Dưới đây là bài dịch tự truyện của Drogba:
Đầu mùa 2007, chiếc ghế của Jose tại Chelsea bắt đầu lung lay. Cả ông ấy lẫn chủ tịch đều là những người có cá tính mạnh và có chung một khát khao chiến thắng cháy bỏng. Chỉ có điều quan niệm về cách làm sao để giành chiến thắng của cả hai lại khác nhau quá nhiều.
Ông chủ yêu cầu chúng tôi phải vô địch Champions League và Premier League bởi mùa trước Chelsea chẳng giành nổi một trong hai chiếc cúp này.
Quãng thời gian đầu mùa, chúng tôi đều hiểu Jose đã phải chịu sức ép lớn thế nào từ các nhân vật cấp cao của đội bóng. Điều gì đến cũng phải đến, giữa ông ấy và ngài chủ tịch bắt đầu nảy sinh bất đồng liên quan tới việc làm sao để đưa Chelsea trở lại quỹ đạo chiến thắng.
Như tôi đã nói, cả hai suy cho cùng cũng chỉ là con người nên bất đồng quan điểm là điều chẳng thể tránh khỏi.
Kết cục, vị huấn luyện viên đáng kính, người đã trở thành một phần cuộc sống của tôi suốt ba năm qua đành phải ngậm ngùi nói lời chia tay đội bóng khi chặng đường còn đang dang dở.
Quyết định chấm dứt hợp đồng với Jose Mourinho của Chelsea khiến tôi nhận ra thứ quy luật nghiệt ngã: bóng đá là công việc và ở đây không có chỗ cho những cảm xúc dư thừa khi người ta phải đi đến một quyết định khó khăn.
Một cá tính mạnh như Mourinho không thể nhún nhường trước ngài chủ tịch Abramovich. |
Tôi tức tốc chạy tới trước mặt ngài chủ tịch và hỏi ông ấy tại sao, tại sao lại có thể đưa ra một quyết định như vậy vào thời điểm này. Đã chẳng tìm được tiếng nói chung tại sao ngài không sa thải Jose ngay từ cuối mùa trước đi?
Dù đang rất bình tĩnh nhưng tôi cần phải biết được những gì ông ấy thực sự nghĩ. Roman nói với tôi ông thực sự muốn trao thêm cho Jose một cơ hội trong giai đoạn đầu của mùa giải mới.
Tôi hiểu và tôn trọng quyết định của ngài chủ tịch. “Ngày nào tôi còn thi đấu cho Chelsea”, tôi quả quyết với Roman, “tôi sẽ cống hiến hết mình cho đội bóng bởi tất cả con người tôi đều thuộc về nơi này”. Chúng tôi bắt tay nhau, mọi khúc mắc đều chấm dứt.
Những cột mốc đáng chú ý trong nhiệm kỳ đầu tiên của Mourinho tại Chelsea (2004 - 2007):
2/7/2004: Chính thức nhận chức huấn luyện viên trưởng.
27/2/2005: Vô địch cúp Liên đoàn Anh.
30/4/2005: Vô địch Ngoại hạng Anh.
4/5/2005: Ký hợp đồng mới có thời hạn 5 năm.
29/4/2006: Vô địch Ngoại hạng Anh (sau khi đánh bại MU 3-0).
27/2/2007: Giành cúp Liên đoàn (sau khi hạ Arsenal 2-1).
19/5/2007: Giành cúp FA (sau khi đánh bại MU 1-0).
19/9/2007: Rời Chelsea sau những bất đồng với Abramovich.
Sau ngày thầy Jose ra đi, không khí trong phòng thay đồ làm con người ta thật sự khó thở. Một số cầu thủ bắt đầu tự dằn vặt bản thân về những điều tồi tệ đã xảy đến với huấn luyện viên. Họ nghĩ rằng màn trình diễn dưới sức của mình trên sân đã gián tiếp dẫn tới việc Jose phải chia tay Chelsea.
Một màn đêm đen tối đang bao trùm lên phòng thay đồ của đội bóng.
Tôi không chắc cả đội có nên tự trách mình mãi thế không nhưng sự thật điều này chưa từng có tiền lệ, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy thất vọng về bản thân như lúc đấy. Nhưng dù sao, tất cả vẫn phải tiến lên, thẳng thắn đối mặt với sự thật và tìm ra một hướng đi đúng đắn.
Nói cho cùng chúng tôi đều là những người chuyên nghiệp. Ai cũng hiểu chẳng còn cách nào ngoài chấp nhận nó và nỗ lực hơn nữa dưới thời tân huấn luyện viên Avram Grant, người vừa được bổ nhiệm ít ngày sau đó.
Quyết định đưa Avram Grant lên nắm quyền không khiến chúng tôi ngạc nhiên bởi trước đó ông ấy đã được bổ nhiệm làm giám đốc thể thao trong giai đoạn tiền mùa giải.
Avram thật sự rất thông minh – ông kiên quyết giữ lại Steve Clarke, trợ lý cũ của Jose. Chính thầy Jose từng nhận xét Steve là trợ lý giỏi nhất hành tinh và cá nhân tôi cũng đồng tình với quan điểm này.
Tới tháng 10, lần lượt Henk ten Cate và Frank Rijkaard – cựu trợ lý của Barcelona được đưa về Stamford Bridge. Dù không có nhiều kinh nghiệm với thế giới bóng đá đỉnh cao, đặc biệt là Champions League nhưng bù lại xung quanh Avram đều là những siêu trợ lý hàng đầu thế giới.
Một sự kết hợp tuyệt vời hứa hẹn đem đến những kết quả tích cực cho đội bóng.
Avram là mẫu người điềm tĩnh và thoải mái, ông rất giỏi trong việc tạo cho cả đội tinh thần trách nhiệm cao nhất mỗi khi ra sân nhưng cũng biết cách đem tới sự tự do cần thiết cho các cầu thủ.
Đội bóng là tập hợp của những tay lão làng như JT, Ballack, Frank Lampard, Essien và cả tôi nữa, mọi người đều tự ý thức được việc mình cần làm cho Chelsea.
Avram Grant nhận được sự ủng hộ từ phía ông chủ Abramovich cũng như các công thần của Chelsea. |
Đó là sự khác biệt khi bạn dẫn dắt một tập thể giàu kinh nghiệm thay vì một đội bóng của những cầu thủ trẻ. Những tay trẻ tuổi luôn cần huấn luyện viên theo sát nhắc nhở để biết công việc của họ.
Với chúng tôi, mọi thứ Avram Grant cần làm trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết bởi ai cũng tự nhủ mình cần nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu áp lực cho huấn luyện viên.
Khi Avram vừa nhận chức thì cũng là lúc tôi trở lại sau quãng thời gian nghỉ chấn thương. Ngay trong trận đấu đầu tiên của mình [trước Fulham], tôi bị đuổi sau khi nhận đủ hai thẻ vàng.
Quá sốc – đó là thẻ đỏ đầu tiên tôi phải nhận từ khi chuyển tới Premier League. Tôi đã ở đây 3 năm, đủ lâu để giành lấy mọi danh hiệu cao quý trừ Champions League và dĩ nhiên, quãng thời gian đằng đẵng khiến tôi chưa thể chấp nhận rằng thầy Jose đã thực sự ra đi.
Tôi đã cố để chơi với sự chuyên nghiệp cao nhất, đã tự nhủ phải làm mọi thứ vì đội bóng này nhưng dù có thế nào, tôi vẫn không thể chấp nhận sự thật đắng cay đó.
Trái tim tôi giờ đã lạc lối nơi đâu rồi...
Sau trận đấu với Fulham, Chelsea giành chiến thắng trước Valencia tại vòng bảng Champions League và tôi là người lập công. Phong độ vẫn ổn định nhưng tâm trí tôi lại chẳng ổn chút nào. Nghĩ lại khi đó, tôi thậm chí còn chẳng biết mình thực sự muốn gì nữa?
Drogba không còn giữ được tỉnh táo sau ngày Mourinho ra đi. |
Tầm giữa tháng 10, tôi tới Innsbruck để đá trận giao hữu giữa Áo và Bờ Biển Ngà. Trong thời gian ở đây, tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn với France Football và tiết lộ rằng chưa chắc mình sẽ tiếp tục gắn bó với câu lạc bộ trong những mùa giải sắp tới.
