Táo khuyết vẫn khuyến cáo người dùng không sửa chữa những chiếc iPhone tại nhà hoặc các cửa hàng không chuẩn mà nên mang nó tới các kỹ thuật viên được Apple cấp chứng chỉ. Vấn đề duy nhất phía sau lời khuyên này là giá thành không hề rẻ. Đó là lý do khiến người dùng vẫn mang iPhone vào những cửa hàng độc lập để sửa chữa dù chúng sẽ vĩnh viễn không được Apple bảo hành.
Tuy nhiên, với trường hợp nút Home của iPhone 7, Apple đang đưa ra động thái quyết liệt hơn nhằm thúc giục người dùng mang chúng tới các trung tâm bảo hành chính hãng. Theo tờ Motherboard, một phần mềm được cài sẵn trên những chiếc iPhone 7 sẽ khiến máy luôn ở trong tình trạng khóa nếu mạch chính chạy qua nút Home bị hỏng hoặc bị sửa chữa.
Tự sửa nút Home có thể khiến những chiếc iPhone 7 bị hỏng. Ảnh: The Verge.
|
Phần mềm khóa khiến việc cài đặt nút Home mới trở nên bất khả thi. Thiết bị thay thế sẽ chỉ hoạt động bình thường trong trường hợp được Apple chấp thuận. Đó là lý do khiến người dùng khó có thể sửa chữa chiếc iPhone 7 ở ngoài trong trường hợp nó bị hỏng. Cùng với đó, việc sửa chữa sẽ trở nên vô cùng phức tạp dù chúng chỉ gặp phải những hỏng hóc nhỏ, chẳng hạn như nứt màn hình.
Sự hiện diện của phần mềm khóa một lần nữa dấy lên câu hỏi về sự kiểm soát của Apple với những chiếc iPhone cũng như nỗ lực sửa chữa nó. Hay nói cách khác, người dùng một lần nữa tự hỏi vì sao họ không có quyền sửa chữa chiếc điện thoại mà họ sở hữu trong trường hợp chúng gặp sự cố mà phải nhờ tới nhà sản xuất Apple.
Trong quá khứ, Apple từng sử dụng phương pháp tương tự để ngăn chặn bên thứ ba sửa chữa những chiếc iPhone 6 và 6+. Tuy nhiên, sau khi bị phát hiện, Apple đã lên tiếng xin lỗi và khắc phục nó. Tuy nhiên, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Australia đã đệ đơn kiện Apple lên tòa liên bang vì vi phạm quyền của người tiêu dùng với các phầm mềm ngăn chặn sửa chữa.
Người sử dụng cũng đang kêu gọi Apple và các công ty cung cấp dịch vụ sửa chữa trao nhiều quyền hơn cho các cửa hàng sửa chữa độc lập với những sản phẩm đã được bán ra. Ở một số bang của Australia, đây là yêu cầu bắt buộc.
Đại diện của Apple chưa đưa ra phản ứng với vụ việc.