Giáp Tết, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng đột biến. Đây được xem là "mùa gặt" của các sàn TMĐT tại các quốc gia đón tết Âm lịch.
Ngoài yếu tố tiện lợi, một số người dùng cho rằng việc mua hàng trên sàn TMĐT giúp họ cảm thấy an tâm hơn, không chỉ được bảo vệ quyền lợi, các tính năng xuất hiện trên nền tảng còn hỗ trợ người dùng nắm rõ chi tiết thông tin đơn hàng.
Hàng nhái tiếp tục tràn lan trên các sàn trước Tết
“Nhu cầu mua sắm của khách hàng cận Tết bao giờ cũng mạnh hơn. Lượng đơn đặt hàng của tôi tăng gấp 2-3 lần thời điểm thông thường. Không chỉ mình tôi, nhiều bạn bè buôn bán cùng cũng tranh thủ khoảng thời gian này để đẩy mạnh quy mô bán hàng”, anh Tùng Vũ, chủ một gian hàng ví da thủ công trên một sàn TMĐT cho biết.
Giày Nike được bán với giá không quá 500.000 đồng trên sàn TMĐT dù giá thị trường cao gấp 10 lần. |
“Công việc bận rộn cuối năm khiến mình hầu như không có thời gian đi siêu thị hay mua sắm. Bản thân tâm lý cũng ngại ra đường, hạn chế tiếp xúc bên ngoài vì sợ Covid-19”, chị Phương Linh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo chị Linh, việc mua hàng trên sàn TMĐT vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, điển hình là tình trạng hàng nhái, kém chất lượng được bày bán tràn lan trên các sàn TMĐT.
Theo ghi nhận của Zing trên hệ thống một sàn thương mại điện tử, các sản phẩm được bày bán có mức giá chênh lệch nhau rất nhiều, đặc biệt là mặt hàng thời trang có logo, nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng.
Cùng một mẫu mã, thương hiệu giày thể thao adidas, có gian hàng bán giá vài triệu đồng, có gian chỉ bán giá chưa đến 300.000 đồng. Thậm chí, một số gian hàng rao bán sản phẩm với giá dưới 100.000 đồng. Những mặt hàng này đã tồn tại từ lâu trên các sàn. Thậm chí, một số sản phẩm được bày bán từ những dịp sale 9/9, 11/11 với hàng nghìn đơn đã được hoàn thành.
"Túi hiệu LV" chỉ có giá 79.000 đồng trên một sàn TMĐT. |
Với từ khóa "Gucci", thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng, cả Lazada và Shopee đều trả về kết quả là những sản phẩm có giá dưới 1.000.000 đồng. Thậm chí, một số gian hàng còn bán những mẫu túi xách với giá chưa đến 200.000 đồng trong khi hàng chính hãng được bán 40.000.000 đồng.
"Đây không thể là hàng thật được. Nói trắng ra đây là hàng nhái bởi chúng sử dụng logo, thiết kế giống hệt hàng thiệt", Phồng Đào Quí, chuyên gia thẩm định sản phẩm thời trang xa xỉ chia sẻ.
Bên dưới phần đánh giá sản phẩm, nhiều người dùng nhận xét sản phẩm họ mua được là hàng kém chất lượng và khuyên mọi người không nên mua.
“Hàng như đồ rởm, không nên mua”, tài khoản @thomas3009 để lại đánh giá sau khi mua một sản phẩm trên một sàn TMĐT.
Muôn kiểu lách luật
Những sản phẩm này được người dùng phản hồi khá tệ, thường xuyên nhận đánh giá 1 sao. Tuy nhiên, ngay cả khi nhận được nhiều phản hồi tiêu cực từ người mua hàng, sản phẩm này vẫn xuất hiện công khai trên hệ thống của sàn.
“Việc hàng giả, hàng nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng như Nike, adidas, Chanel, Zara không hề hiếm. Đúng là sàn thường xuyên quét sản phẩm nhái, kém chất lượng trên nền tảng. Nhưng chỉ cần một vài mẹo nhỏ, nhà bán lẻ có thể qua mặt dễ dàng hệ thống và tiếp tục bày bán trên sàn”, anh Vũ chia sẻ với Zing.
