Tự nguyện nộp phân, chấp nhận hy sinh - cách người Hàn bảo vệ sức khoẻ
Văn hóa tập thể của xã hội Hàn nhiều khi buộc cá nhân luôn phải biết hy sinh vì lợi ích số đông. Lối nghĩ này lại trở nên hữu ích trong thời gian đất nước đối diện khủng hoảng.
Khi đến trường, từng học sinh được giáo viên phát cho một phong bì trắng, nhỏ chỉ bằng chiếc thẻ tín dụng, kèm theo lời nhắc: “Viết tên em lên trên phong bì trước khi cho phân vào, vì sau đó sẽ khó viết”.
Mẫu phân được gửi đi xét nghiệm tìm ký sinh trùng. Phòng thí nghiệm sau đó sẽ gửi thuốc tẩy giun cho học sinh nào bị nhiễm. Việc xét nghiệm này được thực hiện đều đặn trong hàng năm trời.
Năm 1969, chiến dịch loại bỏ ký sinh trùng trong cơ thể người được phát động, với đối tượng nhắm đến là trẻ em trong độ tuổi đi học. Hai lần một năm, các học sinh Hàn Quốc được yêu cầu mang mẫu phân đến trường trong các túi giấy nhỏ, và chuyển chúng cho giáo viên.
Để loại bỏ được ký sinh trùng, cả triệu học sinh phải bài tiết theo yêu cầu. Và nếu chỉ vài cá nhân không tuân thủ, mọi công sức sẽ thành vô ích.
Để thực hiện được như vậy, cả triệu học sinh ở Hàn phải bài tiết theo yêu cầu. Và nếu chỉ vài cá nhân không tuân thủ, mọi công sức sẽ thành vô ích. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc loại bỏ được ký sinh trùng và hầu như những bệnh khác thường thấy ở các nước kém phát triển thời đó.
Năm 1971, tỷ lệ nhiễm giun sán đường ruột là 84,3%, với sự tồn tại của nhiều loại ký sinh trùng. Đến năm 1992, con số giảm xuống còn 3,8% và 2,4% vào năm 1997, theo số liệu của Hiệp hội Nghiên cứu Ký sinh trùng và Bệnh nhiệt đới Hàn Quốc.
Những người từng có trải nghiệm ở xứ kim chi đều có thể đồng tình với quan điểm rằng văn hóa tập thể của xã hội Hàn nhiều khi khắc nghiệt, với tôn chỉ cá nhân luôn phải biết hướng đến, hy sinh vì lợi ích số đông.
Thế nhưng, lối nghĩ này đặc biệt hữu ích trong thời gian đất nước đối diện với khủng hoảng, khi người dân tự có ý thức phải tuân thủ quy định để bảo vệ lợi ích chung.
Câu chuyện tự nguyện nộp phân phục vụ xét nghiệm là minh chứng rõ ràng. Và giờ đây là ý thức tuân thủ, gạt bỏ lợi ích cá nhân sang một bên vì cái chung, góp phần đáng kể vào thành công của Hàn Quốc trong việc ngăn chặn dịch Covid-19.
Hy sinh lợi ích cá nhân là chuyện đương nhiên
Trong dòng người xếp hàng trước quầy thu ngân chờ đến lượt thanh toán, không gian ở cửa hàng tạp hóa bất chợt vang lên những tiếng chuông đồng loạt phát ra từ điện thoại.
Trái với âm thanh xuất hiện đột ngột, khách hàng và cả nhân viên đều không có biểu hiện gì ngạc nhiên. Họ bình tĩnh lấy điện thoại ra khỏi túi để kiểm tra tin nhắn.
Từ khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại Hàn Quốc hồi cuối tháng 1, chính phủ nước này áp dụng cách thức thông báo thông tin về dịch bệnh qua hệ thống tin nhắn đến từng người dân.
Ngay cả khi có ai đó thấy khó chịu vì nhận được quá nhiều thông tin từ điện thoại mỗi ngày, họ cũng không có cách nào từ chối hay chặn chúng.
Qua đó, người dân sẽ kịp thời cập nhật các ca dương tính mới, tránh xa các địa điểm mà người nhiễm bệnh từng có mặt trước đó. Những khuyến cáo phòng vệ sức khỏe bản thân như ở yên trong nhà, tránh tụ tập đông người hay luôn đeo khẩu trang nếu có việc phải ra ngoài đường cũng được truyền đi theo cách này.
Ngay cả khi có ai đó thấy khó chịu vì nhận được quá nhiều thông tin mỗi ngày, họ cũng không có cách nào từ chối hay chặn chúng. Chính phủ làm việc với các công ty viễn thông để đảm bảo bất cứ ai sở hữu điện thoại di động đều nhận được thông tin cần thiết.
