Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính xung quanh câu chuyện giá xăng dầu chạm đáy.
- Thưa ông, dự toán Ngân sách 2016 tính toán trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng nhưng với diễn biến những ngày đầu năm 2016, giá dầu thô xuống đến 30-35 USD/thùng. Điều này ảnh hưởng thế nào đến cân đối thu chi ngân sách năm nay?
- Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2016 với dự kiến giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng. Nhưng ngay 10 ngày đầu năm, giá dầu thô đã giảm sâu, có thời điểm xuống đến 33-31 USD/thùng.
Ngay trong tháng 12/2015, đã có dấu hiệu biến động của giá dầu thô, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị trong bộ xây dựng các phương án để thực hiện được nhiệm vụ thu chi ngân sách trong điều kiện giá dầu giảm. Trong các phương án đưa ra có phương án 25-30 USD/thùng.
Khi giá dầu ở mức 30 USD/thùng, giảm 30 USD/thùng so với dự toán thì tác động thu ngân sách cả gián tiếp và trực tiếp, thông qua thuế xuất nhập khẩu xăng dầu cũng như liên quan đến giá khí và các giá liên quan thì ngân sách bị tác động khoảng 45 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, về lợi ích của nền kinh tế, khi giá dầu giảm xuống, giá đầu vào của sản xuất giảm. Hàng năm ta đang sử dụng khoảng 14-16 triệu tấn xăng dầu/năm. Như vậy, đầu vào của nền kinh tế giảm tương ứng khoảng 2,5-2,9 tỷ USD.
Với việc giảm đầu vào như vậy, chúng tôi tin rằng đây là cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Nguồn thu ngân sách năm 2016 từ dầu thô chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng thu ngân sách của chúng ta. Như vậy, giá dầu giảm, nền kinh tế có điều kiện phát triển, tích lũy của nền kinh tế tăng lên, các khoản thu từ thuế quan trọng sẽ đảm bảo bù đắp được hụt thu từ dầu.
- Năm 2015, một trong những giải pháp ứng phó thiếu hụt ngân sách do giá dầu giảm, Bộ Tài chính đã điều chỉnh một số sắc thuế tăng lên. Điều này có tiếp tục được áp dụng trong năm 2016, các sắc thuế có tiếp tục được tăng lên để bù đắp hụt thu từ dầu hay không, thưa ông?
- Chúng ta đã kết thúc nhiệm vụ năm 2015 về thu ngân sách. Giá dự kiến là 100 USD/thùng nhưng thực tế chỉ có 54 USD/thùng, giảm 46 USD/thùng. Tổng số tác động đến ngân sách là trên 63.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ thực hiện các giải pháp mà quan trọng nhất là thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, đạt 6,68%, rồi chỉ số giá 0,63% và như vậy, với điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô quan trọng như vậy thì ngân sách 2015 tăng so với nhiệm vụ Quốc hội giao là 74.000 tỷ đồng.
Trong số tăng đó, số điều chỉnh từ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng, không quá lớn. 60.000 tỷ đồng còn lại là tăng từ 4 sắc thuế cơ bản như thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt. Ngoài ra là tăng thu từ sử dụng đất chỉ trên 10.000 tỷ đồng, đây không phải khoản lớn.
Nói cách khác, khi giá dầu biến động, cơ cấu nền kinh tế đã có sự biến động và nó tác động tích cực đến các nguồn thu xuất phát từ tích lũy nội bộ của nền kinh tế, đây là một cơ cấu tích cực.
Năm 2016, với mức độ giá dầu xuống đến 25 USD/thùng thì cơ bản cũng sẽ không phải điều chỉnh chính sách thu mà chúng ta làm sao tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng, ổn định lạm phát cơ bản trên dưới 2% thì chúng tôi tin rằng, nguồn thu từ các khoản thuế quan trọng của nền kinh tế sẽ tăng 10-12% so với 2015. Đó là nguồn căn cơ, cơ bản, không chỉ giúp bù đắp hụt thu mà còn tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
- Thưa ông, Bộ Tài chính có giải pháp làm thế nào để người dân và doanh nghiệp được thực sự hưởng lợi từ việc giá dầu giảm?
- Để hưởng lợi từ giá dầu giảm thì chúng ta cần phải điều hành kiên định theo nguyên tắc kinh tế thị trường đối với giá xăng dầu. Khi giá dầu thô thế giới giảm, ta thực hiện theo Nghị định của Chính phủ, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tương ứng phù hợp.
Khi giá xăng dầu giảm thì cơ bản toàn bộ nền kinh tế sẽ được hưởng lợi ích và sẽ dẫn đến chỉ số giá thấp, chỉ số lạm phát thấp, khi đó đầu vào của nền kinh tế thấp, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.
- Thưa ông, nhiều người dân, doanh nghiệp băn khoăn về việc vì sao giá dầu trong dự toán ngân sách lại có sự chênh lệch lớn so với thực tế như vậy. Liệu, năm 2016 này, Bộ Tài chính có đề nghị được điều chỉnh lại dự toán để chủ động hơn trong việc điều tiết cân đối ngân sách hay không?
- Giá dầu trên thế giới biến động khó lường, không theo dự báo và điều này diễn ra không chỉ ở ta mà các nước. Tháng 11/2015, Quốc hội thảo luận dự toán ngân sách và quyết ở mức 60 USD/thùng thì nhiều quốc gia cũng quyết dự toán ngân sách 2016 ở mức 55-60 USD/thùng. Giá dầu lúc bấy giờ cũng ở mức 55-58 USD/thùng nên giá dầu những ngày đầu biến động xuống 30 - 33 USD thì đúng là khó lường.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, số thu từ dầu thô trước đây rất lớn, chiếm 15-20% thậm chí có thời điểm chiếm 25% tổng thu ngân sách nhưng nay thu từ dầu chỉ khoảng hơn 5% tổng thu nên chúng ta có rất nhiều dư địa, giải pháp, biện pháp cụ thể để khuyến khích sản xuất kinh doanh, phát triển các nguồn thu khác. Như vậy, chúng ta có dư địa không chỉ bù đắp được sự suy giảm của dầu mà còn phấn đấu đảm bảo dự toán, cân đối ngân sách, đảm bảo nhiệm vụ chi của ngân sách mà còn tăng thu được cho ngân sách.
Giá dầu thô giảm kỷ lục. Đà tuột dốc không phanh này đã bắt đầu từ 15 tháng trước và đến nay, tháng 1/ 2016, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Phiên giao dịch gần đây nhất tại Mỹ hôm 11/1 đã ghi nhận, loại nhiên liệu sống còn của mọi nền kinh tế này chốt giá mức thấp nhất trong 12 năm qua, chỉ còn hơn 31 USD/thùng. Và điều đáng lo ngại nhất, liệu xu hướng này sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngân sách Việt Nam năm nay, khi Quốc hội đã thông qua với mức dự toán là 60 USD/thùng? Liệu rằng, kịch bản hụt thu ngân sách trung ương vì giá dầu như năm 2015 có tái diễn?
Cùng với áp lực giảm hàng nghìn dòng thuế theo các cam kết Hiệp định thương mại tự do, đây sẽ là một thách thức to lớn cho không chỉ điều hành ngân sách nói riêng mà cho cả nền kinh tế năm 2016.