Năm 2006, người sáng lập Amazon Jeff Bezos và Jack Ma cùng tham dự một hội nghị ở San Francisco. Khi đó, cha đẻ Alibaba đang thao thao bất tuyệt trước đám đông im lặng về công ty sắp thống trị thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Vào thời điểm ấy, chẳng ai tưởng tượng nổi Alibaba sẽ đối đầu và giành chiến thắng trước gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ ở thị trường Trung Quốc.
17 năm trôi qua, Amazon lại có thêm một đối thủ khác là PDD Holdings - công ty mẹ của nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo và sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu. Với sự hậu thuẫn của gã khổng lồ công nghệ Tencent, PDD đã bành trướng quy mô nội địa cho Pinduoduo và bắt đầu lấn sân sang thị trường nước ngoài.
Chiêu bài giá rẻ để lôi kéo người dùng
Mang ý nghĩa là "cùng nhau, tiết kiệm nhiều hơn", Pinduoduo được thành lập vào năm 2015 bởi Colin Huang - cựu nhân viên Google và từng sáng lập nhiều công ty khởi nghiệp khác, bao gồm một công ty game. Ban đầu, Pinduoduo chỉ bán hàng tạp hóa giá rẻ, sau đó nhanh chóng đa dạng hóa sang các danh mục sản phẩm giá thành phải chăng khác.
Với kinh nghiệm startup công ty game, Huang đã đặt Pinduoduo trên một con đường khác với Alibaba và JD. Nền tảng này liên tục tung ưu đãi giảm giá sâu cho người dùng. Thậm chí, nhiều mặt hàng còn miễn phí với điều kiện chia sẻ cho nhiều bạn bè khác, đặc biệt là qua WeChat - ứng dụng có hơn 90% dân số Trung Quốc sử dụng.
Một người dùng Trung Quốc đứng giữa đống đồ mua từ Pinduoduo, bao gồm cả xuồng hơi, xe đồ chơi lẫn đàn organ. Ảnh: New York Times. |
Những năm đầu, thậm chí các sản phẩm được bán trên Pinduoduo có giá rẻ tới mức được so với "rác". Người dùng chẳng ngại bỏ một chút tiền để mua một đống đồ mà nhiều khi họ không sử dụng.
Nhờ đó, Pinduoduo đã phát triển rất nhanh trong cộng đồng WeChat. Các link tặng mã giảm giá lan truyền nhanh chóng thông qua các hội nhóm, đặc biệt nhóm người lớn tuổi ở nông thôn. WeChat Pay cũng giúp trải nghiệm mua sắm thuận tiện hơn. Người dùng có thể sử dụng ví WeChat của họ để mua các mặt hàng giá rẻ, lược bỏ các bước rườm rà như liên kết tài khoản ngân hàng.
Sau khi có được lượng người dùng khổng lồ ở vùng quê Trung Quốc, Pinduoduo bắt đầu hướng tới người dân thành thị giống như Alibaba và JD. Đến năm 2017, doanh thu hàng năm của Pinduoduo đã vượt 100 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD), chỉ sau Taobao và JD.com. Cùng năm đó, Pinduoduo dần chuyển người dùng từ WeChat sang ứng dụng của riêng mình.
Sự tăng trưởng như vũ bảo này đã đưa sàn thương mại điện tử niêm yết tại New York vào năm 2018, chỉ 4 năm sau Alibaba.
Colin Huang - cha đẻ của Pinduoduo. Ảnh: EL CEO. |
"Chúng tôi không đặt mục tiêu trở thành Alibaba tiếp theo. Pinduoduo đại diện cho một mô hình hoàn toàn khác. Mọi người có thể gọi tôi rẻ tiền, nói rằng tôi chỉ là một người mới bắt đầu nhưng chắc chắn không thể phớt lờ tôi", Huang tuyên bố. Ông khẳng định chiến lược cốt lõi của công ty không phải là rẻ mà là "thỏa mãn cảm giác nhận deal hời cho người dùng".
Năm 2019, Pinduoduo đã tìm cách rũ bỏ hình ảnh "hàng chất lượng thấp", "hàng giả" bằng cách khởi xướng kế hoạch trợ cấp 10 tỷ. Cụ thể, sàn thương mại hỗ trợ tiền mặt cho các nhà bán lẻ để đổi lấy việc bán hàng giá rẻ hơn.
Các khoản giảm giá của Pinduoduo ưu tiên sản phẩm cao cấp như iPhone. Đây là chiến thuật rất quan trọng vì hãng đã thành công thuyết phục nhiều người dùng rằng họ có thể tìm thấy hàng chính hãng với mức chiết khấu trên Pinduoduo.
Pinduoduo nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ hàng loạt tung ưu đãi giảm giá sâu cho người dùng. Ảnh: Reuters. |
Tôn chỉ của Pinduoduo là bảo vệ người mua. Người mua có thể được hoàn tiền ngay lập tức mà không cần phải trả lại hàng nếu có phàn nàn về hàng hóa. Đây là một trong những chiến lược giúp Pinduoduo giành được người dùng và tạo khác biệt với đối thủ.
Bành trướng ở Mỹ nhờ chiêu đốt tiền cho marketing
Khi số lượng người dùng ở Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2022, PDD bắt đầu tìm cách tạo ảnh hưởng ở nước ngoài.
Lần đầu tiên ra nước ngoài của tập đoàn là vào tháng 9/2022 bằng cách ra mắt Temu - viết tắt của “team up, price down” - tại Mỹ, một thị trường Alibaba từng cố gắng nhúng tay nhưng không thành công.
Với khẩu hiệu "Mua sắm như một tỷ phú", Temu đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng mua sắm ở Mỹ chỉ sau vài tuần. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, trong Quý III/2023, trung bình người dùng dành thời gian cho Temu và Shein lâu hơn 30% so với Amazon.
Temu có chuỗi logistic hiệu quả, thân thiện với cả người mua và người bán. Ảnh: Nikkei. |
Nói về lý do đằng sau sự thành công nhanh chóng của nền tảng, Temu chia sẻ họ mang đến cho người mua hàng nhiều lựa chọn hơn để tiêu nhiều tiền hơn. “Chuỗi cung ứng toàn cầu được số hóa của Temu đã tăng hiệu quả hoạt động, giảm chi phí thường thấy trong ngành bán lẻ truyền thống”, đại diện sàn thương mại điện tử nói.
Temu không sở hữu bất kỳ cửa hàng nào và chỉ sử dụng dịch vụ giao hàng của bên thứ 3. Nhưng khâu xử lý logistic mới là yếu tố quan trọng trong việc thu hút các nhà cung cấp. Nếu sản phẩm được PDD duyệt, người bán chỉ cần phải vận chuyển hàng hóa đến một nhà kho được ở Quảng Đông, Trung Quốc. Sau đó, Temu sẽ chịu trách nhiệm tất cả khâu còn lại bao gồm vận chuyển ra nước ngoài và các dịch vụ sau bán hàng.
Theo các chuyên gia, sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu ở Mỹ một phần là nhờ chiến dịch marketing đốt tiền. Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới một cú sụp đổ trong tương lai. Theo Sensor Tower, chi phí quảng cáo của Temu tại Mỹ ước tính đã tăng gấp 15 lần so với năm ngoái trong 11 tháng đầu năm 2023.
Theo nhà phân tích Sky Canaves, mặc dù việc chi tiền vào quảng cáo để thu hút khách hàng đã thành công, tình trạng Temu tiếp tục thua lỗ trong thời gian dài là dấu hiệu đáng quan ngại.
Thực tế đã xuất hiện nhiều biểu hiện cho thấy sự bùng nổ của Temu ở Mỹ trước đó đang dần mất đà. Người dùng hoạt động hàng tháng của hãng đã tăng đều đặn từ tháng 1-10 nhưng lại giảm khoảng 1 triệu, xuống còn 63,7 triệu người trong tháng 11.
Góc tối sau thành công của đế chế thương mại điện tử
Theo Nikkei, việc giữ giá thấp và luôn khiến khách hàng hài lòng cũng đi đôi với cái giá phải trả. Ngay cả trong môi trường áp lực cao như Trung Quốc, công việc tại PDD vẫn quá khắc nghiệt. “Nếu bạn không muốn ngủ, bạn có thể gia nhập công ty. Còn nếu không, tôi không khuyên bạn đừng làm thế”, một cựu nhân viên giấu tên nói với Nikkei.
Môi trường làm việc ở PDD rất khắc nghiệt. Ảnh: Reuters. |
Người này cho biết tất cả nhân viên của PDD đều phải sử dụng biệt danh tại nơi làm việc. Một người từ một nhóm không có quyền truy cập vào sơ đồ tổ chức của nhóm khác. PDD cũng tích cực ngăn cản sự tương tác giữa các nhân viên và liên tục xóa nhóm WeChat của đồng nghiệp với nhau.
Trong khi các công ty đối thủ có lịch làm việc rất linh hoạt, PDD lại dùng hệ thống chấm công, quy định ra vào rất nghiêm ngặt. Nói với Nikkei, một số nhân viên cho biết họ phải làm việc 6 ngày/tuần và 12 giờ/ngày. Trễ một phút sẽ bị trừ lương một giờ.
PDD tích cực chiêu mộ những người có tham vọng kiếm tiền vì họ sẽ làm việc chăm chỉ và ngoan ngoãn hơn. Khi phỏng vấn, công ty thường hỏi các câu hỏi cá nhân như tình trạng mối quan hệ, quê quán gia đình họ hay có đang trả nợ không…
“Mục đích của những câu hỏi này là để sàng lọc những người mong muốn kiếm tiền và sẵn sàng cống hiến thời gian của mình cho công ty”, một nhân viên giấu tên nói.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.