Graeme Hart, tỷ phú giàu nhất New Zealand. Ảnh: Getty Images. |
Trước khi trở thành người giàu nhất tại New Zealand, Graeme Hart từng là thợ sửa chữa ôtô và lái xe tải. Ông cũng chưa hoàn thành chương trình trung học phổ thông.
Theo Bloomberg Billionaires Index, hiện ông sở hữu tài sản trị giá 9,79 tỷ USD. Ông là chủ sở hữu Rank Group, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân có trụ sở tại Auckland, New Zealand. Các tài sản chính của Rank Group gồm có Reynolds Group, sở hữu các công ty hàng tiêu dùng và bao bì; và Carter Holt Harvey, chuyên cung cấp sản phẩm gỗ và vật liệu xây dựng khác.
Tuần trước, tài sản của Hart tăng mạnh khi công ty Reynolds Consumer Products Inc., chuyên sản xuất túi rác và giấy bạc, niêm yết trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu này đã tăng 9,8% lên mức 28,55 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 31/1, đưa tổng giá trị cổ phần của ông tại công ty lên 4,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, giá cổ phiếu Reynolds tiếp tục tăng thêm 3,7%.
Hart, 64 tuổi, hiện nắm giữ cổ phần đa số tại Reynolds thông qua Rank Group và đây cũng là tài sản có giá trị lớn nhất của ông.
Reynolds được Tập đoàn Rank thành lập vào năm 2010, chủ yếu thông qua thương vụ kết hợp giữa các công ty Reynolds và Hefty cùng thương hiệu Presto. Trong 9 tháng đầu năm 2019, công ty này đạt doanh thu 2,1 tỷ USD và lợi nhuận ròng 135 triệu USD.
Năm 15 tuổi, Hart bỏ dở chương trình trung học để làm công nhân sửa chữa thân xe và tài xế xe tải. Năm 1976, ông cùng hai người khác thành lập công ty Hart Printing Co. tại Auckland và là một trong số ít người không có bằng phổ thông được nhận vào chương trình thạc sĩ tại trường kinh doanh của Đại học Otago.
Trong luận văn thạc sĩ, ông viết về việc tìm kiếm những doanh nghiệp hoạt động kém, giá trị thấp nhưng dễ vận hành và có sản phẩm là hàng hoá tiêu dùng hàng ngày, sau đó vay tiền để thâu tóm. Tiếp đó, ông tiến hành cắt giảm chi phí, củng cố và cải thiện hoạt động vận hành, thúc đẩy dòng tiền ổn định để trả nợ vay. Những doanh nghiệp này sau đó có thể được đưa lên sàn chứng khoán hoặc bán đi kiếm lời. Trong suốt ba thập kỷ qua, ông đã áp dụng chiến lược thâu tóm dựa trên vốn vay này.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, trong khoảng thời gian từ 2002 tới 2012, ông đã thâu tóm 12 công ty với tổng giá trị 14 tỷ USD, bao gồm Graham Packaging, có các khách hàng là Coca-Cola, Pepsico, Kraft, Heinz và Procter & Gamble; và Dopaco, nhà cung cấp bao bì cho McDonald's, Burger King và Wendy's.
Trong bài phát biểu với sinh viên sắp tốt nghiệp Đại học Otago năm 2018, ông cũng chia sẻ chiến lược này.
“Hãy mạnh tay”, ông nói. “Điều này có nghĩa là bạn có thể thâu tóm các công ty có giá trị lớn, vay mượn nhiều nhất có thể và sau đó tìm cách sinh lời nhiều nhất có thể từ tài sản đó”.
Là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, Hart cũng không tiếc tiền vào những thú vui xa xỉ. Ông sở hữu nhiều siêu du thuyền, trong đó có chiếc Ulysses dài 116 mét trị giá 200 triệu USD. Du thuyền này đủ chỗ cho bãi đỗ trực và chứa thêm một du thuyền nhỏ khác ở boong trước. Trước đó, ông cũng một du thuyền khác tên là Ulysses và một tàu ngầm từng thuộc sở hữu của Hải quân Mỹ.