Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuần 'ác mộng' với cổ phiếu nhóm FLC Group

Nhóm cổ phiếu FLC chiếm các vị trí đầu trong danh sách cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần 10-14/1, tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết theo đó bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần 10-14/1 đầy biến động khi chỉ số liên tiếp lao dốc trong những ngày đầu tuần, hồi phục nhẹ rồi lại tiếp tục rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.500 điểm.

Tâm điểm của thị trường trong tuần vừa qua tập trung chính vào đà rơi của cổ phiếu bất động sản và nhóm FLC Group sau hai sự kiện tiêu cực là Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm và chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu.

Thị giá FLC rơi gần 29%

Nếu như cổ phiếu bất động sản đã bắt đầu được "giải cứu" dù vẫn giảm mạnh, thì đối với các cổ phiếu nhóm FLC Group thì tiêu cực hơn rất nhiều bởi hầu hết luôn trong tình trạng mất thanh khoản.

Với riêng mã FLC, trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng bán chui, mã chứng khoán này đã được kéo về mức đỉnh lịch sử 22.550 đồng (ngày 7/1), cao gấp 5 lần chỉ trong khoảng một năm giao dịch.

Đến phiên đầu tuần 10/1, FLC bất ngờ ghi nhận thanh khoản cao đột biến hơn 135 triệu đơn vị được sang tay với tổng giá trị trên 3.100 tỷ đồng. Thanh khoản cao những cổ phiếu cũng rơi về sát giá sàn.

Ngay sau đó FLC bắt đầu xuất hiện thông tin chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết thông báo đăng ký bán 175 triệu cổ phiếu kể từ 10/1. Tuy nhiên, văn bản dù được ký ngày 5/1 nhưng cũng được công bố trên website công ty từ tối 10/1 và HoSE không nhận được thông báo.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước và HoSE sau đó đã có những động thái rất quyết liệt đối với hành động bán chui của ông Quyết (do tái phạm). Cơ quan nhà nước cho biết ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên 10/1 mà không công bố thông tin dù là người nội bộ.

Theo đó, giao dịch bán chui của ông Quyết hôm 10/1 đã ngay lập tức bị hủy bỏ. Các nhà đầu tư có lệnh đối ứng với chủ tịch FLC đã được hoàn trả tiền trong ngày 12/1 đã nhận được niềm vui, trong khi các nhà đầu tư kém may mắn hơn khi không có lệnh đối ứng trên đã phải nhìn tài khoản bốc hơi không phanh.

Trinh Van Quyet,  ban chui co phieu,  nhom FLC Group anh 1

Cổ phiếu FLC rơi mạnh 5 phiên trong tuần 10-14/1. Đồ thị: TradingView.

Đến phiên 11/1, cổ phiếu FLC tiếp tục rơi mạnh quanh giá sàn nhưng cũng ghi nhận thanh khoản cao kỷ lục trên sàn chứng khoán với gần 155 triệu cổ phiếu được sang tay (gần 22% vốn công ty). Đây cũng được xem là cơ hội lớn nhất để nhà đầu tư có thể thoát hàng trước khi thông tin tiêu cực tiếp theo xảy đến.

Ủy ban chứng khoán Nhà nước sau đó càng hành động quyết liệt hơn khi thông báo sẽ tiến hành phong tỏa toàn bộ tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết đến khi có quyết định mới. Sau đó, nhiều công ty chứng khoán cũng bắt đầu cắt hoặc hạ margin đối với nhóm cổ phiếu FLC càng làm trầm trọng thêm vấn đề của nhóm này.

Cổ phiếu FLC trong 3 phiên giao dịch cuối tuần rơi vào tình trạng mất thanh khoản, chỉ số cổ đông may mắn có thể bán được tổng cộng vài trăm nghìn đến vài triệu cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bị "kẹp hàng" khi lượng dư bán sàng mã FLC xoay quanh 70 triệu cổ phiếu, cổ đông nhìn tài khoản bốc hơi nhưng cũng không thể cắt lỗ.

Tính chung cả tuần, thị giá FLC từ vùng đỉnh lao dốc về 16.100 đồng, tương đương với mất hơn 29% giá trị. Trong đó có 2 phiên giảm sát sàn và 3 phiên cuối tuần mất thanh khoản ở giá sàn.

Cổ đông FLC chịu thiệu hại nặng nề từ đợt khủng hoảng này. Chẳng hạn một nhà đầu tư rót 1 tỷ đồng vào hôm đạt đỉnh có thể nhìn tài khoản bay hơi 286 triệu đồng và nổi đau này dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi cổ phiếu vẫn mất thanh khoản.

