Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự tử hàng loạt sau khi bang Ấn Độ liệt 4 triệu người vào diện nhập cư

Tháng trước, Ashraf Ali, 88 tuổi, nói với gia đình ông đi lấy đồ ăn cho bữa tối sau mặt trời lặn, phong tục của đạo Hồi trong tháng lễ Ramadan. Nhưng ông lại uống thuốc độc tự tử.

Ông Ali và gia đình, sống ở bang Assam, đông bắc Ấn Độ, vừa bị một người hàng xóm tố cáo, buộc họ phải chứng minh mình là người Ấn Độ. Nếu không chứng minh được, ông Ali sẽ bị bắt giữ.

“Ông ấy sợ sẽ bị đưa vào trại giam, và tên của ông sẽ không được vào danh sách cuối cùng” của các công dân Ấn Độ, người cùng làng Mohammed Ghani nói với BBC.

Danh sách công dân - cuộc săn phù thủy?

Bang Assam lập Danh sách Công dân (National Register of Citizens) từ năm 1951, về lý thuyết để xác định ai có quê quán ở đây và ai là dân nhập cư từ Bangladesh. Danh sách này đang được cập nhật lần đầu tiên.

an do tu tu anh 1
Tháng 7/2018, chính quyền công bố danh sách công dân sơ bộ, loại đi khoảng 4 triệu người đang sống ở Assam. Ảnh: AFP.

Tháng 7/2018, chính quyền công bố danh sách công dân sơ bộ, loại đi khoảng 4 triệu người đang sống ở Assam, chủ yếu là người dân tộc Bengal, cả theo đạo Hồi lẫn đạo Hindu. Họ được cho là những người chuyển đến Assam từ Bangladesh, sau ngày 24/3/1971 khi vùng lãnh thổ này tách ra thành quốc gia độc lập.

Danh sách này làm dấy lên lo ngại về một “cuộc săn phù thủy” nhằm bắt giữ, trục xuất dân tộc thiểu số sống ở bang Assam, theo BBC.

Tuần trước, chính quyền loại khoảng 100.000 người khác ra khỏi danh sách.

Ngoài danh sách công dân, hàng loạt các tòa án được lập ra trên khắp bang kể từ những năm 1980 để nhận diện những người bị cho là “cử tri đáng ngờ” hoặc “người nhập cư bất hợp pháp”, trước khi trục xuất họ.

Danh sách công dân và các tòa án trên là nguồn gốc của căng thẳng giữa dân bản địa và những người bị cho là từ nơi khác đến. Vấn đề ai được quyền sống tại Assam đã buộc nhiều người tìm đến cái chết.

Sợ rằng sẽ mất quyền công dân và bị bắt giam, hàng chục người Bengal, theo cả đạo Hồi lẫn đạo Hindu, đã tự vẫn kể từ năm 2015, khi Assam bắt đầu thực hiện cập nhật danh sách công dân.

Tổ chức Công dân vì Công lý và Hòa Bình cung cấp cho BBC danh sách 51 vụ tự sát ở Assam, được cho là vì “quá căng thẳng” do sắp mất quyền công dân. Prasenjit Biswas, nhà hoạt động nhân quyền, nói danh sách sẽ gây ra “thảm họa nhân đạo”, với hàng chục nghìn công dân đích thực trở thành vô nhà nước.

an do tu tu anh 2
Danh sách công dân làm dấy lên lo ngại về một “cuộc săn phù thủy”. Ảnh: Tổ chức Công dân vì Công lý và Hòa bình.

Những vụ tự tử thương tâm

Cảnh sát bang Assam thừa nhận những cái chết đó “bất thường”, nhưng cho biết không có đủ bằng chứng cho thấy những vụ tự tử liên quan đến danh sách công dân.

Nhà nghiên cứu Abdul Kalam Azad đã theo dõi các vụ tự tử kể từ quá trình cập nhật danh sách bắt đầu từ năm 2015. “Số vụ tự tử tăng đáng kể từ khi chính quyền công bố danh sách sơ bộ vào năm ngoái”, ông nói với BBC.

