Nghiên cứu loài tuần lộc bằng camera đo nhiệt, các nhà nghiên cứu phát hiện mũi chúng đỏ rực lên khi trời lạnh. Màu đỏ thể hiện khu vực nhiệt độ cao, cho thấy lượng lớn máu lưu thông qua mũi tuần lộc nhằm giữ ấm cho vùng cơ thể không có lông bao phủ.
Tuần lộc mũi đỏ trong câu chuyện truyền thuyết về Noel. Ảnh: Blogspot. |
Trên thực tế, mũi tuần lộc là phần cơ thể duy nhất của chúng tiếp xúc trực tiếp với môi trường lạnh giá. Để chiếc mũi không bị đóng băng, tuần lộc phải bơm lượng máu lớn tới sưởi ấm chiếc mũi. Mũi hoạt động tốt giúp tuần lộc duy trì khứu giác nhạy cảm để nó tìm thấy thức ăn trong điều kiện khắc nghiệt.
Các nhà khoa học tại Đại học Lund rút ra kết luận trên sau khi theo dõi những cá thể tuần lộc ở Vườn thú động vật Bắc Âu, Thụy Điển. Giáo sư Ronald Kröger, người dẫn đầu chương trình nghiên cứu cho biết: “Khi tuần lộc ăn, mũi của chúng tiếp xúc trực tiếp với tuyết. Nó phải bơm máu để giữ ấm phần cơ thể này”.
Kết quả từ máy quay nhiệt cho thấy, mũi và mắt tuần lộc ấm hơn những phần còn lại của cơ thể. Tuy nhiên, đặc điểm này của loài tuần lộc trái ngược hoàn toàn với loài chó, khi mũi của chúng lạnh hơn những phần khác. Các nhà nghiên cứu chưa thể giải thích sự khác biệt này, dù chó và tuần lộc đều phải sử dụng khứu giác nhạy bén để sinh tồn.
Tuần lộc mũi đỏ Rudolph là sinh vật tưởng tượng, ra đời lần đầu tiên năm 1939. Rất nhiều câu chuyện xung quanh con vật giả tưởng này được lan truyền nhưng tất cả chúng đều xoay quanh chiếc mũi đỏ của Rudolph, giúp nó dẫn đầu đoàn xe của ông già Noel di chuyển trong bão tuyết dày đặc. |