Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tư Mã Ý trộm kỳ thư

Tương truyền người nào có cuốn kỳ thư này có thể làm nên đại nghiệp long trời lở đất.

Nhắc đến Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý, người ta đều biết rằng họ là những đối thủ oan gia của thời Tam Quốc, nhưng tương truyền hai người họ thuở nhỏ là bạn học cùng thầy với nhau.

[…]

Người thầy này có một bộ kỳ thư, do tiền nhân bí mật truyền lại. Các loại sách lược về thiên văn địa lý, bày binh bố trận, trị quốc an dân… trong sách này thảy đều đầy đủ cả, ai có được nó, thì có thể làm nên đại nghiệp long trời lở đất, quả thật là đệ nhất kỳ thư trong thiên hạ, do đó mà người đời đều gọi nó là “thiên thư”.

Người thầy này tuổi quá hoa giáp, không có một mụn trai mống gái, do đó ông dự định sẽ truyền kỳ thư này lại cho một người học trò tâm đắc nhất. Nhưng mà trong hai người học trò này rốt cuộc nên truyền lại cho ai chứ?

Lúc bấy giờ, chư hầu cát cứ mỗi người một nơi, quần hùng phân tranh, nếu lỡ như truyền sai người, âu chẳng không phải là làm lỡ nước hại dân sao, làm hỏng mất tâm nguyên của mình.

Do đó, thầy do dự mãi, không thể quyết định được là rốt cuộc nên truyền lại cho người học trò nào. Ông càng để tâm xét nét quan sát phẩm đức và chí hướng của hai người họ.

Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý cũng đều biết rằng thầy có một cuốn kỳ thư, thảy đều muốn có được bộ kỳ thư này, do vậy mà họ đều nỗ lực ân cần hầu hạ thầy, khổ công dùi mài học tập, hòng được thầy yêu quý, ban cho bộ kỳ thư.

Một hôm nọ, thầy dẫn hai người đến một ngọn núi nhỏ ở sau nhà, giảng giải về phép sơn xuyên địa lý, bày binh bố trận trên vách núi trước mặt có một tiều phu đang đốn củi, bất cẩn trượt ngã xuống vách núi.

Ba thầy trò trông thấy đều hốt hoảng giật mình. Nhưng thấy chợt lóe lên một suy nghĩ, rồi tiếp tục giảng với vẻ bình thản. Tư Mã Ý cũng nghe một cách an nhiên.

Gia Cát lượng thì nhanh chóng chạy đến dốc núi, đỡ tiều phu đang lâm trọng thương, xem xét vết thương, vội vã tìm vài loại cây thuốc ở chung quanh, nhai ngấu nghiến rồi đắp lên vết thương, rồi xé vạt áo của mình, buột chặt miệng vết thương. Lúc này, thầy như ngộ ra điều gì bèn gật gật đầu, rồi mới dẫn Tư Mã Ý xuống núi, giúp Gia Cát Lượng đỡ tiều phu ấy về nhà.

Truyen thuyet cac nhan vat Tam quoc anh 1

Qua một khoảng thời gian sau, Gia Cát Lượng nhận được thơ nhà, nói rằng cha mình đang lâm trọng bệnh, muốn gọi chàng về nhà. Gia Cát Lượng nuốt lệ từ biệt thầy cùng bạn hữu, vội vã quay về nhà. Về nhà chẳng bao lâu sau, phụ thân lìa trần. Chàng ôm buồn chịu đau, tận tâm lo liệu tang sự cho cha, trả hiếu trước mộ cha xong cái “ngũ thất”, mới quay lại bên thầy.

Nói ra cũng thật là đúng lúc, vài hôm sau, Tư Mã Ý cũng nhận được thư nhà, bảo mẫu thân của chàng bệnh nặng, lòng mong mỏi con, muốn chàng về nhà gặp mặt.

Nhưng Tư Mã Ý sợ rằng sau khi mình đi rồi thì thấy sẽ truyền kỳ thư lại cho Gia Cát Lượng, bèn trả lời thư với ý nấn ná chưa chịu về, cuối cùng thì không về nữa. Thầy lắc đầu thở dài, trong lòng cũng thầm có chủ ý.

Hơn một tháng sau, đột nhiên thầy nhiễm phong hàn ngã bệnh. Hai người học trò giữ riết bên giường, hốt thuốc nấu thang, tận tâm chăm sóc. Nhưng thầy cũng đã bước vào tuổi yếu nhược, bệnh tình ngày một trầm trọng.

Có một hôm, Gia Cát Lượng ra ngoài tìm cây cỏ dược liệu cho thầy, Tư Mã Ý hầu hạ ở bên giường. Chàng thấy thầy hôn mê bất tỉnh, bèn len lén bước vào thư phòng của thầy, lục đông soát tây, cuối cùng tìm thấy một cái rương con. Chàng lén mở nó ra xem, quả nhiên có một bộ kỳ thư.

Đúng vào lúc này, chàng nghe tiếng thầy đang gọi mình, chưa kịp xem kỹ, nghĩ bụng, sắp tới chắc chắn là thầy sẽ truyền thụ nó cho Gia Cát Lượng, nếu như mình còn đợi nữa, thì bộ kỳ thư này chắc chắn sẽ không đến được tay mình. Giờ sách đã ở trong tay, lúc này không chạy đi, thì còn đợi lúc nào nữa chứ? Chàng chẳng màng tiếng thầy gọi, len lén vác lấy cái rương và trốn đi.

Cho đến khi Gia Cát Lượng hái thuốc quay về, thầy mở mắt ra, bảo Gia Cát Lượng đỡ mình xuống giường bệnh, vén một cái ngăn nhỏ ở bên dưới, lấy ra một cái túi màu vàng, hai tay cầm lấy đưa cho Gia Cát Lượng, rồi nhìn Gia Cát Lượng một cách thâm tình, ân cần dặn dò chàng: “Sau khi ta chết đi, hãy thiêu đốt thi thể của ta cùng với căn nhà, nhanh chóng đi nơi khác.” Nói xong, thì nhắm nghiền hai mắt.

Gia Cát Lương tuân theo lời căn dặn của thầy mình, bấm bụng đốt căn nhà và thi hài của thầy, đeo chiếc túi màu vàng, lập tức về quê, theo chú mình đến Nam Dương, ẩn cử ở Long Trung, dốc lòng học tập.

Lại nói đến Tư Mã Ý sau khi chạy về quê nhà, mở chiếc rương ra xem kỹ kỳ thư mình đã trộm về. Giở đến phía sau xem, chỉ thấy trên đó viết bốn câu:

Định quốc tu ái dân,

Tận hiếu phụng song thân.

Lưỡng giả giai tương bột,

Chẩm tác truyền thư nhân? (1)

Lúc này Tư Mã Ý mới biết rằng kỳ thư mà mình trộm về là một bộ sách giả. Chàng hối hận mà thành ra oán giận, sau đó lập tức dẫn theo người quay trở lại nơi ở của thầy, nào ngờ chỗ ấy đã hóa thành một bãi hoang tàn từ lâu rồi.

---------------------

(1) Giảng nghĩa: Muốn định được nước thì phải yêu lấy dân, tận tâm báo hiếu phụng dưỡng song thân, cả hai việc ấy đều làm trái lại cả, thì làm sao mà truyền thụ kỳ thư cho ngươi được chứ?

Khuyết danh / Tri thức Trẻ Books / NXB Thanh niên

SÁCH HAY