Theo anh Vũ, cách thức đơn giản nhất để đăng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng là tránh đề cập tên hãng trên tiêu đề, tên sản phẩm hay phần mô tả. Cẩn thận hơn, nhà bán lẻ có thể chèn hình hoặc làm mờ phần logo thương hiệu.
Bên cạnh giá bán rẻ, để thu hút khách, anh Vũ cho biết nhiều chủ gian hàng sẵn sàng tạo tài khoản ảo, đơn hàng ảo để tăng lượt đánh giá, phản hồi tích cực. Đây là phương án không tốn nhiều chi phí, công sức để tăng uy tín cho sản phẩm.
Các sàn TMĐT cần có trách nhiệm hơn
Trả lời Zing, đại diện Shopee cho biết công ty luôn phối hợp chặt chẽ với các nhãn hàng và chủ sở hữu nhãn hiệu theo quy trình Giải Quyết Khiếu Nại Quyền Sở Hữu Trí Tuệ, và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu nhãn hiệu để xác minh và loại bỏ hàng giả/hàng nhái theo trình tự pháp luật.
Tuy vậy, việc giá sản phẩm chênh lệch một cách vô lý được Shopee giải thích là việc không bất thường. Đặc biệt, rất nhiều sản phẩm được sàn đăng bán từ nhiều tháng với hàng nghìn đơn được hoàn thành.
Nhu cầu mua sắm cận Tết tăng mạnh tạo điều kiện phát triển cho hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ảnh: Chí Hùng. |
"Chúng tôi ghi nhận giá sản phẩm không cao có thể không phản ánh chất lượng sản phẩm, và trong nhiều trường hợp mỗi nhãn hàng có thể có chính sách bán hàng khác nhau. Giá cả sản phẩm có thể tương ứng với từng trường hợp cụ thể của từng nhãn hàng cụ thể (bao gồm bán hàng tồn kho, hàng cận date, hàng thanh lý...", đại diện Shopee cho biết.
Thế nhưng, cách giải thích trên không nhận được sự ủng hộ từ người dùng và cả những từ những sàn có quy trình kiểm duyệt hàng hóa chặt chẽ.
"Các sàn dễ dàng sử dụng thuật toán để giải quyết vấn đề này. Chí ít, với những sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng như Chanel, LV, Gucci... thì mức giá dưới 500.000 mà để tồn tại trên sàn là quá vô lý. Chỉ có sàn không muốn làm chứ không có chuyện không chống hàng nhái được", Y. Như, cựu nhân viên mảng chống gian lận nền tảng của một sàn TMĐT cho biết.
Theo bà Như, một số biện pháp nhỏ như kiểm soát giá sàn, đối chiếu với giá thị trường, quét hình ảnh... các sàn thương mại đã có thể giảm thiểu khá nhiều hàng nhái thương hiệu nổi tiếng xuất hiện trên nền tảng.
Trả lời Zing, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính cho rằng vấn đề nằm ở chính sách hậu kiểm. “Tất cả hàng hóa cần chứng minh nguồn gốc xuất xứ trước khi được đăng bán. Không thể để hàng lậu bày bán tràn lan rồi xử lý sau khi phát hiện hay bị người dùng báo cáo được”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, các sàn thương mại điện tử giống như một ban quản lý chợ. Ban quản chợ phải chịu một phần trách nhiệm vì thiếu kiểm soát, để các gian hàng trong chợ xảy ra vi phạm.
Đồng thời, ông Thịnh cho rằng các sàn thương mại điện tử cần phải có công nghệ rà soát chặt chẽ hơn nữa. "Sau khi hoàn thành thủ tục bán hàng, nhiều chủ shop vẫn có thể trộn hàng hóa lậu, nhái vào để tiếp tục bày bán", ông Thịnh nói thêm.