Các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng vô danh nên vô trách nhiệm. Ảnh: Xuân Sang. |
Ngày 25/12, Nghị định 147/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành. Được Chính phủ ban hành từ ngày 9/11, nghị định siết chặt quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng.
Xác thực tài khoản trước ngày 25/3/2025
Điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 147 là yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, theo Điểm e Khoản 3 Điều 23, các tài khoản mạng xã hội của người dùng tại Việt Nam phải được xác thực bằng số điện thoại từ 25/12.
Trong trường hợp không có số điện thoại tại Việt Nam, người dùng phải cung cấp số định danh cá nhân theo quy định pháp luật. Đối với các tài khoản sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, việc xác thực bằng số định danh cá nhân là bắt buộc.
Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được phép đăng tải bài viết, bình luận, livestream, hoặc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, Nghị định nêu rõ. Các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội - cả trong nước và nước ngoài - phải hoàn tất xác thực tất cả các tài khoản đang hoạt động trong vòng 90 ngày kể từ khi nghị định có hiệu lực.
Như vậy, đến ngày 25/3/2025, các tổ chức cung cấp mạng xã hội không tổ chức thực hiện xác thực tài khoản cho người dùng thì sẽ bị xử lý theo quy định. Còn nếu người dùng không xác thực tài khoản sẽ không được bình luận, đăng bài, livestream mà không bị phạt.
Ông Lê Quang Tự Do thông tin về một số điểm mới trong Nghị định số 147/2024. Ảnh: Minh Sơn. |
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), các quy định mới sẽ giải quyết được tình trạng vô danh nên vô trách nhiệm.
"Khi quy định này được thể chế, tất cả các nền tảng ở trong nước và nước ngoài đều phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp danh tính của người dùng tài khoản đó", ông Do nhấn mạnh tại hội nghị phổ biến Nghị định 147 vào tháng 11.
Gỡ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ
Song song với yêu cầu xác thực tài khoản, Nghị định 147 quy định các tổ chức nước ngoài có máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam đạt 100.000 lượt trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Họ có trách nhiệm chặn hoặc gỡ bỏ nội dung vi phạm trong vòng 24 giờ, hoặc nhanh chóng xử lý nếu nội dung đó liên quan đến an ninh quốc gia. Những tài khoản, trang, hoặc nhóm mạng xã hội vi phạm thường xuyên sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Đối với người dùng, Nghị định quy định phải chịu trách nhiệm về nội dung do mình đăng tải, lưu trữ, hoặc chia sẻ trên mạng.
Các chủ kênh hoặc trang cộng đồng (fanpage) phải quản lý chặt chẽ nội dung của mình, bao gồm cả bình luận từ người dùng. Trong trường hợp nội dung vi phạm, chủ kênh có trách nhiệm gỡ bỏ trong vòng 48 giờ nếu nhận được yêu cầu từ người dùng, hoặc 24 giờ nếu có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Đối với trẻ em, Nghị định 147 quy định người dùng dưới 16 tuổi không được phép tự tạo tài khoản mạng xã hội mà không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Các nền tảng mạng xã hội phải phân loại và cảnh báo rõ ràng những nội dung không phù hợp với trẻ em. Đồng thời, tổng thời gian chơi game của người dưới 18 tuổi bị giới hạn ở mức tối đa 180 phút/ngày, 60 phút cho một tựa game.
Nghị định mới siết chặt thời gian chơi game của trẻ dưới 18 tuổi. Ảnh: Bloomberg. |
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game phải xác thực người chơi bằng số điện thoại di động và đảm bảo chỉ những tài khoản đã xác thực mới được tham gia. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm đăng ký tài khoản và giám sát hoạt động chơi game của trẻ.
Công khai thuật toán, cung cấp tick xanh
Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội phải minh bạch hơn khi sử dụng thuật toán phân phối nội dung. Nghị định yêu cầu các nhà cung cấp phải công khai thông tin về cách thức thuật toán hoạt động với người dùng, đồng thời thỏa thuận với các cơ quan báo chí khi dẫn nội dung từ họ.
Các nền tảng phải có trách nhiệm cấp xác thực (tick xanh) cho các tài khoản, trang, kênh của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, người có ảnh hưởng tại Việt Nam… "Đây là trách nhiệm, chứ không phải là xin cấp tick xanh", Cục trưởng PTTH&TTĐT khẳng định.
Mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube phải có trách nhiệm cấp xác minh. Ảnh: Xuân Sang. |
Một điểm mới khác trong Nghị định 147 là quy định về quản lý các hoạt động kinh doanh và phát sinh doanh thu trên mạng xã hội. Các mạng xã hội chỉ được phép cung cấp dịch vụ livestream nếu đã được cấp phép.
Những nền tảng có lượng truy cập thấp có thể xin cấp phép theo quy định để triển khai các hoạt động này. Bộ TT&TT cũng sẽ gắn công cụ giám sát lượng truy cập để đảm bảo rằng các mạng xã hội tuân thủ đúng các điều kiện cấp phép.
Các trang mạng xã hội hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động lên đến 3 tháng nếu nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần. Trường hợp không có biện pháp khắc phục sau thời gian đình chỉ, giấy phép hoạt động sẽ bị thu hồi. Nếu cần thiết, các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hoạt động của các trang vi phạm.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.