Bốn ngày trước, anh Tứ (quê Thanh Hóa) và nhiều người lái xe máy vượt qua các tỉnh, thành để về quê tránh dịch. Tối 25/7, họ đến đèo Hải Vân, thuộc địa phận Đà Nẵng.
"Ở lại TP.HCM cũng không có việc làm nên chúng tôi đi xe máy hơn 1.000 km về quê. Lúc nào dịch bệnh được khống chế, chúng tôi sẽ quay lại làm việc", anh Tứ nói.
Cũng như anh Tứ, hàng nghìn người dân sinh sống và làm việc ở TP.HCM đã chạy xe máy về quê. Theo lời họ, nhiều doanh nghiệp tạm thời ngưng hoạt động vì dịch nên người lao động thất nghiệp, không thể ở lại thành phố.
Hành trình mệt mỏi
Cùng hoàn cảnh, anh Nam (quê Quảng Trị) cho hay trong suốt hành trình trở về, đoàn phải dừng chân ở nhiều nơi để nghỉ ngơi, ăn uống lấy sức. Về đến Đà Nẵng, anh phải đi xe máy thêm 8 giờ nữa mới tới nhà.
Theo ghi nhận ở điểm dừng chân tại Đà Nẵng, nhiều người di chuyển chặng đường dài nên mệt mỏi, tạm chợp mắt ven đường. Chia sẻ với những khó khăn của người dân, lực lượng CSGT, những người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch đã hỗ trợ nước uống, mua bánh mì, đồ ăn nhanh.
Trường hợp nào tránh chốt kiểm soát, để lây lan dịch thì xử lý hình sự.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh
CSGT Đà Nẵng còn cử cán bộ, chiến sĩ dùng xe của đơn vị dẫn đường để người dân vượt đèo Hải Vân, sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hỗ trợ.
Trung tá Phạm Hồng Hải, Trưởng trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn (thuộc Phòng CSGT Công an Đà Nẵng), thông tin 2 ngày qua, đơn vị tiếp nhận 2 đoàn gồm 218 người và gần 120 phương tiện từ TP.HCM về Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...
Khi đi qua Đà Nẵng, người dân rất cẩn trọng, chia ra 5 tốp để di chuyển trong sự hỗ trợ của lực lượng công an.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt tại chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Trưa 26/7, hơn 3.000 người tự lái ôtô, xe máy từ TP.HCM và các tỉnh phía nam về Quảng Ngãi. Đến địa phận tỉnh này, người dân phải khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm.
Trao đổi với Zing, thượng tá Lê Hữu Nhân, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ngãi, nói do lượng người về quê lớn, đơn vị đã cử hàng chục cán bộ, chiến sĩ túc trực làm nhiệm vụ, kiểm tra chặt tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Tại cuộc họp bàn phương án chống dịch trưa 26/7, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường lực lượng công an, quân đội và y tế cho chốt kiểm doát dịch Covid-19 ở chốt Bình Đê (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ).
Tỉnh này quyết định bố trí kinh phí làm nhà bạt cách ly người dân trở về từ vùng dịch của các tỉnh, thành phía nam. Họ phải chờ làm thủ tục khai báo y tế, xét nghiệm.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các ngành, địa phương cần phát hiện sớm, cách ly tất cả trường hợp F1, F2 theo đúng quy định.
"Trường hợp nào trốn tránh chốt kiểm soát dịch, nếu để lây lan dịch bệnh, thì khởi tố, xử lý hình sự", ông Minh nhấn mạnh và kêu gọi toàn dân cùng chung tay chống dịch hiệu quả.
Tình hình dịch ở địa phương nóng lên
Tỉnh Đắk Nông là địa phương cửa ngõ nối Tây Nguyên và các tỉnh, thành phía nam nên những ngày qua, lực lượng chức năng phải gồng mình kiểm soát hàng chục nghìn người dân về quê tránh dịch.
Theo quy định của tỉnh này, người dân từ các tỉnh, thành phía nam đến Đắk Nông phải có giấy xét nhiệm âm tính với nCoV. Khi đến chốt kiểm soát, họ phải khai báo y tế theo quy định. Những trường hợp là công dân Đắk Nông được lấy mẫu xét nghiệm, khi có kết quả âm tính thì về địa phương cách ly 14 ngày.
Người dân từ TP.HCM trở về khiến tình hình dịch bệnh ở địa phương nóng lên từng ngày.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La
Nhiều ngày qua, Sở Y tế Đắk Lắk cũng ghi nhận hơn 10.000 công dân từ các tỉnh, thành phía nam đi xe máy về quê. Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho biết nhiều người dân từ TP.HCM trở về khiến tình hình dịch bệnh ở địa phương nóng lên từng ngày.
Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện để bà con về quê nhưng mọi người phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo ông, có những trường hợp khi đang ở vùng dịch chưa có triệu chứng, nhưng về địa phương khoảng 2-3 ngày thì phát bệnh.
"Do đó, người dân phải khai báo y tế thành thật. Nếu khai báo gian dối, việc truy vết sẽ gặp khó, dẫn đến lây lan dịch bệnh", ông La nói.
Ông cũng khẳng định tất cả người từ vùng dịch về Đắk Lắk phải cách ly 14 ngày.
CSGT Đức Phổ (Quảng Ngãi) đưa xe máy của người dân từ chốt kiểm soát về kho bãi bảo quản. Ảnh: Minh Hoàng. |
Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, ông La cho hay lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên quốc lộ 14 (tại cầu 14, thuộc xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột) phải thực hiện nghiêm việc kiểm soát người dân đến, về địa phương.
Những trường hợp trở về từ vùng dịch, nhất là 19 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nếu không có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (có hiệu lực trong vòng 72 giờ), thì không được qua chốt kiểm soát.
Những trường hợp có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khi vào tỉnh sẽ được xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nếu âm tính sẽ đến các cơ sở y tế để cách ly.
Để hạn chế dịch lây lan, tỉnh này thành lập hơn 3.000 tổ phòng, chống dịch Covid-19 tại các thôn, buôn, tổ dân phố của 15 huyện, thị xã, thành phố.
"Địa phương cũng kích hoạt nhiều khu để sẵn sàng đón người dân từ TP.HCM về cách ly theo quy định", ông La nói thêm
Chiều 26/7, chuyến bay mang số hiệu VJ302 đã chở 240 công dân tỉnh Thừa Thiên - Huế từ TP.HCM hạ cánh xuống Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.
Đây là những người được ưu tiên về quê trong đợt 1, gồm: Người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về quê điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Những người này sau đó được đưa về khu cách ly tập trung ở TP Huế.
Theo UBND Thừa Thiên - Huế, đến ngày 26/7 đã ghi nhận hơn 10.000 công dân từ TP.HCM đăng ký trở về địa phương. Để đảm bảo ai cũng được về quê, tỉnh này đã tiến hành phân loại và phối hợp với Hội Đồng hương tỉnh Thừa Thiên - Huế tại TP.HCM xác minh, lập danh sách theo đúng trường hợp ưu tiên.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang lập kế hoạch đón công dân về đợt 2 (dự kiến từ 27/7 đến 30/7) bằng tàu hỏa hoặc máy bay.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.
Bình luận