Nghĩ lại thì tôi không nên tham dự buổi phỏng vấn của họ, nhưng tại thời điểm đó, cũng đâu có gì ngạc nhiên khi tôi nói vậy. Muốn chấp nhận sự thay đổi cũng cần phải có thời gian. Sự ra đi của Jose là một phần nguyên nhân nhưng nó chưa phải tất cả.
Dĩ nhiên những phát biểu đó khiến Henk ten Cate không thể hài lòng. Vừa trở lại Anh, tôi ngay lập tức được mời tới nghe chất vấn: “Cậu làm cái quái gì vậy? Tới trước mặt cả đội và xin lỗi bọn họ ngay lập tức”. Chẳng sao cả, tôi đâu thấy xấu hổ với những gì mình làm.
“Ông bạn tôi à, nói vậy thì ông chẳng hiểu gì tôi rồi”, tôi từ tốn trả lời.
“Có lẽ thế, nhưng cậu vẫn phải xin lỗi mọi người”.
“OK. OK, xin lỗi thì xin lỗi, chẳng có vấn đề gì”.
Trong buổi tập, tôi thấy Avram và Henk Cate đang nói với nhau điều gì đó, rồi bỗng huấn luyện viên quay sang cả đội: “Hôm nay Didier có vài điều muốn nói với các cậu”.
“OK, OK”, tôi chấp nhận. “Các bạn, như tôi đã nói trong buổi phỏng vấn, tôi không dám chắc tương lai của mình trong vài năm tới nhưng một khi tôi còn khoác áo Chelsea, tôi sẽ chơi với thái độ chuyên nghiệp cao nhất. Mong mọi người cũng giống như tôi, hãy cống hiến mọi thứ bạn có cho đội bóng này. Đó là tất cả những gì tôi cần nói. Chuyện này xong nhé!”.
Với tôi, chuyện chả có gì để nói nhưng câu lạc bộ thì không nghĩ vậy. Họ muốn tổ chức một buổi họp báo chính thức để tôi tuyên bố sẽ tiếp tục gắn bó với Chelsea tới năm 2010.
Để chứng minh những gì mình đã nói, ngay trong trận đấu sau đó, tôi ghi bàn vào lưới Middlesbrough. Đứng trước các cổ động viên, tôi ăn mừng bằng cách hôn lên logo đội bóng. Và cũng kể từ giây phút này, chẳng còn ai nhắc tới việc tôi muốn rời Chelsea cả.
Về cơ bản thì mùa giải này với Chelsea cũng không đến nỗi tệ nhưng vấn đề nằm ở chỗ đây là lần đầu tiên trong 4 năm kể từ ngày Roman Abramovich mua lại câu lạc bộ, chúng tôi kết thúc mùa giải với bàn tay trắng.
Ở FA Cup, Chelsea bất ngờ bị loại từ vòng tứ kết trước Barnsley, về nhì tại Carling Cup sau trận thua Tottenham và tiếp tục đứng sau Manchester United ở Premier League. Thật cay đắng nhất là khi chức vô địch được định đoạt ở những vòng đấu cuối cùng.
Chúng tôi buộc phải thắng Bolton còn họ thì hòa hay thua Wigan cũng được. Kết quả là Chelsea bị cầm hòa 1-1 còn MU thắng Wigan 2-0. Giờ nghĩ lại tôi thấy chức vô địch đã sớm trao cho họ khi chúng tôi để Tottenham cầm hòa 4-4 trong trận đấu diễn ra vào hồi tháng 3.
Chelsea dẫn trước 4-1 rồi bị rút ngắn xuống còn 4-3 trước khi Robbie Kean san bằng tỷ số 4-4 khi trận đấu chỉ còn 2 phút. Hai điểm đánh rơi tại White Hart Lane có lẽ đã định đoạt số phận của chúng tôi mùa bóng đấy.
Hết hy vọng vô địch các cúp quốc nội, chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào Champions League, nơi Chelsea sẽ chạm trán Manchester United trong trận chung kết diễn ra tại Moscow.
Kết thúc Premier League mùa giải 2007/08, Chelsea giành tổng cộng 85 điểm, xếp sau đội vô địch là Manchester United 2 điểm. Dù vậy, kết quả gần như đã được định đoạt trước khi vòng đấu cuối cùng diễn ra bởi đội bóng của Avram Grant thua xa MU về hiệu số bàn thắng (39 so với 56 - tính tới vòng đấu thứ 37).
Còn nữa