Tại các nước phương Tây, những tin nhắn này sẽ bị coi là xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng tại một xã hội có tính tập thể cao hơn như Hàn Quốc, cách thức này dễ triển khai mà không vấp phải sự phản đối.
Nhờ đoàn kết, từ nơi từng được gọi dưới cái tên “ổ dịch Covid-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc”, Hàn Quốc đang kiểm soát dịch bệnh tốt hơn với số ca nhiễm giảm liên tục trong những ngày vừa qua.
Cuối tháng 2, tình hình dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi số bệnh nhân mới ghi nhận mỗi ngày ở mức hàng trăm trường hợp. Để xoay xở, các cơ quan y tế công cộng tiến hành xét nghiệm trên hơn nửa triệu người dân. Một số khu vực bị coi là ổ dịch bị phong tỏa. Hiện tại, con số tử vong vì virus ở mức 217 ca, trên hơn 10.500 trường hợp nhiễm bệnh.
Chính phủ yêu cầu người dân tự cách ly tại nhà, đóng cửa công viên, các tụ điểm giải trí cũng như các nơi công cộng khác. Những biện pháp giãn cách xã hội thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn virus lây lan trong cộng đồng trong khi các hoạt động sản xuất kinh tế vẫn được duy trì.
Trong vài tuần qua, số ca nhiễm mới liên tục giảm, xuống dưới 30 ca trong vài ngày liên tiếp từ 16/4.
Nếu xảy ra việc ai đó lên mạng khoe khoang cố tình làm trái lệnh cách ly để ra ngoài đường vui chơi chắc chắn nhận về hàng loạt “gạch đá” lên án.
Tuy vẫn vấp phải không ít chỉ trích, Hàn Quốc vẫn cho thấy khả năng giải quyết hiệu quả trong vấn đề kiểm soát dịch bệnh. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự đồng lòng hợp tác từ phía người dân. Ai cũng tự nhận thức rõ: Công sức của hàng triệu người có thể sẽ đổ sông đổ biển chỉ vì một vài cá nhân tắc trách.
Nếu xảy ra việc ai đó lên mạng khoe khoang cố tình làm trái lệnh cách ly để ra ngoài đường vui chơi chắc chắn nhận về hàng loạt “gạch đá” lên án. Không chỉ ý thức kém, đó là hành vi đe dọa sức khỏe cộng đồng.
Trong giai đoạn Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Mỹ hay các quốc gia châu Âu, suy nghĩ bản thân “bất khả xâm phạm” đã kéo theo hàng loạt những bữa tiệc tùng, buổi tụ tập hàng trăm người. Và kết cục, sau mỗi cuộc vui, hàng loạt ca nhiễm mới xuất hiện.
Trong khi các nước phương Tây tự hỏi làm sao để học theo cách thức kiểm soát dịch của Hàn Quốc, điều đầu tiên họ cần làm là thay đổi suy nghĩ.
Đối với tôi, sự dửng dưng của người dân ở các nước phương Tây trước tin tức dịch bệnh lây lan nhanh không có gì đáng ngạc nhiên. Nhiều người mặc định rằng chất lượng cuộc sống hiện đại ở mức cao và loại virus mới xuất hiện chẳng thể nào quật ngã được hệ miễn dịch của mình.
Mặt khác, người dân các nước phương Tây rất đề cao lối sống phóng khoáng, quyền tự do cá nhân. Điều đó dẫn đến quan điểm dù mối nguy hiểm là như nhau với cả cộng đồng, họ vẫn sẽ bình an vô sự.
Khi nói về quê hương, người dân Hàn thường không dùng cụm từ trực tiếp mang nghĩa “Hàn Quốc”. Thay vào đó, họ sử dụng một cụm từ có nghĩa là “đất nước của chúng ta”.
Một bộ phận người Hàn Quốc đã trải qua các giai đoạn khó khăn của chiến tranh bom đạn hay đất nước lâm vào suy thoái kinh tế. Họ ý thức được tình hình có thể trở nên tồi tệ đến mức nào và cẩn thận đề phòng trước không bao giờ là thừa.
Khi nói về quê hương, người dân Hàn thường không dùng cụm từ trực tiếp mang nghĩa “Hàn Quốc”. Thay vào đó, họ sử dụng một cụm từ có nghĩa là “đất nước của chúng ta”.
Hiện tại, khi tiếng chuông thông báo tin nhắn về dịch bệnh vang lên trên điện thoại, tôi không còn thấy khó chịu hay bất an như thời điểm 1-2 tháng trước. Trái lại, âm thanh ấy giúp tôi nhắc nhớ rằng mình đang ở một đất nước nơi mọi người dân thực sự sát cánh cùng nhau để đẩy lùi dịch bệnh.