“Tôi đã đến thăm người thân của họ. Những người tự tử đều bị liệt vào dạng ‘người ngoại quốc’ hoặc ‘cử tri đáng ngờ’. Trường hợp nào cũng rất đáng thương”.

Samsul Haque, 46 tuổi, người lao động thời vụ ở quận Barpeta ở Assam, tự tử tháng 11/2018 vì vợ ông, Maleka Khatun, không được vào danh sách công dân, theo Tổ chức Công dân vì Công lý và Hòa Bình.

Có trường hợp danh sách công dân gây ra bi kịch xuyên thế hệ. Tháng ba năm nay, Bhaben Das, 49 tuổi, người lao động thời vụ ở quận Udalgiri, tự tử do không thể trả tiền đã vay để thuê luật sư, theo gia đình ông.

30 năm trước, cha của ông cũng tự sát, sau khi tòa án buộc ông phải chứng minh mình là công dân. Cuối cùng, tòa phán quyết ông đúng là công dân, vài tháng sau khi ông đã chết.

an do tu tu anh 3
Gia đình này gặp bi kịch xuyên thế hệ: Bhaben Das, 49 tuổi, tự tử do không thể trả nợ phí luật sư. 30 năm trước, cha của ông cũng tự sát vì bị buộc phải chứng minh quê quán. Ảnh: Tổ chức Công dân vì Công lý và Hòa bình.

Khi Nirode Baran Das, giáo viên và luật sư, bị phát hiện đã chết trong nhà riêng ở khu vực Kharupetia của Assam. Bạn bè và người thân tìm thấy ba giấy tờ bên cạnh giường: thông báo của cơ quan phụ trách danh sách công dân liệt ông vào diện “người ngoại quốc”, thư viết tay nói không ai gây ra cái chết của ông, và thư nhờ vợ ông trả những khoản nợ nhỏ vay của bạn bè.

“Ông ấy tốt nghiệp trường trung học địa phương năm 1968, và dạy ở đây 30 năm. Giấy chứng nhận tốt nghiệp chính là bằng chứng ông ấy không phải người ngoại quốc. Chính quyền phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ông”, anh trai Akhil Chandra Das nói.

Mohammed Sanaullah, cựu chiến binh Ấn Độ, bị giam 11 ngày sau khi bị coi là “người nước ngoài”, khiến dư luận cả nước phẫn nộ. “Tôi sẵn sàng hy sinh tính mạng cho Ấn Độ. Tôi vẫn sẽ là người Ấn Độ. Quy trình này hỏng bét rồi”, ông Sanaullah nói sau khi được thả.

Hạn cuối cho đợt cập nhật danh sách công dân lần này là 31/7, và hàng trăm nghìn người Bengal sẽ rơi vào tình trạng “vô nhà nước”.

“Phần lớn trong số 4 triệu người vừa mới bị loại khỏi danh sách công dân vừa qua sẽ không được đưa trở lại vào danh sách cuối cùng, có thể hơn một nửa”, Hafiz Rashid Choudhury, luật sư địa phương, nói với BBC.

 “Tương lai của họ thật đen tối”.

Biểu tình ở Ấn Độ: Tầng lớp 3000 năm bị xã hội ruồng bỏ

Khoảng 200 triệu dân Ấn Độ là người Dalit, tầng lớp bị coi là “không đáng đụng tới”. Sau nhiều năm Ấn Độ tăng trưởng và hiện đại hóa, sự thù ghét của xã hội vẫn là bi kịch với họ.

70 năm chia cắt Ấn Độ, Pakistan: Những tháng ngày kinh hoàng

Ngày 14-15/8 này, Pakistan và Ấn Độ kỉ niệm 70 năm độc lập. Nhưng bình minh đầu tiên của hai nước năm 1947 là những ngày đen tối nhất của thế giới trong thế kỉ 20.



Ba Melania Trump gay tranh cai hinh anh

Bà Melania Trump gây tranh cãi

0

Nhiều người đang thắc mắc và tranh luận về việc bà Melania Trump xuất hiện tại sự kiện chính trị và nhận được thù lao, trong lúc chồng là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm