Tuần tới, vàng có thể giảm xuống 34 triệu đồng/lượng
Theo các nhà phân tích, giá vàng tuần tới có thể sẽ chịu áp lực từ sức mạnh của đồng đô la Mỹ, cùng với các dữ liệu kinh tế Mỹ như sản xuất, doanh số bán lẻ và lạm phát nên sẽ giảm sâu.
Ở phiên cuối tuần qua, trên sàn Comex, Mỹ giá vàng giao tháng 6 giảm về 1.436,6 USD/ounce, mất khoảng 1,89% trong cả tuần. Nhiều dự đoán rằng vàng vẫn sẽ chịu áp lực giảm trong tuần tới. Theo khảo sát trên Kitco News Gold Survey, trong số 36 người được hỏi, đã có 25 người trả lời, trong đó có 8 đoán giá đi lên, 11 người cho rằng giá sẽ giảm và 6 ý kiến đoán giá sẽ đi ngang.
Tham gia vào cuộc khảo sát hàng tuần này là các công ty kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, nhà giao dịch hàng hóa giao sau, nhà quản lý quỹ, và chuyên gia phân tích đồ thị kỹ thuật.
Sau khi di chuyển trong phạm vi khá hẹp vào đầu tuần này, giá vàng chuyển sang giảm khá mạnh trong ngày thứ Sáu do áp lực bán chốt lời trước khi kết thúc tuần của các nhà đầu tư và đồng USD tăng giá mạnh hơn.
Ông Robin Bhar, người đứng đầu mảng nghiên cứu kim loại quý của ngân hàng Pháp Societe Generale, cho biết rất ngạc nhiên khi thấy giới đầu tư bán vàng trong tuần này, vì trước đó, ông kỳ vọng giá vàng sẽ giữ trong phạm vi rộng hơn từ 1.450 - 1.550 USD/ounce. “Mặc dù tôi bi quan về triển vọng giá vàng, nhưng tôi đã nghĩ là giá vàng sẽ giữ giá tốt hơn”, ông Bhar nói.
Một phần nguyên nhân khiến vàng giảm về dưới mức 1.440 USD/ounce là do kim loại quý này không thể phá vỡ được mức kháng cự 1.480 USD - 1.490 USD/ounce và do lực mua vàng vật chất giảm xuống khi giá đã ở mức cao hơn. Thị trường chứng khoán tăng mạnh mẽ cũng kéo nhà đầu tư ra khỏi vàng.
Vàng vẫn có thể giảm sâu trong tuần tới. |
Hầu hết những người tham gia thị trường đều đang tập trung sự chú ý vào dữ liệu kinh tế Mỹ trong tuần tới, trong đó có một số báo cáo quan trọng được dự kiến phát hành. Các báo cáo này bao gồm doanh số bán lẻ, các chỉ số sản xuất công nghiệp và dữ liệu lạm phát.
Các nhà phân tích tài chính cho biết các dữ liệu sẽ ảnh hưởng đến hướng đi ngắn hạn của đồng đô la Mỹ và bất kỳ con số nào ở trên có mức dưới con số đã kỳ vọng thì khả năng sẽ gây ra sự trượt giảm của đồng USD. Như vậy, có thể thấy các báo cáo kinh tế trong tuần tới cũng sẽ rất quan trọng đối với giá vàng. Nếu các báo cáo trên cho con số tốt hơn so với dự kiến, đó sẽ là áp lực giảm cho vàng, và ngược lại, nếu các dữ liệu kinh tế thấp hơn so với dự kiến, vàng có thể sẽ tăng giá.
Ông Bhar đưa ra thêm lý do, đó chính là cuộc tranh luận của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc duy trì chương trình nới lỏng định lượng. “Cuộc tranh luận này sẽ không có kết quả vào tuần tới hoặc tháng tới”, ông Bhar nhận định. Có thể vàng tìm được sự hỗ trợ trong vùng từ 1.380 - 1.420 USD/ounce vì lực mua có thể tăng ở vùng giá này.
Đồng quan điểm trên, chiến lược gia thị trường Adam Klopfeinstein của công ty Archer Financial Services, cũng cho rằng trong ngắn hạn vàng vẫn chịu áp lực giảm. Theo ông Adam Klopfeinstein dự đoán, giá vàng có thể sẽ giảm xuống mức 1.380 USD/ounce (tương đương 34,9 triệu đồng/lượng).
Một số quan điểm khác cho rằng, giá vàng đang giằng co giữa một bên là lực mua vàng vật chất từ châu Á, một bên là lực bán tại các quỹ tín thác (ETF). Sau một thời gian liên tục bán ròng, các quỹ tín thác vàng lần đầu tiên đã mua ròng 2,5 tấn trong phiên thứ Năm vừa qua.
Ông George Gero, Phó chủ tịch công ty RBC Capital Markets Global Futures, cho biết, ông sẽ theo dõi xem liệu các quỹ ETF sẽ mua hay bán trong tuần tới. Tuy nhiên, theo ông Gero, còn quá sớm để cho rằng, xu hướng bán của các quỹ này đã chấm dứt.
Tương tự, Joyce Liu, chuyên viên phân tích của Phillip Futures tại Singapore nhận định, đừng vội kết luận rằng thái độ đối với vàng đã thay đổi. Tổng lượng vàng của các quỹ vẫn giảm. Tính chung cả tuần qua, riêng quỹ ETF vàng lớn nhất là SPDR Gold Trust đã bán ròng 13,9 tấn vàng.
Theo VnMedia