Riêng tài khoản ông Trịnh Văn Quyết cũng bốc hơi tỷ lệ tương tự. Do bị hủy giao dịch nên chủ tịch FLC vẫn nắm giữ 215,4 triệu cổ phiếu với tỷ lệ hơn 30,3% vốn công ty. Theo đó, tài khoản của cá nhân này cũng sụt giảm gần 1.400 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Giá trị thị trường của lượng cổ phiếu FLC mà ông Quyết đang nắm giữ chỉ còn hơn 3.400 tỷ đồng.

Vạ lây hệ sinh thái

Không chỉ riêng mã FLC, vụ bán chui kinh điển của ông Trịnh Văn Quyết còn làm vạ lây đến các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này.

Tình cảnh "nằm sàn" cũng diễn ra hàng loạt với các cổ phiếu có liên quan như ROS, KLF, HAI, AMD, ART khi giảm sàn 4-5 phiên trong tuần. Thậm chí các phiên cuối tuần cũng luôn trong tình trạng mất thanh khoản do lượng chất sàn lên đến hàng chục triệu đơn vị từ khi mở cửa đến khi hết phiên giao dịch.

Trong số này ROS, HAI và AMD giao dịch trên sàn HoSE nên thị giá chỉ mất khoảng 25-30% giá trị. Trong khi đó cổ đông KLF và ART lại chịu tổn thất lớn hơn cả do giao dịch trên sàn HNX (biên độ lớn hơn).

STT Sàn HoSE (biên độ 7%) Giảm giá (%) Sàn HNX (biên độ 10%) Giảm giá (%)
1 ROS 29,69 ART 38,12
2 FLC 28,6 KLF 31,07
3 HAR 28,48 BST 27,49
4 TGG 26,76 PVL 27,08
5 DAG 25,38 VE2 23,77
6 AMD 24,78 SVN 23,66
7 HAI 24,57 CEO 23,14
8 QBS 23,81 BII 21,64
9 CKG 22,75 SMT 21,43
10EVG22,22LIG20,87

Trong đó giảm sâu nhất trên các sàn niêm yết là mã ART của Chứng khoán BOS (một công ty chứng khoán sân sau của FLC Group). Thị giá rơi gần như thẳng đứng từ 18.100 đồng về 11.200 đồng, tương ứng giảm hơn 38%. Ông Quyết đang nắm giữ gần 3,2 triệu cổ phiếu ART với giá thị trường chỉ còn 35 tỷ đồng.

Còn cổ phiếu ROS giảm sâu nhất trên sàn HoSE khi mất gần 30% trong tuần. Ông Quyết đã từ chức chủ tịch HĐQT tại công ty này từ tháng 5/2017 và liên tục bán hơn 267 triệu cổ phiếu ROS để không còn là cổ đông lớn và người nội bộ, do đó đã không còn diện phải công bố thông tin.

Theo báo cáo đến 31/12/2020, Chủ tịch FLC sở hữu 23,7 triệu cổ phiếu ROS, tương ứng 4,17% vốn. Giả sử ông Quyết giữ nguyên tỷ lệ sở hữu này đến hôm nay thì số cổ phiếu ROS trong danh mục của ông có giá trị 267 tỷ đồng.

Một khoản đầu tư lớn khác của ông Quyết trên sàn là tại mã GAB của công ty Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC. Mã chứng khoán này thông thường ít giao dịch nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt khủng hoảng vừa qua.

Thị giá GAB hiện tại đạt 193.000 đồng, vẫn tăng hơn 6,2% trong tuần vừa qua nhưng với tổng khối lượng khớp lệnh chỉ là 10.400 cổ phiếu.

Cá nhân ông Quyết là đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 7 triệu cổ phiếu GAB, tương đương với tỷ lệ nắm giữ 51,1% vốn. Giá trị thị trường của khối cổ phiếu này là hơn 1.360 tỷ đồng.

Ngoài tài sản trên sàn chứng khoán, ông Quyết còn được biết nắm giữ cổ phần tại một số công ty đại chúng khác. Trong đó đáng kể có việc sở hữu 56,5% vốn hãng hàng không Bamboo Airways tại ngày 1/6/2021 và 52,49% vốn của FLCHomes tại cuối năm 2020.

Phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết

Ngoài việc sẽ bị HoSE hủy bỏ toàn bộ giao dịch bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn bị phong tỏa tài khoản chứng khoán từ 11/1.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm