Vụ khủng bố tại San Bernardino làm chết 11 người. Bằng chứng mà một trong hai tên sát nhân để lại là chiếc iPhone 5C bị khóa. Không tìm ra cách mở khóa, FBI yêu cầu Apple phải tạo ra phiên bản iOS đặc biệt để họ đột nhập vào chiếc iPhone 5C này.
Tuy nhiên, Apple ngay lập tức bác bỏ yêu cầu trên. Tim Cook thậm chí còn cho rằng FBI đang muốn họ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, vì không có gì khẳng định công cụ mà họ tạo ra để mở khóa lại không rơi vào tay những kẻ có mục đích xấu.
Cuộc tấn công thế kỷ đang diễn ra đã khẳng định một cách đanh thép nhận định của vị CEO Apple là hoàn toàn chính xác. Khi độc dược được tạo ra thì không thể tránh khỏi những hành động độc ác. Theo nhiều báo cáo gần đây, WannaCry đã lây nhiễm hơn 200.000 máy tính trên khắp 150 quốc gia chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Tim Cook từng thẳng thừng từ chối yêu cầu tạo ra công cụ hack chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố từ FBI. Ảnh: BGR. |
Theo BGR, Wanna Cry được phát triển dựa trên phương thức tấn công EternalBlue do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) phát triển, nhằm thu thập thông tin từ các máy Windows đối thủ. Công cụ này bị nhóm hacker Shadow Brokers đánh cắp, sau đó phát đi cho bất kỳ ai trên thế giới sử dụng. Chỉ 4 tuần sau, WannaCry xuất hiện.
Ngày hôm nay đã cho thấy chính xác những gì đang xảy ra khi các hacker mũ trắng không thể bảo vệ được vũ khí của chính mình. Nhà nghiên cứu bảo mật Matthew Hickey, người luôn theo dõi vụ việc từ sau khi các công cụ của NSA bị đánh cắp cho biết: "Tôi thậm chí còn ngạc nhiên rằng tại sao 'vũ khí' của NSA lại không được sử dụng sớm hơn".
Vì vậy, trong khi những lời hứa của cựu giám đốc FBI James Comey với Apple rằng sẽ bảo mật 100% an toàn phiên bản tùy chỉnh iOS kia vẫn chưa nguội lạnh, WannaCry bắt đầu hành hạ cả thế giới. Thực tế chứng minh nếu NSA có thể, thì FBI hoàn toàn có thể theo sau họ.
Cuộc chiến giữa FBI và Apple từng gây xôn xao dư luận một thời nay đã đến hồi ngã ngũ. Ảnh: Techcrunch. |
Những lời nói của Tim Cook trong cuộc phỏng vấn với ABC hồi năm ngoái giờ đây rõ ràng hơn bao giờ hết: "Chúng tôi sẽ không bao giờ làm việc tốt cho vài người mà có thể tạo ra tiền lệ xấu đến hàng trăm triệu người khác. Chúng ta cần nhìn rộng ra vấn đề và làm việc dựa trên nguyên tắc. Thông tin cá nhân ngày nay có trong chiếc smartphone của bạn còn nhiều hơn cả trong nhà... Thậm chí, vị trí những đứa trẻ trong gia đình bạn cũng có thể bị một ai đó biết được, do đó, đây không chỉ là vấn đề riêng tư mà còn là sự an toàn của cộng đồng".
Trùng hợp thay khi nói về vấn đề an toàn công cộng, thì một trong những địa điểm đầu tiên mà WannaCry lây nhiễm chính là hệ thống máy tính tại một số bệnh viện trên khắp Vương quốc Anh.
Cuối cùng, người phát ngôn của Microsoft hôm chủ nhật (14/5), Giám đốc Pháp lý Brad Smith đã đưa ra tuyên bố làm choáng váng cơ quan chính phủ nhiều quốc gia. Một trong số đó có đoạn:
"Cuộc tấn công WannaCry cho thấy những hành động khai thác lỗ hổng bảo mật của các chính phủ thực sự là một vấn đề đáng quan ngại. Đây là một hình thức nổi lên trong năm 2017. Chúng tôi nhìn thấy rủi ro từ hoạt động thu thập lỗ hổng của CIA xuất hiện trên Wikileaks, và bây giờ tới lượt NSA gây ảnh hưởng cho rất nhiều khách hàng trên toàn thế giới..."
"...Nhiều thông tin về lỗi bảo mật do chính phủ khai thác đã bị rò rỉ công khai và gây thiệt hại diện rộng. Điều này có thể làm hình dung về một kịch bản tương tự xảy ra với vũ khí, khi quân đội Mỹ bị đánh cắp tên lửa Tomahawk. Cuộc tấn công lần này cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa hai hình thức nghiêm trọng nhất có thể đe dọa đến an ninh không gian mạng thế giới ngày nay: hành động của chính phủ và hành động của tội phạm có tổ chức".