm nhạc của các ông. Tôi vẫn gọi các ông là “bố”, âm nhạc của họ đã trở thành di sản của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc đó đã không phải chỉ thể hiện cảm xúc vui buồn cá nhân nữa mà hơn thế, còn thấm đẫm tinh thần dân tộc.
Bổn phận của tôi ngoài sáng tạo là phải gìn giữ, tạo sự kết nối giữa những màu sắc âm nhạc khác nhau. Tất nhiên, ở một khía cạnh nào đó cũng có thể gọi đó là cover, nhưng với tinh thần là cover để gìn giữ những giá trị âm nhạc đích thực, bất hủ với thời gian bằng cảm quan của một người nghệ sĩ yêu văn hóa dân tộc.
Tôi quan niệm, hát cover cũng phải cover cái gì cho đáng cover và phù hợp với chính mình.
- Gần đây, SlimV nêu quan điểm nhạc Việt đang bão hòa. Một số người than rằng, thị trường âm nhạc đang khá hỗn loạn, khi nhiều giọng ca không có năng khiếu tuyên bố đi hát, nhiều ca khúc vẫn bị gắn mác “nhạc chợ” lại làm mưa làm gió?
- “Bệnh” của người trẻ là thiếu kinh nghiệm sống, phát triển ồ ạt, bản năng, thích thì làm, không thích thì thôi. Giờ họ cứ hát, chứ có thời điểm bắt họ đi hát, họ cũng không đi hát nữa đâu.
Như vậy là hoạt động ngắn hạn thôi, còn nếu đam mê thực sự phải vượt qua được chính mình, từ thảm họa trở thành ngôi sao, gây ảnh hưởng tích cực tới công chúng.
Hit cũng có nhiều loại hit, hit theo kiểu mù tạt, cay xè, tức tốc rồi thôi, nhưng có hit là hướng đến giá trị lâu bền, có sức sống thực sự. Bài hát thành công ở nhiều định dạng khác nhau. Có bài thành công về thương mại nhưng không được ghi nhận ở mặt nghệ thuật, và ngược lại.
Và đương nhiên, giá trị thật thường thuộc về số ít, giá trị trôi nổi trên thị trường thì chỉ là nhất thời, không thể truyền cảm hứng, không thể là giá trị vĩnh cửu.
Nhưng công bằng mà nói, ai cũng có đối tượng khán giả của riêng mình, thảm họa cũng có khán giả. Khán giả họ cảm thấy ngộ ngộ, lạ lạ, xem để giải trí vì phù hợp với nhận thức, nhân sinh quan, tâm lý của họ.
Nhạc Tùng Dương biết đâu người ta bảo khó nghe, mệt, người ta chỉ muốn nghe dễ dãi. Ca khúc thảm họa đôi khi chỉ để bật cho vui. Còn nếu nó được vinh danh ở góc độ nghệ thuật thì lúc đó mới đáng lo ngại thực sự về sự lệch lạc.
- Anh sinh năm 1983, ít tuổi hơn Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương và cũng chỉ hơn Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn 1 tuổi. Nhưng trò chuyện với anh, lần nào anh cũng gọi các giọng ca trên thị trường hiện nay là “người trẻ”, và có ý nhận mình là thế hệ đi trước. Cớ sao anh phải khu biệt và tự nhận mình già như vậy?
- Thực ra, tôi và Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương hay Hà Anh Tuấn cũng có thể coi là cùng trang lứa, họ có thể đi hát trước tôi hoặc sau đó. Nhưng khán giả của họ trẻ hơn tôi thật. Khán giả của tôi thường trên 30 tuổi hoặc trung niên, và chinh phục cũng không hề dễ.
Bạn nói vậy cũng khiến tôi cũng chột dạ, chắc tôi cũng nên trẻ trung và trendy hơn vì ai chả thích trẻ. Đúng là khi nhìn lại chính mình, tôi cũng thấy mình "già" thật! (cười)
Tôi là nghệ sĩ đi theo trường phái sáng tạo nên fan cũng không quá đại chúng được, huống hồ tôi cũng không hát pop. Fan của tôi đa số cũng toàn “dị nhân” (cười), họ thường là dân mỹ thuật, kiến trúc... Chắc họ là những người tìm được những điểm tương đồng với nhân sinh quan của tôi thông qua âm nhạc.
- Anh có nghe nhạc trẻ?
- Tôi thường không chủ động nghe, nhưng nếu trên taxi hoặc radio mở thì tôi cũng có biết. Chẳng hạn như bài Em gái mưa. Tôi thấy bài đó vừa vặn với người trẻ, không bị cảm giác họ quá sức. Triết lý vừa phải, nội dung vừa phải sẽ phù hợp với thị hiếu số đông.
- Gần đây có Hoa Vinh và ca khúc “Ngắm hoa lệ rơi” nổi lên như một hiện tượng. Anh đã nghe chưa và có bình luận gì?
- Tôi thấy Ngắm hoa lệ rơi giai điệu cũng không đến nỗi tồi, nó na ná các ca khúc nhạc Hoa lời Việt từng được yêu thích một thời.
Về Hoa Vinh, tôi thấy bạn ấy hát không bị chênh phô, chưa thể coi là thảm họa. Biết đâu người như thế này lại được khán giả thích qua mạng xã hội, miễn là đừng tung hô quá mức.
- Anh vừa nói đến việc mình cần phải "trendy" hơn. Vậy giả thử được yêu cầu hát “Ngắm hoa lệ rơi” trên sân khấu, anh sẽ ứng xử thế nào?
- Thời còn học Nhạc viện, tôi cũng từng đi thử việc vài nơi để hát quán kiếm tiền. Hồi ấy, tôi hay chọn những bài như Ly cà phê Ban Mê hay Không thể và có thể... Tôi hát rất máu lửa, với khao khát đi làm để có tiền sinh hoạt.
Nhưng người ta lại bắt tôi hát nhạc Hoa lời Việt, vì thời đó nhạc này đang “hot”, nhiều đồng nghiệp của tôi đều nhận hát. Và tôi đã không chấp nhận làm theo yêu cầu đó. Bản tính của tôi đã như vậy rồi, tôi không thỏa hiệp để chiều theo yêu cầu khách hàng ở quán bar lúc đó.
Đến bây giờ khi đã có vị trí nhất định, tôi càng nhận thức được việc phải gạn lọc và làm những thứ phù hợp với chính bản thân mình nhất. Giữa môi trường tiêu cực, tích cực song hành, càng phải có chính kiến.
Với Ngắm hoa lệ rơi, chắc chắn tôi không nhận lời, giai điệu chưa đến mức phải gây cho tôi sự thú vị. Nhưng tất nhiên, nếu đứng trước “lựa chọn sinh tử” phải hát ca khúc này để sống, không thì chết, chắc tôi cũng phải cố gắng vậy (cười).