Ông Hiroo Onoda đã tổ chức chiến tranh du kích ở đảo Lubang gần Luzon (Philippines) cho tới khi ông được thuyết phục thành công vào năm 1974 rằng hòa bình đã được thiết lập và quân đội Thiên Hoàng đã bại trận.
Onoda là người cuối cùng trong số vài chục quân nhân Nhật Bản quyết tử thủ, nằm rải rác ở quanh châu Á. Đó là những người đàn ông kiên quyết chiến đấu cuối cùng vì Nhật Hoàng của họ. Trong số này có một người lính bị bắt trong rừng rậm ở Guam vào năm 1972.
Hiroshi Onoda rời khỏi rừng sau khi được thuyết phục rằng chiến tranh đã kết thúc (Nguồn: Jiji Press/AFP) |
Được đào tạo để trở thành một sĩ quan thông tin kiêm huấn luyện chiến thuật du kích, Onoda được điều tới Lubang vào năm 1944 với mệnh lệnh không bao giờ đầu hàng, không bao giờ tự sát và phải quyết kháng cự tới cùng cho đến khi viện binh tới.
Ông và ba người lính nữa tiếp tục tuân lệnh, rất lâu sau khi Nhật Bản bại trận vào năm 1945.
Sự tồn tại của họ được biết đến rộng rãi vào năm 1950, khi một trong số các quân nhân này rời khỏi rừng và trở về Nhật Bản.
Những người còn lại tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trong rừng, tấn công dân địa phương và thi thoảng còn chạm súng với quân đội Philippines.
Tokyo tuyên bố họ đã chết sau chín năm tìm kiếm không thành công. Nhưng vào năm 1972, Onoda và một người lính còn sống khác đã tham gia vào một cuộc chạm súng với quân đội Philippines. Đồng đội thiệt mạng nhưng Onoda đã trốn thoát được.
Sự kiện gây sốc ở Nhật Bản và gia đình ông đã tìm tới Lubang, với hy vọng thuyết phục được ông rằng chiến tranh đã kết thúc, nhưng không ăn thua.
Onoda sau đó giải thích rằng ông không tin, không muốn ngừng chiến đấu vì nghĩ chính quyền ở Nhật Bản chỉ là bù nhìn do Mỹ dựng nên và họ chỉ muốn tìm cách lôi ông ra khỏi rừng.
Onoda đã đọc tin tức trên một số tờ báo, nói rằng Nhật Bản đã tổ chức lùng sục trong rừng để tìm ông tại đất Philippines, nhưng cho rằng thông tin chỉ là sản phẩm tuyên truyền.
Việc máy bay Mỹ thường xuyên lượn lờ trên bầu trời Philippines trong những năm diễn ra chiến tranh Việt Nam càng khiến ông tin rằng Thế chiến thứ 2 chưa kết thúc ở châu Á.
Phải tới tận năm 1974, khi sĩ quan chỉ huy cũ của Onoda tới thăm ông trong rừng và ban lệnh rút lui, cuộc chiến của ông mới thực sự chấm dứt.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo sau khi trở về nước, rằng bản thân đã nghĩ gì trong 30 năm qua, Onoda nói với các phóng viên: "Tôi đang thực hiện mệnh lệnh".
Bức ảnh chụp năm 1974, Onoda trao kiếm cho Tổng thống Philippines khi đó là Ferdinand Marcos để đầu hàng (Nguồn: AFP) |
Nhưng nước Nhật mà Onoda trở lại đã thay đổi quá nhiều. Đất nước khi ông rời đi còn đang nằm dưới chính quyền quân sự, tin rằng mình có quyền thống trị khu vực. Song rốt cục sau nhiều năm tiến hành chiến tranh, nền kinh tế nước Nhật lụn bại và người dân lâm vào cảnh đói ăn.
Khi Onoda trở về vào năm 1974, Nhật Bản đang ở trong một cuộc bùng nổ kinh tế mạnh và đang chịu ảnh hưởng mạnh từ văn hóa phương Tây. Nước này cũng công khai thừa nhận chính sách phát triển hòa bình.
Onoda gặp khó khăn trong cuộc sống mới và năm 1975 đã di cư tới Brazil để kinh doanh trang trại.
Năm 1984, khi đó còn khá nổi tiếng, ông đã thành lập một trại huấn luyện thiếu niên và dạy thanh thiếu niên Nhật Bản kỹ năng sinh tồn mà ông có được trong 30 năm sống ở rừng.
Ông trở lại Lubang vào năm 1996 theo lời mời của chính quyền địa phương, dù có liên quan tới việc giết hàng chục người Philippines trong 3 thập kỷ "chiến đấu" ở đây.
Ông đã quyên tặng tiền cho cộng đồng địa phương và số tiền được dùng để tạo một quỹ học bổng.
Về cuối đời, ông sống an nhàn với sức khỏe tốt và trí tuệ minh mẫn, hình thành từ những năm tháng thử thách trong rừng.
Cho tới gần đây, ông Onoda vẫn bận rộn đi phát biểu dọc theo đất Nhật Bản. Năm 2013, ông đã xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia NHK.
"Tôi đã sống qua một kỷ nguyên được gọi là chiến tranh. Những gì người ta kể lại rất khác nhau qua từng thời đại" - ông nói với NHK hồi tháng Năm năm ngoái - "Tôi cho rằng chúng ta không nên bị xoay chuyển bởi bầu không khí của thời đại mà cần tự suy ngẫm một cách điềm đạm".